- "Múa cần phải có người xem, nghệ sĩ cần có công chúng. Đằng này múa không ai xem, phim làm ra không tới khán giả",  ĐD Hà Bắc nói về thực trạng phim HH VN không có đầu ra.


Một cảnh trong phim hoạt hình 3D "Giấc mơ của ếch xanh".
Tiếp mạch bài về thực trạng phim hoạt hình Việt Nam, Vietnamnet đã có cuộc phỏng vấn đạo diễn Hà Bắc. NSND Hà Bắc làm việc tại Hãng phim hoạt hình từ năm 1976 đến năm 2003. Từ năm 2003 đến nay anh làm việc tại Hãng phim Giải Phóng và vẫn liên tục cho ra những bộ phim gây chú ý. Gần đây anh giới thiệu bộ phim 3D về đại tướng Võ Nguyên Giáp được đánh giá cao. Dù chỉ có dung lượng 20 phút nhưng ĐD Hà Bắc đã phải làm việc ròng rã suốt 2 năm trời. NSND Hà Bắc cũng là tác giả của bộ phim hoạt hình 3D đầu tiên của điện ảnh VN, Giấc mơ của ếch xanh. Phim của anh từng giành nhiều giải thưởng lớn tại các kỳ Bông sen, Cánh diều. 

"Ở VN, hàng năm Nhà nước vẫn đầu tư làm phim hoạt hình dù hoạt hình rất nhiều năm nhưng hiệu quả không cao. Số tiền đầu tư không nhỏ cho sản xuất phim, làm nhà xưởng và trang thiết bị nhưng phim hoạt hình chưa đáp ứng được mong mỏi của khán giả. Trong khi đó, những người chịu trách nhiệm về hoạt hình VN luôn tự ngộ nhận về thành tích ảo, mà thực chất yếu kém về mặt quảng bá và chất lượng phim thì hầu như chưa ai phải chịu trách nhiệm", ĐD Hà Bắc nói.

Phim làm xong có khi nằm đắp chiếu

- Khán giả VN gần như không có khái niệm về phim hoạt hình Việt bởi các phim chiếu rạp đa phần là phim Mỹ và đa phần chỉ xem phim hoạt hình trên các kênh truyền hình nước ngoài, mà nhiều khi chất lượng cũng không bằng phim VN. Câu hỏi là vì sao, sau rất nhiều năm, phim hoạt hình VN vẫn không tìm được lối ra và mãi lẹt đẹt như vậy?

- Cái nôi của hoạt hình thế giới là Mỹ. Nơi có tiền nhiều, kỹ thuật giỏi, con người tài và khoa học thì mới có những bộ phim tuyệt vời được. Trên thực tế, đội ngũ làm phim hoạt hình của ta không phải là kém, cái yếu nhất là khâu quản lý. Người ta vẫn cho rằng hoạt hình là cái thứ giải trí của trẻ con và đầu tư rất hẻo, rất rẻ tiền. Trong khi ở nước ngoài, phim hoạt hình được đầu tư rất lớn. 

Ở VN, hàng năm Nhà nước vẫn đầu tư làm phim hoạt hình dù hoạt hình rất nhiều năm không có hiệu quả. Số tiền đầu tư không nhỏ nhưng hiệu quả ít, không ai chịu trách nhiệm cả. Người ta đổ tại cho rất nhiều vấn đề nhưng kém nhất là vấn đề không đưa thông tin lên mạng trong thời buổi bùng nổ internet. Phải có những người am hiểu công nghệ, vì cái chung mới làm được những việc đó. 

- Vậy theo anh nguyên nhân vẫn nằm ở khâu quản lý chứ không phải là ở nghệ sĩ?

- Nguyên nhân là năng lực của những người quản lý kém. Thêm nữa, theo cơ chế, Nhà nước bỏ tiền đầu tư thì chỉ Nhà nước mới có quyền phát hành. Là đạo diễn mà tôi không có quyền gì với phim của mình, bạn bè xin phim cũng rất khiên cưỡng vì sợ phim bị copy đưa lên mạng. Chúng tôi có nhiều phim tốt nhưng không dám đưa lên mạng như các bạn trẻ bây giờ vì không có trong tay bản quyền, phát tán lên mạng có khi còn bị phạt. Về nguyên tắc phim lại thuộc bản quyền của nhà nước, tức là fafilm VN. Mà họ đâu có phải nghệ sĩ, chỉ khi có lãi họ mới làm. Do vậy phim làm xong có khi nằm đắp chiếu, thậm chí còn chẳng buồn quảng bá cho phim. 

ĐD Hà Bắc đang bận rộn với dự án phim mới.

Bất lực trước một hệ thống quản lý quan liêu

- Anh thấy sao khi thời gian gần đây có nhiều bạn trẻ, nhiều nhóm sinh viên đã gây chú ý với các tác phẩm đầu tay của mình trên mạng như Cô bé bán diêm mà gần đây nhất là Đại chiến Bạch Đằng?

