Một nghệ sĩ (artist) khi đứng trên sân khấu có thể gọi là ca sĩ (singer), nhưng một ca sĩ để trở thành một nghệ sĩ là một quãng đường dài thậm chí là không bao giờ chạm đến đích.
Ý kiến của Thanh Lam về chương trình The Voice, đặc biệt liên quan đến hai ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Hồ Ngọc Hà đã khiến cho nhiều người nghĩ rằng Thanh Lam đã suy xét, xúc phạm hay thậm chí là đố kị với các ca sĩ tham gia chương trình.
Nhưng theo tôi Thanh Lam đã nói rất đúng. Cái đúng không phải là việc Đàm Vĩnh Hưng hay Hồ Ngọc Hà sẽ dạy được cái gì cho thí sinh mà là họ đã làm được điều gì cho công chúng, cho đôi tai và văn hóa thưởng thức âm nhạc của đại bộ phận khán giả Việt.
Không thể phủ nhận một sự thật Sao mai Điểm hẹn đang mất dần khán giả bởi sự nhàm chán và cũ kĩ. Công chúng dù hiểu hay không hiểu về âm nhạc cũng sẽ thích xem The Voice hơn với những thứ mới mẻ và một công nghệ hiện đại của nước ngoài.
Song showbiz vẫn chỉ là showbiz. Đó là mảnh đất kiếm tiền của nhiều người, nhưng không phải những người nổi tiếng nhất showbiz có thể trở thành một diva hay một nghệ sĩ. Đừng đánh lộn giữa hai khái niệm giải trí và văn hóa giống như hai khái niệm ca sĩ và nghệ sĩ. Cũng như đừng đánh đồng một show giải trí truyền hình với một cái vỏ bọc đẹp là tìm kiếm tài năng âm nhạc Việt.
Một ca sĩ giải trí lên sân khấu thì luôn rất cần màn trình diễn hình ảnh phụ trợ, một nghệ sĩ trên sân khấu đôi khi chỉ cần một ánh đèn spotlight bởi đơn giản thứ họ trình diễn đẹp nhất là âm nhạc |
Liệu rằng những ca sĩ thành công từ chương trình này, nếu được huấn luyện bởi những người chỉ có công nghệ lăng xê, chiêu trò, sẽ làm được gì cho âm nhạc Việt? Hay chỉ đơn giản là lại ra album, làm ra một vài bài hit được nghe nhan nhản từ trong nhà ra ngoài ngõ nhưng để đóng góp cho giá trị âm nhạc Việt thì vẫn là số 0?
Ca sĩ làm công việc của máy hát
Đàm Vĩnh Hưng và Hồ Ngọc Hà có thể có nhiều khán giả nhưng sự thật họ vẫn chỉ là những ca sĩ thị trường chiều theo số đông khán giả vốn biết đến âm nhạc qua truyền hình và những show giải trí mang mục đích kiếm tiền là chính.
Trên thế giới hiếm có một ca sĩ nào có thể hát được vài dòng nhạc, có chăng nhiều là 2 dòng nhạc nhưng có chất nhạc giống nhau còn ở Đàm Vĩnh Hưng từ nhạc Trịnh đến nhạc thính phòng, nhạc nào anh cũng hát. Đôi khi nếu có ai đó nói ngoa so sánh anh với ca sĩ giỏi nhất trong việc hát rong vỉa hè cũng có phần đúng.
Một liveshow hoành tráng có thể làm được bằng sự đầu tư tiền bạc, một hình ảnh của một ca sĩ cũng có thể đầu tư được bằng tiền, nhưng những giá trị đích thực mà nghệ sĩ đó để lại thì không thể mua được bằng tiền. |
Hồ Ngọc Hà có một chút học hành về âm nhạc hơn khi từng học ở Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Quân đội nhưng là chuyên ngành piano chứ không phải thanh nhạc. Và nhiều khán giả vẫn thấy Hồ Ngọc Hà là một chất giọng khàn, yếu cho dù đã được cải thiện sau này.
Thế mạnh của Hồ Ngọc Hà là một ngoại hình đẹp, cùng một hình tượng sang trọng được tạo dựng bằng công nghệ lăng xê chuyên nghiệp cùng sự đầu tư tốn kém có thể nhìn thấy tại liveshow gần nhất của cô và nhiều thứ bề nổi khác để khẳng định vị trí.
