- Tư nhân không chỉ nắm gần như toàn bộ thị trường phim nhập khẩu, bỏ tiền sản xuất phần lớn các bộ phim lớn ra rạp trong năm mà còn đang sở hữu hầu hết các cụm rạp hiện đại ở các thành phố lớn.

Các cụm rạp hiện đại và tiêu chuẩn chủ yếu do tư nhân đầu tư

Kể từ khi khai trương cụm rạp đầu tiên vào tháng 4/2006 đến nay, MegaStar hiện đã có 9 cụm rạp có mặt tại hầu hết các thành phố lớn và đến nay công ty này vẫn không ngừng tìm kiếm những địa điểm để xây rạp mới. Chia sẻ trên tờ Variety, ông Brian Hall, CEO của Megastar cho biết hiện VN có 184 phòng chiếu phim nhưng con số này sẽ tăng lên 350 vào năm 2016. Riêng Megastar dự kiến sẽ có khoảng 69 phòng chiếu tại VN vào thời điểm 2016.

Trong khi các công ty tư nhân đua nhau xây các cụm rạp mới với chi phí lên đến cả chục triệu USD thì Nhà nước hầu như không đầu tư xây thêm một cụm rạp nào trong những năm qua. Hệ thống rạp do Nhà nước quản lý lại xuống cấp, doanh thu không đủ bù chi phí. Do không có đủ nguồn phim để chiếu nên các rạp chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí phải đóng cửa hoặc chuyển đổi mục đich sử dụng dù nằm ở những vị trí đắc địa mà trường hợp của một số rạp chiếu ở HN trước đây như Đống Đa, Fansland... là những ví dụ đau lòng nhất.

Rất ít các rạp chiếu thuộc sở hữu của nhà nước kịp thay đổi để theo kịp cuộc đua đầy tốn kém của tư nhân như Trung tâm chiếu phim quốc gia với các phòng chiếu kỹ thuật số, 3D, thậm chí là 4D, đủ sức cạnh tranh với các "đại gia" về rạp chiếu khác trên địa bàn Hà Nội.

Nhiều người giật mình khi biết rằng hiện nay ở các tỉnh thành phố đều đã có rạp chiếu phim analog cũ chưa được khai thác với số lượng rạp đơn trên 200 rạp. Ngoại trừ HN và TP.HCM được nhà nước đầu tư lắp một số ít rạp chiếu kỹ thuật số thì chưa tỉnh thành nào có rạp chiếu kỹ thuật số. Trong khi hầu hết các rạp chiếu hiện đại của tư nhân đều chiếu phim kỹ thuật số thì nhiều rạp cũ chỉ có máy chiếu phim 35mm thuộc dạng sắp vào bảo tàng.

Các đơn vị chiếu phim nhà nước dù nằm ở các vị trí trung tâm thành phố nhưng cơ sở vật chất xuống cấp nặng nề, cũ kỹ. Không có nguồn phim, không được đầu tư, hệ thống rạp chiếu phim nhà nước tại một số tỉnh thành hầu như tê liệt hoặc chỉ mở cửa vào dịp Tết. Trong trạng thái đối lập, các tổ hợp rạp chiếu phim hiện đại (cineplex) do các công ty tư nhân đầu tư mở tại các trung tâm thương mại, giải trí lớn hoạt động tấp nập, cơ sở vật chất hiện đại và liên tục có nguồn phim mới.

Có được thương hiệu mạnh, họ không chỉ đảm bảo việc phát hành phim do mình sản xuất hoặc nhập khẩu mà còn chiếm ưu thế khi nhận phát hành và ủy thác cho các nhà sản xuất phim VN khác mà tiêu biểu trong số này là MegaStar và Galaxy. Ngược lại, các nhà sản xuất phim VN không có rạp chiếu phải vất vả tìm nhà phát hành để đưa phim của mình ra công chúng. 

Quản lý qua tấm vé xem phim


Không ít rạp chiếu ở HN phải kinh doanh thêm các lĩnh vực khác thế này.

Công ty Điện ảnh Hà Nội, đơn vị sở hữu rạp Tháng 8 cho hay hiện tại với 5 phòng chiếu, ngoài những bộ máy hiện đại thì những bộ máy thường còn lại công ty vẫn phải khắc phục và duy trì hoạt động. Nhiều nhà rạp phải chuyển đổi hình thức kinh doanh và hoạt động do không duy trì được việc chiếu phim.

