- Chuyến xe về miền miên viễn vừa mang đi một người Việt từng góp phần làm nên diện mạo điện ảnh Sài Gòn cả trước và sau năm 1975.

Ngồi giữa thế kỷ 21, người ta thường nhắc tên ông mỗi khi nhớ về kỷ niệm, hoặc cố gắng phác thảo diện mạo của điện ảnh Sài Gòn những năm trước và sau năm 1975. Bởi ông thuộc về số ít nhà làm phim xuất hiện và trưởng  thành từ những năm phôi thai của ngành điện ảnh Sài Gòn và thành công trong nhiều thời đoạn lịch sử đặc biệt của thành phố.
Đạo diễn Lê Hoàng Hoa
Những người đi đường dài ít khi thành công nếu chỉ nhờ vào sự ăn may của số phận, họ bước đi nhờ học hỏi và rèn luyện không ngừng. Đạo diễn Lê Hoàng Hoa (tên thật Đoàn Lê Hoa, sinh năm 1933, người Huế) là một trường hợp như vậy. Sự nghiệp điện ảnh kéo dài hơn bốn thập niên (1960 – 1990) của ông bắt đầu từ một học bổng đưa ông sang Mỹ học làm phim trong 3 năm, trước khi ông về nước làm cho Trung tâm Điện ảnh Sài Gòn vừa được thành lập năm 1960. Ông cho ra đời ngay tác phẩm đầu tiên là phim truyện ngắn 45 phút “Những kẻ phản bội”, và đến bộ phim thứ hai “11 giờ 30 phút” thì ông nổi tiếng.

Sự cố gắng tìm tòi những sáng tạo, đồng thời giữ cho mình một tư duy thực tế phù hợp với bối cảnh ngành công nghiệp điện ảnh, đã giúp ông cho đời nhiều bộ phim được đón nhận về nghệ thuật lẫn doanh thu như: “Chân trời tím” (phim nhựa màu đầu tiên của VN), “Vết thù trên lưng ngựa hoang”, “Con ma nhà họ Hứa” (phim kinh dị Việt đầu tiên), “Gác chuông nhà thờ”, “Điệu ru nước mắt”…

Ngày giải phóng 30.4.1975 xảy đến như một sự kiện khiến ông, cũng như nhiều văn nghệ sĩ miền Nam khác, đứng trước lựa chọn ra đi, hay ở lại đóng góp cho đời sống mới. Chuyện vượt biên dẫn tới việc bị bắt giam vào năm 1979 tại Bến Tre từng được ông kể lại như sau: “Tôi buộc phải ra đi khi chung quanh mình chẳng còn ai. Vợ (ca sĩ Phương Hồng Loan) và hai con trai Khôi - Nguyên mất tích sau chuyến đi định mệnh tìm vùng đất mới. Số phận không chiều theo ý muốn”.


Nguyễn Chánh Tín, vai đại tá Nguyễn Thành Luân trong phim “Ván bài lật ngửa”.

Khi cánh cửa cuộc đời tưởng chừng đã khép lại thì cũng là lúc nó mở ra cho vị đạo diễn “chế độ cũ” một chương mới vinh quang hơn bao giờ hết. Đó là lúc nhà văn Trần Bạch Đằng, tác giả kịch bản phim “Ván bài lật ngửa” tìm đến ông với lời đề nghị đạo diễn cho bộ phim bởi không nhà làm phim nào am hiểu chính quyền Sài Gòn thời Ngô Đình Diệm hơn ông.

Trong 6 năm từ 1982 đến 1987, loạt phim lịch sử dài 8 tập thành công rực rỡ, đưa dàn diễn viên của nó trở thành những ngôi sao như: Nguyễn Chánh Tín, Thúy An, Thanh Lan, Thương Tín, Trần Quang Đại….Điều làm ông cảm thấy hạnh phúc và thanh thản là cả ông và diễn viên Chánh Tín dù đều là người từng vượt biên nhưng vẫn được trọng dụng làm phim.

Điện ảnh Sài Gòn một lần nữa lại cần đến tài năng của ông cho những bộ phim đáp ứng nhu cầu giải trí trong thời đoạn mới, và kết quả là ông cho đời loạt phim ăn khách: “Tình không biên giới”, “Xác chết trên cao nguyên”, “Vĩnh biệt mùa hè”, “Lệnh truy nã”, “Tây Sơn hiệp khách”…

Hôm nay, sau hơn 15 năm sống cùng vợ bên Ba Lan, ông vừa trở về VN và cảm thấy hứng thú với nhiều lời rủ rê làm phim dù tuổi đã gần bát tuần. Hơn 100 phim trong suốt hành trình hơn 40 năm của sự nghiệp dường như chưa khiến ông mệt mỏi. Nhưng chừng ấy là quá đủ để ông an nhiên mỉm cười trên chuyến xe về miền miên viễn.

Khải Trí