- Phong trào phim hoạt hình ở VN như vậy là quá chậm vì tôi biết ở nước ngoài họ đã làm thế hàng chục năm nay. Lớp trẻ họ làm rất nhiều, phim chỉ 2-3 phút nhưng tính triết lý cao, chất lượng tốt và được quảng bá rầm rộ trên mạng. Đại chiến Bạch Đằng cá nhân tôi thấy chất lượng nghệ thuật còn chưa cao, làm theo kiểu tranh cắt giấy, bố cục hạn chế. Nhưng tôi đánh giá cao các bạn trẻ ở sự nhiệt tình. Người ta đã phải trả giá rất nhiều cho các lần đầu tiên hoàn hảo ấy. Nhưng cứ thử đợi đến lần thứ 2, lần thứ 3 xem sao.

Cách đây chục năm có công ty đã bỏ tiền tấn ra làm phim hoạt hình nhưng chỉ sau vài ba tiếng khen bèo bọt rồi lại thôi, họ không nghĩ đến chuyện làm phim hoạt hình nữa. Nhiều công ty đầu tư làm 1 phim hoành tráng bằng mọi giá cho lên mạng để gây chú ý, kích lên thành phong trào rồi thôi. Tôi nghĩ nếu làm phim manh mún, không có tổng thể thì ngày 1 ngày 2 sẽ lụi tàn thôi.

- Anh nghĩ sao nếu có ý kiến cho rằng Hoạt hình VN đang chết lâm sàng?


- Tôi không nghĩ vậy. Hoạt hình VN có một nền tảng tốt. Với sự hỗ trợ của kỹ thuật ngày nay thì không cần nhiều tiền lắm cũng làm được phim rồi. Quan trọng là cơ chế thế nào và quản lý ra sao. Cần phải cập nhật CNTT thường xuyên. Khi làm phim phải đưa thông tin lên mạng.

- Anh nói cơ chế quản lý cần cập nhật. Đó có phải lý do anh đi khỏi Hãng phim hoạt hình VN?


-  Tôi bất lực trước một hệ thống quản lý quan liêu, cổ điển và nói thẳng là ấu trĩ. Họ chỉ nghĩ đến chuyện răn dạy 1 cách hào nhoáng. Những người làm việc hết tâm như chúng tôi không thể sống giả tạo được thì phải tự đi tìm 1 con đường riêng. Công việc nặng nề, làm việc hết mình nhưng ăn lương rẻ mạt. Sau thời kỳ hết mình thì cũng nản vì cơ chế quá chắc, không thể thay đổi được ngày 1 ngày 2.

- Phim làm ra không tiếp cận được với khán giả trong khi nghệ sĩ thì ko biết giới thiệu phim của mình thế nào, anh có nản không?


-  Nản chứ! Múa cần phải có người xem, nghệ sĩ cần có công chúng. Đằng này múa không ai xem, phim làm ra không tới khán giả thì thật buồn.  

Nhiều người nổi tiếng được mời lồng tiếng cho các phim hoạt hình lớn của Mỹ phát hành tại VN.

- Các bộ phim hoạt hình nước ngoài dù chưa ra rạp đã được quảng bá rầm rộ với những chiến lược bài bản còn phim hoạt hình VN thì luôn trong tình cảnh "áo gấm đi đêm", phim làm ra không ai biết. Tại quảng bá kém hay còn lý do nào khác?

- Phim nước ngoài có khi dành cả nửa kinh phí cho quảng bá. Họ có chiến lược marketing bài bản và chuyên nghiệp còn ở VN thì không. Thậm chí các nghệ sĩ ở Hãng phim hoạt hình còn không được quyền phát ngôn, quảng bá, họ chỉ có nhiệm vụ âm thầm làm công việc của mình. Hoạt hình VN không lớn được là vì thế.

Chúng ta còn có rất nhiều phim hoạt hình khá nhưng không tiếp cận được với khán giả. Nhiều nghệ sĩ Hoạt hình tài năng nhưng vẫn ẩn sau màn ảnh của những bộ phim không được công chiếu rộng rãi. Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, vậy mà đến nay 1 website quảng bá riêng cho các tác phẩm và tác giả của phim hoạt hình VN cũng còn chưa có.

- Thời gian gần đây có nhiều phim hoạt hình lớn của Mỹ tiến hành lồng tiếng Việt. Dường như cơ hội cho phim Việt trên sân nhà không còn?


- Tôi cho đó là một nhận định phiến diện. Phim VN nếu biết quảng bá, biết đặt đúng chỗ thì chắc chắn khán giả VN không quay lưng, dù phim VN chưa có kĩ thuật bằng phim ngoại. Muốn vậy thì phải biết cách tổ chức, lăng xê, phải quảng bá tốt cho phim hoạt hình VN... Cần nhiều thứ lắm!  

Bài tiếp: Tại sao lại phải miễn phí và tại sao phải làm thế!

Hoàng Vy