"Bất thường - bất thường - bất thường hơn nữa. Thầy kêu gọi các em như thế...", vị đạo diễn tài hoa Lê Hoàng bất ngờ khác hẳn mọi khi, ông không viết về giới showbiz nữa mà viết một bức thư mượn lời một hiệu trưởng nhắn nhủ học sinh sắp ra trường.

Các em thân mến!

Hôm nay là này cuối cùng của năm học cuối cùng. Chỉ vài tiếng nữa thôi các em sẽ tốt nghiệp ra trường. Giờ phút này những tiếng trống đang vang lên, không phải trống báo vào lớp hay trống tan học, mà trống tạm biệt. Những tiếng trống kết thúc của thời kì phổ thông khiến thầy tin đang làm các em nghẹn ngào, dù là em ngoan hay em ương bướng bởi trong sâu thẳm tâm hồn các em vẫn là những đứa trẻ thơ.

Các em thân yêu!

Lễ tốt nghiệp nào cũng phải kết thúc bằng một bài diễn văn. Toàn thế giới đều như vậy và chúng ta cũng thế. Trong phần lớn các diễn văn đó, các ông hay các bà hiệu trưởng đều ca ngợi học sinh như những con người phi thường, giúp cho các em tin tưởng một cách mãnh liệt sâu sắc về khả năng thay đổi hành tinh, thay đổi xã hội cũng như thay đổi cá nhân mình.

Những bài diễn văn kiểu đó không sai hoặc từ lâu rồi chẳng ai dám nghĩ rằng sai bởi làm cho con người tự tin, cảm thấy có tài, có sức mạnh vốn là một nhiệm vụ quan trọng của giáo dục.Nhưng vừa rồi ở bên Mỹ đã có một ông hành động khác. Ông ta tuyên bố tất cả các em đều bình thường, thậm chí có thể tầm thường. Đừng nuôi ảo tưởng và đừng nghĩ rằng cả trái đất đang náo nức và đang sốt ruột chờ các em vươn tay ra cải tạo. “Chả hề có chuyện đó” - ông ấy nhấn mạnh. Nếu các em không cố gắng, các em còn lâu mới sống cho ra hồn chứ đừng nói đến việc trở thành các vĩ nhân.


Lê Hoàng

Bài diễn văn của ông ta đã gây nên một cơn bão. Kẻ phản đối cũng nhiều và người ca ngợi cũng lắm. Với tư cách một nhà sư phạm, có nghĩa là nhà khoa học, thầy nghĩ rằng bất cứ cái gì, tuy chưa rõ đúng sai những gây ra tranh luận nhiều chiều đều lợi ích cả.

Vậy giờ phút này đứng trước các em, với tư cách một hiệu trưởng, thầy phải tỏ thái độ thế nào? Đó là điều thầy đã cân nhắc nghiêm túc suốt đêm qua. Cũng thành thật với các em, chả phải lúc nào thầy cũng trăn trở như vậy. Đã có nhiều năm thầy đọc đi đọc lại một bài diễn văn soạn sẵn giống hệt nhau, chỉ thay đổi ngày tháng, nhưng bây giờ thầy không cho phép mình làm thế do đây chẳng những là ngày cuối cùng của các em mà rất có thể cũng là những ngày cuối cùng của thầy trên cương vị hiệu trưởng. Trong cuộc đời chúng ta những giờ phút cuối cùng luôn luôn cần trung thực!

Các em thân yêu!

Nếu bảo rằng các em vĩ đại và khác thường thì thầy rõ ràng không tin. Với chất lượng sách giáo khoa, với khả năng và lương tâm các thầy cô, với sức tiếp thu quen thụ động và một chiều, với hoàn cảnh sống còn nhiều vất vả, rất ít lý do để các em trở thành những nhà khoa học hay nhân văn học có tư duy sáng tạo phi thường, đột phá. Các em chỉ là học sinh phổ thông mà chữ phổ thông không là bạn thân của chữ đỉnh cao. Điều ấy hoàn toàn có cơ sở chứng minh.

