(VietNamNet) - Đời sống phim ảnh Việt 2010 có lắm chuyện vui, kha khá chuyện đau đầu và cũng chẳng thiếu scandal.


Liên hoan phim quốc tế VN: Dấu ấn và sự cố

2010 có thể nói là một năm nhiều chuyện của làng phim ảnh trong nước. Sự kiện đáng chú ý nhất chính là việc lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Liên hoan phim quốc tế (VNIFF) tại Hà Nội vào tháng 10/2010. Mặc dù VNIFF chỉ diễn ra hai năm một lần nhưng sự kiện này đã chính thức đánh dấu sự hội nhập của điện ảnh VN với quốc tế. Sự kiện này còn đáng nhớ hơn khi nó được tổ chức đúng vào dịp Hà Nội vừa đón sinh nhật lần thứ 1000.


Tuy các phim tham dự còn ít và bị kêu ca về mặt bằng chất lượng thấp song VNIFF lại tạo uy tín bằng việc mời được hàng loạt những nhân vật điện ảnh tiếng tăm của thế giới như đạo diễn nổi tiếng thế giới với các phim Người Mỹ trầm lặng, Nữ điệp viên Salt - Phillip Noyce, Giám đốc LHP Venice - Marco Muller... tới VN làm ban giám khảo. Điều đáng tiếc nhất tại VNIFF, cũng là chuyện được nhắc đến nhiều nhất chính là sự cố trong đêm trao giải khi MC Lại Văn Sâm dịch sai lời của diễn viên Ngô Ngạn Tổ.


Do người được bố trí dịch cho diễn viên Hong Kong này không biết biến đâu mất nên MC của chương trình "Ai là triệu phú" buộc phải lên tiếng chuyển ngữ cho Ngô Ngạn Tổ một cách không chính xác. Dư luận sau đó đã chĩa mũi nhọn vào MC kỳ cựu này cũng như MC Ngô Mỹ Uyên và ban tổ chức VNIFF. Sự việc đã đi quá xa với những lời bàn ra tán vào không cần thiết. Song điều đọng lại là bài học rất đắt để rút kinh nghiêm cho những lần tổ chức sau.

"Scandal" của các bộ phim lịch sử về Lý Công Uẩn

2010 cũng để lại những chuyện không vui trong đời sống phim ảnh. Nổi cộm nhất là những dư luận không mấy hay ho về các dự án phim lịch sử kỷ niệm 1000 năm. Bộ phim truyện nhựa duy nhất về vua Lý Công Uẩn cuối cùng cũng được thực hiện và ra mắt công chúng trong năm 2010. Đây là bộ phim truyện nhựa lịch sử được hoàn thành trong thời gian nhanh kỷ lục. Hồi đầu tháng 2/2010, đoàn làm phim ra mắt báo giới tại Hà Nội khi mới chỉ có nhà đầu tư và đạo diễn (Lưu Trọng Ninh) mà giấu kín hoàn toàn các thành phần còn lại.



Phim bấm máy trong lặng lẽ vào tháng 6 và hoàn thành trong thời gian nhanh kỷ lục (2 tháng) đi kèm những ồn ào xung quanh việc kiện tụng kịch bản giữa nhà văn Tường Vân và nhà đầu tư. Chưa hết, buổi ra mắt được cho là nội bộ của Khát vọng Thăng Long tổ chức vô cùng hoành tráng tại Hà Nội vào ngày 7/10 có tới gần cả ngàn khách mời. Điều đáng nói là Khát vọng Thăng Long được công chiếu mở màn khi chưa có giấy phép phổ biến và mang tiếng là phim nhựa nhưng người tham dự chỉ được xem bản phim DVD. Tuy vậy, cuối cùng mọi rắc rối cũng khép lại khi bộ phim chính thức ra rạp vào đầu tháng 11 và được đánh giá khá tốt.


