- Đúng là không sống được bằng nghề, vì đơn giản họ chỉ có thể quanh quẩn chơi được Jazz club, một đêm nhận được 200.000 - 300.000 đồng. Không ai có thể chơi liên tục một tuần và nếu chơi được liệu có đủ sống, đủ tiền sắm nhạc cụ?"

Nguyễn Tuấn Nam được biết với vai trò pianist trong ban nhạc Anh em, thường xuyên xuất hiện trong các chương trình âm nhạc lớn với vị trí bên cạnh sân khấu với ánh sáng chỉ đủ thấy đôi tay và những phím đàn. Nguyễn Tuấn Nam là một trong những nghệ sĩ piano hiếm hoi được đào tạo bài bản về chuyên ngành Jazz tại Thụy Điển.

Về nước sau 3 năm học tại Học viện Âm nhạc Malmo (Thụy Điển) bằng học bổng toàn phần, được những tên tuổi uy tín của dòng nhạc jazz trong và ngoài nước đánh giá cao, Nguyễn Tuấn Nam hiện là giảng viên trẻ nhất tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Jazz như một thứ gia vị trộn lẫn vào món ăn Việt

- Là một người được đào tạo về Jazz bài bản nhưng nhiều người lại thấy anh xuất hiện trong nhiều chương trình âm nhạc với vai trò chơi piano đệm theo phong cách Pop là chủ yếu, vì sao vậy?

Có một lý do là Nam hiện đang chơi cho ban nhạc Anh Em mà ban nhạc không hẳn là chơi theo phong cách Pop mà thực ra là thể loại nhạc funky mạnh về tiết tấu được cho là biến thể của nhạc Jazz.

Chính vì thế Nam thấy khi chơi cho ban nhạc Anh Em mình vẫn được trải nghiệm và chơi những thứ mình thích và được học. Trên thế giới có nhiều nghệ sĩ bậc thầy về piano nhạc Jazz nhưng vẫn chơi nhạc funky rất hay.

- Ngoài việc ban nhạc Anh Em chơi dòng nhạc funky như anh nói, lý do có phải khi chơi với họ anh vẫn có đất để thỏa sức ngẫu hứng trong giai điệu Jazz của mình?

 Thực ra cũng không hẳn vậy. Đó thực ra là cách mà Nam chọn để đưa Jazz tới khán giả một cách dễ gần nhất.


- Có phải ý anh đang nói tới việc khi nghe nhạc Jazz với nhiều người chưa hiểu sẽ cảm thấy rất "khó nuốt", nhưng thi thoảng nghe những đoạn ngẫu hứng như vậy lại dễ ngấm hơn. Đó là cách anh đang làm với Jazz và với khán giả chưa hiểu về Jazz?

 Nam cho rằng môi trường âm nhạc Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều người đang mải mê với dòng nhạc dễ nghe. Nên việc đưa Jazz vào như một món ăn phương Tây xa lạ sẽ khiến nhiều người cảm thấy khó nghe và quên ngay.

Vì vậy, cách đưa Jazz đến với người nghe như một thứ gia vị trộn lẫn vào trong món ăn Việt Nam nhiều người đã ăn quen miệng hàng ngày.

Jazz sẽ như một thứ gia vị đặc biệt và mới mẻ trong những món ăn quen miệng hàng ngày. Từ từ mọi người sẽ thấy nó cũng hay, rồi khi quen họ sẽ tìm đến Jazz đích thực.

Dòng nhạc nào cũng có cái hay của nó

- Anh có tham vọng làm một điều gì đó cho Jazz Việt trở thành một dòng nhạc có tiếng nói và đặc trưng riêng?

Việc định hình một dòng nhạc Jazz Việt với bản sắc riêng hiện vẫn đang là công việc mà tất những người nghệ sĩ và những người yêu nhạc Jazz khác đang cố gắng tìm kiếm.

Đó là một điều rất khó. Vì  có thể nói hiện nay trình độ nhạc công Jazz của mình so với khu vực và trên thế giới còn nhiều hạn chế vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Cộng thêm với việc công chúng yêu nhạc Jazz của chúng ta so với nhiều năm trước dường như có vẻ bị thu hẹp trước sự cạnh nhiều dòng nhạc khác trên thị trường.

Tuấn Nam bên cây đàn Piano

- Nói như anh phải chăng một nghệ sĩ Jazz nếu để sống đúng bằng nghề như hiện nay sẽ là rất khó khăn?

Đúng là không sống được bằng nghề, vì đơn giản họ chỉ có thể quanh quẩn chơi được Jazz club, một đêm nhận được 200.000 - 300.000 đồng. Không ai có thể chơi liên tục một tuần và nếu chơi được liệu có đủ sống, đủ tiền sắm nhạc cụ? Và liệu khi đó họ có trở thành cái máy chơi nhạc hay là một người nghệ sĩ?

- Thế vì sao anh vẫn đang sống được với Jazz?

Có thể đó là vì Nam có quan điểm khác với nhiều người, rằng mình học Jazz mình phải chơi Jazz, hoặc có suy nghĩ rằng mình chơi nhạc bác học thì phải thế này thế kia để bình thường hóa mình.

Dòng nhạc nào cũng có cái hay của nó và dòng nhạc nào cũng có cái khó của nó. Với POP nhiều người bảo nódễ đánh nhưng không phải vậy, nếu đi sâu sẽ thấy nó đòi hỏi sự chính xác và tuân thủ những luật lệ cũng rất nghiêm ngặt và chặt chẽ.

- Một người được đi học ở nước ngoài và rất thành công như anh sao lại quyết định về nước làm việc thay vì ở lại nơi mà dòng nhạc Jazz anh yêu thích phát triển?

Đó là vì khi nghĩ đến những ngày mình theo học Jazz ở Việt Nam. Mình đã có những người thầy rất tốt dạy cho mình về Jazz. Đa phần các thầy đều từ lĩnh vực nhạc cổ điển chuyển sang Jazz và những điều thầy dạy cho Nam đều dựa nhiều vào kinh nghiệm bản thân cũng như đam mê riêng với Jazz.Với các bạn trẻ đang theo Jazz hiện nay, Nam nghĩ  như vậy sẽ rất thiệt thòi cho họ. Nam cảm thấy có trách nhiệm với họ khi tiếp bước những người thầy trước đây đã truyền cho Nam sự đam mê về Jazz ấy.

Ngày 2/9 tới đây, trong chương trình hòa nhạc Điều còn mãi của báo Vietnamnet nghệ sĩ piano trẻ Tuấn Nam sẽ cùng đứng chung sân khấu với violonist đầy tài năng là Xuân Huy. Họ sẽ gửi tới khán giả một nhạc phẩm đương đại mang đậm chất Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên hai tài năng trẻ: một của dòng nhạc giao hưởng một của dòng nhạc Jazz có sự kết hợp với nhau và hứa hẹn đem lại cho khán giả sự bất ngờ, sự bất ngờ mà theo Tuấn Nam tâm sự: “Với Nam, việc cống hiến để phát triển cho nền âm nhạc Việt Nam nói chung và các dòng nhạc nói riêng là cũng cách thể hiện niềm yêu nước của riêng mình”.

 H.N (Thực hiện)