Không dừng lại ở thiết kế áo dài truyền thống, đại diện Việt Nam ngày càng táo bạo trong việc mang trang phục dân tộc biến thể, sexy tới các đấu trường sắc đẹp quốc tế.

Chiếc áo dài đen đuôi công kết cườm và kim sa của NTK Việt Hùng giúp Mai Phương Thúy lọt vào top 20 thí  sinh mặc trang phục dân tộc đẹp nhất Miss World 2006 (bên trái). Bên phải là Hoàng Yến với chiếc áo dài đen quý phái trong đêm Chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2009.
Ở các cuộc thi sắc đẹp có uy tín thế giới, trình diễn trang phục dân tộc là một trong những phần thi quan trọng. Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới, thí sinh đoạt giải Hoa hậu mặc trang phục dân tộc đẹp nhất sẽ được một suất đặc cách vào thẳng bán kết. Trong phần thi này, các thí sinh sẽ trình diễn trang phục truyền thống độc đáo của dân tộc mình. Khán giả thường choáng ngợp khi xem phần biểu diễn này bởi có rất nhiều những bộ trang phục sặc sỡ, ấn tượng được thể hiện bởi các người đẹp. Nhan sắc Việt chưa để lại ấn tượng tốt ở nội dung này và những bộ trang phục dự thi thường bị đánh giá là quá đơn điệu.

Phần lớn, đại diện Việt Nam chọn áo dài cho phần thi trình diễn trang phục truyền thống. Áo dài tuy kín đáo nhưng giúp người phụ nữ Việt Nam thể hiện được những đường cong gợi cảm của cơ thể, đó là điều không thể phủ nhận. Thế nhưng khi hòa chung vào những bộ cánh rực rỡ sắc màu của nước bạn thì áo dài Việt có phần giản dị, thậm chí là nhạt nhòa. Ngoài chiếc áo dài đen đuôi công kết cườm và kim sa của NTK Việt Hùng giúp Mai Phương Thúy lọt vào top 20 thí  sinh mặc trang phục dân tộc đẹp nhất Miss World 2006, thì hầu hết người đẹp Việt đều trắng tay ở phần thi này.


Hoàng Yến chọn bộ áo dài đen quý phái trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2009; Trương Tùng Lan mang đến cuộc thi Hoa hậu châu Á Thái Bình Dương 2011 một bộ trang phục dân tộc áo dài thiết kế trên chất liệu nhung kết hợp với thổ cẩm của dân tộc Dao; Phan Thị Mơ chọn áo dài cho cuộc thi Hoa hậu Trái Đất 2011… đều không có giải.

Để tránh cảm giác nhàm chán, đơn điệu, các người đẹp Việt ngày càng táo bạo cách tân trang phục dân tộc để dự thi. Trúc Diễm được xem là người đẹp mở đầu có sự phá cách. Năm 2011, khi tham dự cuộc thi Hoa hậu Thế giới, Trúc Diễm mang theo bộ trang phục nặng gần 10kg của NTK Lê Long Dũng dự thi. Bộ trang phục lấy ý tưởng từ mẹ Âu Cơ trong truyền thuyết con Rồng cháu Tiên.

Bộ trang phục khá lạ lẫm.

Phía trên của bộ trang phục được thiết kế rất kiệm vải.

Rất nhiều người cho rằng, bộ trang phục mới lạ, độc đáo. Thế nhưng không ít người cũng nhận xét, trang phục của Trúc Diễm có vẻ hầm hố, mang đậm nét "game Phong Thần". Quả thật, chiếc váy được thiết kế khá lạ lẫm với chân váy thì được thêu hoa văn thổ cẩm cầu kì, còn phần phía trên lại quá… khô cứng. Để giúp người đẹp khoe vai trần và eo thon, phía trên chiếc váy khá kiệm vải. Thiết kế khiến người xem cảm thấy sự xa lạ và thật khó nhận ra tính truyền thống của trang phục Việt.

Cũng nằm trong xu hướng "hâm mộ" sự cải cách, đại diện Việt Nam, Phan Thị Mơ đem đến cuộc thi Hoa hậu châu Á tại Mỹ 2011 chiếc áo dài của Việt Nam gợi nhớ hình ảnh mẹ Âu Cơ trăm trứng. Chiếc áo dài màu đỏ gắn liền với truyền thuyết với mẹ Âu Cơ trăm trứng nở trăm con.

Trang phục truyền thống của Phan Thị Mơ nhìn giống như của vũ công.