Số phận của Khát vọng Thăng Long có thể nói là may mắn hơn rất nhiều dự án phim truyện nhựa lịch sử và phim về nhân vật Lý Công Uẩn khác.Năm qua có ba bộ phim truyền hình được nhắc đến rất nhiều là Thái sư Trần Thủ Độ, Huyền sử Thiên đô và Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long được thực hiện với mục đích phát sóng trong dịp Đại lễ và năm 2010 nhưng cuối cùng đều nằm im. Thái sư Trần Thủ Độ được thực hiện từ giữa năm 2009 với kinh phí sản xuất trên 50 tỉ đồng và đã hoàn thành từ lâu nhưng vẫn nằm im chờ ngày lên sóng. Huyền sử Thiên đô, một dự án phim truyền hình do tư nhân đầu tư xoay quanh nhân vật Vua Lý Công Uẩn âm thầm khai máy vào tháng 5/2010 và dự kiến lên sóng truyền hình vào tháng 10 nhưng cuối cùng lại mất hút một cách khó hiểu. Tuy nhiên gây dư luận nhiều nhất là Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long.

Dù chưa công chiếu nhưng trước dịp Đại lễ, bộ phim này đã vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích nặng nề rằng phim Việt nhưng lai Trung Hoa. Chuyện phim được thực hiện hoàn toàn tại Trung Quốc, mời đạo diễn Trung Quốc, thuê diễn viên quần chúng Trung Quốc tham gia bị lôi ra phản đối... Hội đồng duyệt phim quốc gia cũng phải họp lên họp xuống và yêu cầu nhà sản xuất bộ phim này chỉnh sửa một số nội dung được cho là không phù hợp khiến bộ phim này không thể phát sóng trong dịp Đại lễ cũng như năm 2010. Có quá nhiều dự án phim "ăn theo" sự kiện 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nhưng rất tiếc tất cả đều lỡ hẹn với công chúng.

Phim Việt thăng hạng trên trường quốc tế

Đối lập với những mảng màu tối trong đời sống phim ảnh nội năm qua chính là thành công ngoài biên giới của một bộ phim Việt thậm chí còn chưa công chiếu tại nước nhà. Đó là Bi, đừng sợ của đạo diễn Phan Đăng Di. Bộ phim đầu tay của tác giả kịch bản "Chơi vơi", bộ phim thành công tại hàng chục LHP quốc tế 2009, với tư cách đạo diễn đã có được những thành công đáng kính nể. Mở màn là hai giải thưởng đáng chú ý tại LHP Cannes tháng 5/2010 (Giải SACD và ACID/CCAS Support của Tuần lễ các nhà phê bình quốc tế). Kế đến là chiến thắng tại hàng loạt sự kiện điện ảnh quốc tế như LHP quốc tế châu Á Hong Kong (Phim hay nhất), LHP quốc tế Stockholm Thuỵ Điển (Phim đầu tay hay nhất và Quay phim xuất sắc nhất)...


Bi, đừng sợ của đạo diễn Phan Đăng Di.

Trong năm qua, Bi đừng sợ đã được mời tham dự hàng chục LHP quốc tế. Tiếp nối Chơi vơi, Bi đừng sợ đã làm nên chuỗi thành công đáng chú ý của điện ảnh Việt trên trường quốc tế hai năm liên tiếp (2009 - 2010). Tuy nhiên, cũng giống như đường đi của rất nhiều bộ phim độc lập khác, Bi đừng sợ tuy đã ra mắt công chúng ở hàng chục quốc gia nhưng đến thời điểm này vẫn chưa ra mắt được khán giả VN qua hệ thống rạp chiếu. Mặc dù vậy, đây là bộ phim được giới làm phim cũng như giới truyền thông truyền tay nhau xem nhiều nhất và cũng là một trong những bộ phim được bình luận nhiều nhất năm qua.

