- Bài hát “Tiếng cồng quân y” của liệt sĩ Nguyễn Như Trang - tiểu đoàn phó tiểu đoàn 150 của trung đoàn 52 Tây Tiến sáng tác đầu năm 1948 được nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc phối âm với sự trình diễn của dàn hợp xướng trường CĐNT Tây Bắc vang lên đầy thiêng liêng, xúc động.
Vừa qua, trong buổi lễ Tri ân các liệt sĩ Tây Tiến tại xóm Trang, xã Thượng Cốc,
huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình, và lễ trao Bằng Công nhận Di tích lịch sử cách
mạng cấp Tỉnh, trước sự chứng kiến của lãnh đạo tỉnh Hoà Bình, Cục Di sản Văn
Hóa, gần một trăm cựu chiến binh, thân nhân gia đình chiến sĩ Tây Tiến, đông đảo
các đại biểu đoàn thể trong tỉnh và nhân dân xã Thượng Cốc đến dự. Khoảnh khắc
xúc động nhất của sự kiện này chính là khi ca khúc “Tiếng cồng quân y” đầy bi
thương, hào hùng vang lên. Bài hát do liệt sĩ Nguyễn Như Trang sáng tác cách đây
đã 64 năm nay được nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc hòa âm lại với một màu sắc mới.
Gần 200 chiến sĩ ra đi, gần 200 hồi cồng tiễn biệt
Cuối năm 1947, quân Pháp nhảy dù xuống thị xã Hòa Bình, tiến theo đường số 6 lên
chợ Bờ, suối Rút. Trung Đoàn 52 Tây Tiến sau những trận đánh ác liệt không cân
sức, phải cơ động chiến đấu liên tục nhiều ngày trên địa hình miền Tây hiểm trở,
núi rừng trùng điệp, dân cư thưa thớt. Phần đông bộ đội từ thành phố hoặc đồng
bằng lên chưa quen khí hậu, thời tiết khắc nghiệt vùng miền Tây, lương thực
thiếu thốn, thường phải ngủ đất, chăn màn rất hiếm, muỗi rừng, vắt như trấu nên
sốt rét hoành hành. Bệnh lỵ lan tràn, các chiến sĩ bị ốm ngày một nhiều, cùng
với số bị thương trong chiến đấu làm cho có đại đội chỉ còn khoảng 30% quân số
tham gia công tác huấn luyện. Trước tình hình đó, Quân y xá Trung đoàn được lệnh
chuyển về xóm Châu Trang nay là xóm Trang, xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn, Hòa
Bình để điều trị cho các thương bệnh binh.
Bác Nguyễn Thị Thanh Liêm, cô y tá năm xưa bồi hồi nhớ lại: "Hồi ấy biên chế Quân y xá Châu Trang chỉ có 10 người, nhưng phải đảm nhiệm cứu chữa chăm sóc vài chục, có khi lên hơn một trăm thương bệnh binh, chủ yếu là sốt rét. Thuốc thang, dụng cụ y tế vô cùng thiếu thốn. Không có gạc chúng tôi phải lấy lá chuối cắt ra đem hấp tiệt trùng dùng đắp vết thương, một viên Ki-na-kơ-rin pha một lít nước để mỗi người uống một chén con, gọi là uống cho an ủi thôi chứ một chén thì chả có ý nghĩa gì cho việc chữa bệnh. Ăn uống rất thiếu thốn, nhiều khi phải mang rá đi vào bản xin gạo, mà dân rất nghèo. Anh em thương binh ăn xong, còn tí cháy mấy chị em quân y nấu cháo húp cầm hơi, chúng tôi thường vào rừng kiếm quả ổi, quả sung.