Bộ trang phục lấy chủ đề Sinh thành, với ý nghĩa luôn nhớ về cội nguồn với công đức bờ bến của cha mẹ. Diện bộ trang phục đó, Phan Thị Mơ trở nên rất gợi cảm vì ở phía trên thiết kế như chiếc yếm của người phụ nữ Việt thời xưa. Tuy vậy, màu sắc sặc sỡ cùng thiết kế phần dưới của chiếc váy lấp lánh trông giống váy dành cho vũ công hơn trang phục dân tộc.

Ở một cuộc thi sắc đẹp khác là Nữ hoàng Du lịch Quốc tế 2011, đại diện Việt Nam là Hoàng Ngân đã mang chiếc váy Lửa thiêng của NTK Long Dung dự thi Trang phục dân tộc. Bộ trang phục được thực hiện dựa trên cảm xúc khi đứng trước hình ảnh ngọn lửa đỏ rực, hừng hực sức nóng, bập bùng cháy trong tiếng cồng chiêng rộn rã giữa núi rừng Tây Nguyên. Qua bộ trang phục, Thúy Ngân muốn gửi đến bạn bè năm châu thông điệp về ý chí và tâm hồn của con người Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung.

Màu sắc và thiết kế của trang phục Hoàng Ngân măc khá... bí hiểm.


Bộ trang phục này khoe da thịt nhiều hơn mức cần thiết.

Tuy nhiên, nhìn chiếc váy khá khó hiểu với phần trên thiết kế khoe nhiều… da thịt, còn tổng thể màu sắc đen pha vàng tạo cảm giác bí hiểm, lạnh lẽo. Không thể hiện được rõ nét tính dân tộc, bộ trang phục mang nhiều hơi hướng cosplay hoặc các nhận vật trong game online.

Cũng vì muốn tạo sự khác biệt, Vũ Hoàng My đã lựa chọn chiếc áo tứ thân mớ ba, mớ bảy có cách tân để “đua sắc” với các người đẹp Hoa hậu Hoàn vũ 2011. NTK Thuận Việt đã thiết kế bộ váy áo tứ thân cho Hoàng My với chủ đề Tinh hoa Việt, sáng tạo, phá cách táo bạo và có sự kết hợp giữa nghệ thuật thêu tay truyền thống và các chất liệu lụa mới nhất.

Chiếc áo khoét cổ sâu và xẻ cao khiến Hoàng My tự tin khoe đôi chân dài
miên man.

Áo tứ thân vốn nổi tiếng là nhiều tà, mớ ba mớ bảy nhưng NTK Thuận Việt đã khéo léo để người đẹp khoe vòng eo thon. Chiếc áo khoét cổ sâu và xẻ cao khiến Hoàng My tự tin khoe đôi chân dài miên man.

Năm nay, một lần nữa chinh chiến tại cuộc thi nhan sắc quốc tế lớn là Miss World 2012, trang phục dân tộc Hoàng My lựa chọn lại gây nhiều tranh cãi. Bộ trang phục được cho là sexy quá mức cần thiết và có nhiều điểm bất ổn. Bộ trang phục của NTK Thanh Hòa lấy cảm hứng từ văn hóa Âu Lạc. Theo anh, bộ trang phục dựa trên nguồn gốc lịch sử, từ trang phục của người Âu Lạc với phần thân trên là áo yếm, phía trước xẻ giữa, phần thân dưới được thiết kế dựa trên váy quấn, ngắn, tạo sự linh hoạt và nhanh nhẹn trong sinh hoạt (săn bắn), cách điệu từ họa tiết của trống đồng Đông Sơn và biểu tượng chim Lạc.

Bộ trang phục tôn vóc dáng của người đẹp với nhiều khoảng hở, đường cắt xẻ
táo bạo ... nhưng có phần gợi cảm quá đà.

Thừa nhận là trang phục dự thi của Hoàng My rất sexy, tôn vóc dáng của người đẹp với nhiều khoảng hở, đường cắt xẻ táo bạo. Tuy nhiên, bộ trang phục dường như gợi cảm quá đà và vô tình lại đi ngược với truyền thống văn hóa ăn mặc kín đáo, thanh nhã của phụ nữ Việt.

Dù mất khá nhiều thời gian và tâm huyết cho những bộ trang phục dân tộc cho các người đẹp dự thi, tuy nhiên, hầu hết các bộ trang phục vẫn còn nhạt nhòa. Và phải chăng, các người đẹp cùng các NTK thời trang đang thể hiện sự bế tắc về ý tưởng khi hướng tới việc gây chú ý bằng những bộ trang phục cách tân ngày càng gợi cảm và ngày càng xa dần nét văn hóa truyền thống Việt Nam?

Theo Đất Việt