Hiếm có một bộ phim nghệ thuật nào dù chưa được công chiếu chính thức lại "nóng" như Bi, đừng sợ năm qua. Rạp chiếu phim không còn là con đường duy nhất để đưa một bộ phim đến với số đông và Bi, đừng sợ là trường hợp điển hình nhất hiện nay của phim Việt.

Nghi án đạo phim bị phát giác

Nếu như Bi, đừng sợ được coi là bộ phim tiêu biểu cho những thể nghiệm táo bạo trong điện ảnh của đạo diễn Phan Đăng Di thì Giao lộ định mệnh lại là một sản phẩm phim ảnh đáng xấu hổ của một nhà làm phim Việt. Bộ phim khá ăn khách ngoài rạp. Ban đầu được người xem tán dương, coi đó là một bước đột phá của phim nội. Nhưng không lâu sau đó Giao lộ định mệnh bị phát giác giống y chang một bộ phim của Mỹ công chiếu năm 1991, Shattered. Hài ở chỗ Giao lộ định mệnh chọn slogan là: "Có những bí mật cần phải chôn vùi" nhưng không thể chôn vùi một sự thật rằng đây chỉ là bản sao nói tiếng Việt của Shattered.


Giao lộ định mệnh chọn slogan là: "Có những bí mật cần phải chôn vùi"

Ngoại trừ những bộ phim được tuyên bố là làm nhái một bộ phim nào đó thì chuyện xào nấu một bộ phim khác rồi biến nó thành của mình là điều tối kỵ. Dư luận không hay sẽ bị quên lãng theo thời gian nhưng vết nhơ nghề nghiệp với một đạo diễn, nhất là một người đã được đào tạo bài bản tại một đất nước có nền điện ảnh coi trọng bản quyền và sự sáng tạo riêng như Mỹ. Khi dự án phim tết "Cô dâu đại chiến" cũng của đạo diễn này được công bố, nhiều người đã đặt dấu câu hỏi rằng liệu bộ phim này có phải là háng nhái của những bộ phim Mỹ như Bride Wars (2009) hay John Tucker Must Die (2006)?

Phim nội cả năm đều là Tết

Tuy vậy bức tranh điện ảnh Việt 2010 vẫn có thể khiến nhiều người lạc quan chính bởi sự vận động tích cực của nó. Năm qua đánh dấu sự kiện lần đầu tiên phim Việt không chỉ có mùa Tết. Các nhà sản xuất thay vì chỉ nhắm vào mấy ngày Tết để hốt bạc đã chịu đưa phim ra rạp vào những thời điểm khác nhau trong năm mà trước đó ít ai dám mạo hiểm. Gần như thời điểm nào trong năm khán giả cũng có phim xem với Để Mai tính, Tây Sơn hào kiệt (tháng 4), Giao lộ định mệnh (tháng 9), Vũ điệu đam mê, Long thành cầm giả ca, Cánh đồng bất tận (tháng 10), Khát vọng Thăng Long (tháng 11), Em hiền như Ma sơ (tháng 12).


Trong số này các phim Để Mai tính và Cánh đồng bất tận đã tạo nên được những cơn sốt ngoài rạp với doanh thu lên tới cả chục tỉ đồng sau thời gian ngắn công chiếu, điều gần như không tưởng với các bộ phim được phát hành ngoài Tết trước đây. Điều này không chỉ khẳng định sự phong phú của phim Việt, sự thay đổi trong chiến lược phát hành của các hãng phim mà còn cho thấy thực tế rằng khán giả Việt đã thay đổi cách nhìn với phim Việt và luôn dành sự ưu ái cho phim nội bất cứ thời điểm này. Phải chăng chất lượng phim Việt đã lên hay thói quen đến rạp và thị hiếu xem phim của khán giả đã thay đổi?

2010 có thể nói là năm chạy đà, báo hiệu sự bùng nổ của ngành sản xuất phim Việt trong năm 2011 với sự xuất hiện của ngày càng nhiều phim và các rạp chiếu.

Hạnh Phương