Và điều cuối cùng có thể thấy rõ ở cả hai giọng hát này chính là sự trải nghiệm theo thời gian với âm nhạc mà cụ thể là từng bài hát. Cả Đàm Vĩnh Hưng và Hà Hồ sau từng ấy năm, sau từng ấy những biến cố và trải nghiệm trong cuộc đời, họ vẫn hát những ca khúc theo đúng phong cách như vậy. Hay có thể trách chính khán giả Việt khi có nhu cầu muốn họ hát như vậy nên sự thật họ là vẫn chỉ là ca sĩ làm công việc như một chiếc máy hát.
Hãy hiểu một nghệ sĩ và đừng nghe qua tivi
Đàm Vĩnh Hưng trả lời trên báo chí sau ý kiến của Thanh Lam rằng: “Anh đau lòng vì những lời nói đó và muốn Thanh Lam là Thanh Lam của những năm 1990 để khán giả tiếp tục yêu mến chị.”
Câu nói này đúng với rất nhiều ý kiến của khán giả, nhưng đôi khi số đông không phải lúc nào cũng đúng. Bởi một nghệ sĩ như Thanh Lam nếu phải “đau lòng” như Đàm Vĩnh Hưng vì đến tận năm 2012 mà vẫn hát giống như năm 1990 thì chắc hẳn khán giả sẽ còn tặng cho chị nhiều biệt danh như “đi văng” hay “bà hoàng” thay cho hai chữ nghệ sĩ lắm.
Thanh Lam đã có giai đoạn được rất nhiều người yêu mến nhưng có giai đoạn không ít khán giả không còn yêu mến cô khi cô luyến láy và biến đổi cách hát trong nhiều bài hát. Nhiều người đã lên tiếng chỉ trích Thanh Lam vì cô hát khiến họ thấy mệt.
Có hai nguyên nhân một là Thanh Lam mang trong mình dòng máu của một nghệ sĩ, Thanh Lam có một cuộc sống không đơn giản và có nhiều thăng trầm. Chính điều đó khiến âm nhạc của Thanh Lam cũng thay đổi theo và có giai đoạn người thấy một Thanh Lam “quằn quại” còn giờ là hình ảnh “người đàn bà hát” đầy tính tự sự trên sân khấu.
Nguyên nhân thứ hai đó chính là rất nhiều khán giả đã coi Thanh Lam hát qua tivi với chất lượng âm thanh không tốt và thiếu đi yếu tố quan trọng đó là không gian âm nhạc. Trước đây và cho đến tận bây giờ, rất nhiều khán giả Việt không có khái niệm bỏ tiền đi thưởng thức trực tiếp một chương trình âm nhạc.
Có những lúc Thanh Lam rất đẹp trên sân khấu. Ảnh: Hoàng Hà |
Hãy thông cảm cho những người nghệ sĩ khi có những giây phút sống một thế giới khác trên sân khấu bởi đơn giản trong cuộc sống họ cũng có những lúc thăng trầm. |
Thói quen đi xem miễn phí không thì xem qua tivi đã hằn sâu vào suy nghĩ của nhiều người. Điều này khiến những nghệ sĩ như Thanh Lam không thể đến với số đông khán giả bởi đơn giản cô không thể hát cả trăm lần giống nhau như nhiều ca sĩ thị trường khác.
Chính thói quen này của khán giả cũng đã vô tình làm xuống cấp một phần đời sống âm nhạc Việt Nam khi chứng kiến sự nổi tiếng của rất nhiều ca sĩ không có giọng hát, nổi lên bằng chiêu trò nhưng khi lên sân khấu hát trực tiếp với ban nhạc thì quả thật là … không thể nghe nổi.
Độc giả H.N
Ý kiến của bạn về vấn đề này như thế nào? Mời bạn đọc gửi bài viết theo mục phản hồi dưới đây hoặc về địa chỉ
phanhoivanhoavnn@gmail.com (những bài
viết phù hợp sẽ được đăng tải trên mục Diễn đàn của Văn hóa và không có nhuận bút)