Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu tại Trung ương (gồm Thanh tra Bộ TTTT, Cục Xuất bản, A87 và C64 Bộ Công an, Tổng cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường Bộ Công thương) tổ chức tại Bình Dương từ 28-30/8/2012.

Tới dự và chỉ đạo đợt tập huấn nghiệp vụ có ông Nguyễn Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Huỳnh Văn Nhị - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; ông Nguyễn Văn Hùng Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông; bà Đỗ Thị Tình - Trưởng Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu tại Trung ương.

Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho rằng: Trong những năm qua, thị trường về hoạt động In cạnh tranh mạnh mẽ và là yếu tố thúc đẩy các cơ sở in đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Thực tế cho thấy, những cơ sở In nào được đầu tư trang thiết bị tốt đáp ứng được yêu cầu của thị trường thì hiện nay đang hoạt động có hiệu quả và là nhân tố dẫn dắt ngành in phát triển.

Một số cơ sở in cũ kỹ, lạc hậu về công nghệ thiết bị, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường đã phải giải thể chuyển sang kinh doanh ngành nghề khác. Bên cạnh đó, thị trường In bước đầu cũng thu hút đầu tư nước ngoài, tuy nhiên chủ yếu vẫn sản xuất phân khúc sản phẩm bao bì, nhãn hàng hóa chất lượng cao, số lượng không nhiều, có chiều hướng cầm chừng, chưa phát triển mạnh.

Qua hoạt động thanh, kiểm tra của các Đoàn, Đội liên ngành cho thấy, nhiều cơ sở in trong cả nước cơ bản chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động in. Tuy nhiên vẫn còn một số cơ sở in vi phạm, nhất là vi phạm pháp luật về xuất bản, như: Hoạt động in chưa có giấy phép hoặc có nhưng hết hạn, không đúng chức năng, không có hợp đồng in, ký hợp đồng không đúng nội dung trong quyết định xuất bản, in nối bản không đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước…Song, vẫn có cơ sở in đã tiếp tay cho in lậu, bị khởi tố vụ án để điều tra.

Có thể nói, vi phạm hoạt động In lậu hiện nay khá phổ biến, phức tạp và vi phạm nghiêm trọng pháp luật về quyền tác giả, có ảnh hưởng không nhỏ đến tác giả, nhà xuất bản nói riêng và thị trường xuất bản nói chung. Năm 2010, 2011 và 6 tháng năm 2012 Đoàn liên ngành phòng chống in lậu Trung ương và 40 Đội liên ngành phòng chống in lậu của các tỉnh, thành phố trên cả nước đã tổ chức nhiều đợt thanh tra đột xuất đã xử lý hành trăm vụ vi phạm, đặt biệt có một số cơ sở in lậu quy mô lớn bị bắt quả tang, cơ quan chức năng đã ra quyết định khởi tố vụ án và bắt tạm giam bị can.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra của các Đoàn, Đội liên ngành nhằm hạn chế và từng bước đẩy lùi nạn in lậu là một công việc giữ vai trò hết sức quan trọng để góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, môi trường pháp luật luôn được điều chỉnh đề phù hợp với tình hình mới, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm cũng phải theo kịp sự thay đổi đó.

Việc tập huấn trang bị những kiến thức nghiệp vụ phòng chống in lậu và cập nhật những nội dung mới về công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành là rất cần thiết, do yêu cầu đòi hỏi của công tác quản lý nhà nước về xuất bản, in, phát hành, nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, các hình thức vi phạm mới luôn phát sinh đòi hỏi người cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra phòng chống in lậu phải cập nhật kịp thời để phục vụ tốt cho công tác thực thi pháp luật.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, Lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ phòng, chống in lậu năm 2012 được tổ chức nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về công tác thanh tra kiểm tra phòng chống in lậu cũng như những kinh nghiệm thực tế ở một số địa phương đã làm tốt công tác này và giới thiệu những giải pháp của một số nhà xuất bản để hạn chế tình trạng in lậu nói trên.

Theo TTTĐ