Nhưng nếu bảo các em là tầm thường thì thầy kiên quyết phản đối, con người chúng ta là sinh vật tiên tiến nhất trên trái đất, và nhiều khả năng trên vũ trụ. Vô số thứ con người trong đó đương nhiên có các em làm ra đã vượt xa mọi sức tưởng tượng. Không lý do gì sự tầm thường lại góp phần trong những thành tựu đó. Và dù các em có lên lớp không đều, có tiếp thu nhiều bài giảng một cách khập khiễng thì vẫn phải công nhận đó là những kiến thức đã được tích tụ cả ngàn năm. Không thể có con người tầm thường, cũng như không thể có con vịt hoặc con gà cao quý.

Vậy các em là ai? Hay nói chính xác hơn các em sẽ là ai? Đã tới thời điểm mà câu hỏi này đã phải đặt ra. Nhân đây xin tuyên bố nếu cá lớn lên nhờ nước, cây lớn lên nhờ đất và hoa nở nhờ ánh sáng mặt trời thì chúng ta phải lớn lên bằng câu hỏi. Chừng nào ngừng đặt câu hỏi, chừng đó chúng ta đã ngừng tồn tại. Theo cá nhân thầy, các em không trở nên là kẻ bình thường, cũng không thể là kẻ phi thường. Các em hãy là những con người 'bất thường'.

Sự bất thường hiểu theo nghĩa chân chính của nó là một hành vi không thể dự đoán được. Sự bất thường khiến ta có thể đúng, khiến ta có thể sai nhưng rất, rất nhiều lúc khiến ta tìm được những kết quả chưa ai ngờ tới, khiến xung quanh ta phải nhìn sự vật một cách khác đi.

Trong một xã hội chân chính như xã hội các em đang sống, nhìn cái xấu rất dễ, nhìn cái tốt cũng chả khó khăn bao nhiêu nhưng hiểu cách khác luôn luôn là chuyện cần nỗ lực, cần tranh cãi và cần sự vươn cao.

Các em hãy bất thường đi. Không phải trong sinh hoạt, trong quần áo hay đầu tóc càng không nên trong ăn uống. Đấy là những thứ bất thường vớ vẩn dùng cho những kẻ tầm thường trong nhận thức. Các em phải  bất thường trong mỗi cách đưa ra vấn đề, trong mỗi cách tìm hiểu cuộc sống và giải quyết nó. Đấy là lời căn dặn của thầy.

Muốn như thế điều cơ bản nhất là các em phải biết từ bỏ các thói quen, các kiểu tư duy rập khuôn với người khác. Cũng theo thầy, thói quen là kẻ thù nguy hiểm nhất của chúng ta, đặc biệt là những thói quen lặp đi lặp lại khiến ta tưởng đó là chân lý. Trong văn hóa, trong khoa học, trong nghệ thuật thói quen sẽ trở thành một con đường mà dù có phóng xe trên đó với tốc độ cao bao nhiêu thì đích tới cũng là cái đích cũ, đầy những cá nhân ở đó trước rồi, các em nên ghi nhớ điều này.

Bất thường- bất thường - bất thường hơn nữa. Thầy kêu gọi các em như thế. Bất cứ điều gì cũng phải thắc mắc, bất cứ công việc nào cũng phải đặt dấu hỏi, bất cứ vấn đề ra sao cũng phải tránh xa các kết luận có sẵn. Đấy chính là điều thầy mong các em nên làm.

Thầy cũng chả giấu diếm rằng như thế đôi khi khá nguy hiểm… Có thể làm các em trở nên đơn độc, hoặc trở nên bị xa lánh với một đám đông. Nhưng nếu mỗi quốc gia đều hòa nhập chứ không hòa tan thì mỗi con người cũng nên bắt chước điều này.

Các em học sinh yêu quý của thầy !

Những tiếng trống cuối cùng sắp chấm dứt. Thầy không biết bài diễn văn này có thể coi là một tiếng trống hay tiếng súng. Nhưng tận đáy lòng thầy chỉ mong các em được thôi thúc vào đời với trái tim dũng cảm, với kiến thức tuy còn sơ sài nhưng không ngại bổ sung và với một nghị lực phi thường để đạt tới những đỉnh cao khác thường mà đất nước chúng ta đang mong đợi các em.

(Theo GDVN)