Tôi còn nhớ buổi sáng ấy vào phát thuốc, một anh
thương binh gọi Cô ơi gỡ giùm anh với, cậu này ôm anh chặt quá. Hóa ra
đên trước hai đồng chí ôm nhau ngủ, sáng ra một anh đã chết, thi thể lạnh ngắt,
hai tay ôm chặt anh bạn thương bình không còn sức để gỡ... Quân y xá có một
buồng riêng, gọi là "nhà liệt" ai nặng quá thì đưa vào nhà này. Mỗi khi có một
chiến sĩ qua đời, đồng chí Sơn y tá lại gióng một hồi cồng, các mế các chị cùng
dân quân liền đến mai táng. Ban đầu thi hài được liệm bằng những manh chiếu, sau
này chiếu hết phải đan phên bằng nứa! Có ngày vài lần tiếng cồng vang lên ...
Trong ba tháng đã mất gần hai trăm chiến sĩ Tây Tiến! Mộ chôn kín cả vùng đồi,
chính nơi chúng ta đang đứng đây.
Vào thời điểm lịch sử đó, bài hát “Tiếng cồng quân y” của một chiến sĩ trên
chiến trường Tây Tiến viết về sự hy sinh của đồng đội mình đã ra đời. "Đây là
bài hát hiếm hoi viết về đề tài này, chỉ có người trong cuộc và có tâm hồn âm
nhạc mới viết được những giòng âm nhạc cảm động như thế", nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc
nói.
Người chiến sĩ Tây Tiến dũng cảm và tài hoa
Nguyễn Như Trang là một học sinh Hà Nội đàn hay vẽ giỏi, đầu năm 1945 khi chưa
tròn 18 tuổi, anh gia nhập vệ quốc đoàn, là Đại đội trưởng của tiểu đoàn 212
thuộc Trung đoàn Thủ đô. Đầu năm 1947 anh gia nhập đoàn quân đi bảo vệ biên
cương phía Tây của Tổ quốc. Để động viên đồng đội, anh viết bài: “Vượt biên
Thùy” và nhạc phẩm "Trấn biên cương" với giai điệu hành khúc thôi thúc bước chân
người chiến sĩ thề quyết hy sinh thân mình bảo vệ vùng biên cương của tổ quốc.
Cũng trong thời gian này, anh đã cho ra đời bài hát "Hành khúc đoàn quân Miền
Tây" để động viên các chiến sỹ Tây Tiến của Trung đoàn 52 và các chiến sĩ Quân
đội nhân dân VN luyện quân lập công bảo vệ tổ quốc. Giữa năm 1948, anh là Tiểu
đoàn phó tiểu đoàn 150 của trung đoàn 52 tham dự Đại hội văn hóa văn nghệ toàn
quân. Khi đó anh vẫn phải chống gậy bước đi tập tễnh vì vết thương chân trái
chưa lành. Cấp trên có kế hoạch điều động sang công tác văn hóa văn nghệ quân
đội, nhưng anh đã xin phép được trở về đơn vị chiến đấu.
Sau nhiều trận chiến đấu anh bị thương nặng gẫy xương thẹp chân trái được điều
trị tại quân y xá Châu Trang. Báo Quân đội nhân dân Việt nam thời kỳ đó đã từng
đăng bài viết "Người Đại đội trưởng bị thương" nói về tinh thần chiến đấu anh
dũng của anh và đồng đội. Trong những ngày điều trị tại đây, anh sáng tác bài
hát “Tiếng Cồng quân y” ghi lại một trang sử bi tráng của chiến trường Miền Tây
khốc liệt. Ngày 21/11/1948 Như Trang và đồng đội bị địch tập kích bất ngờ và đã
anh dũng hi sinh khi mới 22 tuổi.
64 năm sau, cũng chính tại nơi này, giai điệu của
ca khúc Tiếng cồng quân y vang lên thật xúc động. Hình ảnh người chỉ huy dũng
cảm, mưu trí, yêu thương đồng đội hết lòng của Nguyễn Như Trang và bao liệt sĩ
đã qua đời như cùng hiện về trong buổi lễ long trọng này. "Ai nghe thấy tiếng
cồng rền rỉ … Cồng tiễn đưa một đồng chí qua đời tới nơi ngàn thu. Chàng chưa
muốn chết lúc nước non chưa yên, nhưng bện tình trầm trọng đã đưa chàng đi, khi
nước non đang chờ và chí trai đang hăng hái chống xâm lăng….".
Như Châu