Mục tiêu năm 2015 đạt 30% buổi chiếu phim Việt tại rạp thực sự là một thách thức. "Với số phim nhập không hạn chế, chiếm tỉ lệ áp đảo tại các rạp thì phim Việt cũng khó vào rạp. Như vậy đồng nghĩa với việc thực hiện tỉ lệ % chiếu phim Việt sẽ không khả thi chứ chưa nói đến  liệu những phim tài liệu, hoạt hình VN sản xuất có thể độc lập hoặc chiếu kèm khi phát hành, phổ biến tại rạp?", đại diện Công ty Điện ảnh Hà Nội nói.

Do vậy rất nhiều ý kiến cho rằng cần thành lập một hiệp hội phát hành phổ biến hoặc hiệp hội sản xuất phát hành phim. "Cần có một tổ chức đại diện cho các nhà phát hành phổ biến phim để điều phối lịch chiếu phim, can thiệp hoặc thương lượng những bất đồng trong khâu phát hành phổ biến phim, đề xuất với các cơ quan chức năng khi cần tháo gỡ vướng mắc", đại diện công ty Cổ phần điện ảnh Sài Gòn. Tuy nhiên đây mới chỉ là ý kiến đề xuất và cần phải có đề án, kế hoạch cụ thể mới có thể làm các thủ tục xin phép và triển khai.

Theo số liệu từ Cục Điện ảnh, đến năm 2010 cả nước có 105 rạp, bao gồm 205 phòng chiếu với tổng số 50.667 ghế. Trong đó có 156 phòng chiếu hiện đại được xây mới hoặc nâng cấp. Đến năm 2012, Cả BHD, LotteCinema và MegaStar cùng phát triển thêm 2 cụm rạp. Galaxy có thêm 1 cụm rạp mới tại TP.HCM. Vinacinema cũng trang bị máy chiếu kỹ thuật số HD cho 40 phòng chiếu tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác. Tuy nhiên, với trên 100 rạp chiếu hiện nay, VN vẫn được coi là một thị trường rất nhỏ bởi ngay Thái Lan, số lượng rạp chiếu đã lên tới 1000.

Qua khảo sát của Cục điện ảnh thì hầu hết khán giả đến rạp tại những thành phố lớn ở độ tuổi từ 15-35 (chiếm khoảng gần 70%) và nhiều khán giả chỉ thích xem phim ngoại (nhất là phim Mỹ).

Ông Phạm Văn Họa, TGĐ Công ty cổ phần Fafim VN còn cho rằng đã nên quản lý ngành điện ảnh thông qua vé xem phim. "Kinh nghiệm như các nước Pháp, Hàn Quốc... cho thấy cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh của họ đều tham gia quản lý ngành qua từng tấm vé xem phim tại rạp. Tại Pháp, nhà nước đánh thuế đặc biệt xấp xỉ bằng 10% giá vé để tái đầu tư cho điện ảnh nước nhà. Tại Hàn Quốc là 3%.

Với số thu chiếu bóng hiện nay khoảng 721 tỉ đồng/năm (doanh thu phim chiếu rạp năm 2011), nếu nhà nước cho phép ngành điện ảnh chỉ thu 2% thôi cũng được khoảng 14,42 tỉ đồng cho Quỹ phát triển điện ảnh nước nhà. Và với khoản ngân sách này, ngành điện ảnh có thể làm được rất nhiều việc cho sự phát triển điện ảnh dân tộc".

Đại diện nhiều công ty phát hành và chiếu bóng cũng đề nghị Nhà nước có cơ chế đầu tư xây dựng các cụm rạp do nhà nước quản lý ở trung ương và địa phương. "Mỗi thành phố phải có ít nhất một cụm rạp chiếu phim tiêu chuẩn", đại diện công ty Cổ phần điện ảnh Sài Gòn kiến nghị. Tuy nhiên, trong khi các rạp chiếu phim nhà nước đang loay hoay với bài toán cải tổ, hiện đại hóa để cạnh tranh thì tư nhân đã vượt xa với các cụm rạp mới mọc lên như nấm.

Hoàng Vy