-Tại buổi họp báo vừa diễn ra chiều nay, 30/8, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội Phạm Quang Long cho rằng, vụ việc xâm hại chùa Trăm Giang hết sức nghiêm trọng nên phải đình chỉ trùng tu ngay, nhưng nghiêm trọng khác hẳn với phá hủy hoàn toàn di tích.

Tham dự cuộc báo về việc vi phạm trong tu bổ, tôn tại nhà Tổ và gác Khánh di  tích chùa Trăm Gian có rất nhiều đại diện của các cơ quan truyền thông, lãnh đạo Sở VHTTDL Hà Nội, Chủ tịch xã Tiên Phương, Phó chủ tịch huyện Chương Mỹ (Hà Nội), Viện trưởng Viện bảo tồn di tích.

Tại đây, Sở VHTTDL đã ra Thông cáo báo chí chính thức và rất nhiều câu hỏi đã được các phóng viên đặt ra trong sự kiện "Thông báo cho giới truyền thông toàn bộ sự thật trong việc tu bổ di tích chùa Trăm Gian".

Tại buổi họp, đã diễn ra những phần chất vấn nảy lửa giữa phóng viên với đại diện các cơ quan liên quan với những phàn trao đổi nhiều lúc được đẩy lên đến độ gay gắt. Việc chùa Trăm Gian bị xâm hại đến đâu? ai sẽ phải chịu trách nhiệm? liệu lãnh đạo Xã Tiên Phương có định từ chức hay không? đã được các nhà báo đặt ra khiến không khí buổi họp báo nóng ran.

Phải chờ kết luận của Thanh tra

Ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội chủ trì cuộc họp báo.

Theo Sở VHTTDL, ngày 24/8/2012, sau khi nhận được thông tin phản ánh trên báo chí, Sở đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng về kiểm tra trực tiếp tại di tích chùa Trăm Gian, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ. Cùng kiểm tra có: Thanh tra Bộ VHTTDL; Cục Di sản văn hóa; UBND xã Tiên Phương, sư thầy Thích Đàm Khoa - trụ trì chùa Trăm Gian. Sau khi kiểm tra, Sở VHTTDL  nhận thấy: Tại di tích chùa Trăm Gian có hai hạng mục bị hạ giải là gác Thánh và nhà Tổ. Hai hạng mục này đã đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ bị sụp đổ.

Cuối năm 2011, liên sở gồm: Sở VHTTDL; KH&ĐT; TC; UBND huyện Chương Mỹ đã có văn bản đồng trình UBND Thành phố Hà Nội cho phép hạ giải ngay các hạng mục trên và đề nghị UBND Thành phố đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo nhưng chưa bố trí được nguồn kinh phí đầu tư.

Việc thi công nhà Tổ và gác Khánh được thực hiện trên nền móng cũ, giữ nguyên các bước gian theo hiện trạng, chất liệu gỗ cũng được nhà chùa sử dụng nằm trong nhóm tứ thiết (gỗ lim), hình thức kiến trúc theo kiến trúc cổ truyền thống nhưng chưa đúng theo nguyên gốc và hồ sơ thiết kế. Tuy nhiên, việc nhà chùa tự ý hạ giải và thi công hai hạng mục nói trên của di tích là sai nguyên tắc, không báo cáo chính quyền để làm thủ tục theo đúng quy trình, đã vi phạm Luật Di sản văn hóa cùng các quy định hiện hành.

Rất nhiều câu hỏi nóng đã được phóng viên đặt ra tại cuộc họp báo với lãnh đạo Sở.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc bao giờ sẽ có kết luận về vụ việc và ai sẽ phải chịu trách nhiệm, lãnh đạo Sở VHTTDL cho hay không thể vội vàng và phải chờ kết luận của Thanh tra mới xác định được trách nhiệm của từng người đến đâu. "Chủ tịch UBND Hà Nội đã giao cho chúng tôi thành lập một ban thanh tra, thanh tra toàn bộ vụ việc xem vi phạm của cơ quan quản lý ở chỗ nào, vi phạm của BQL di tích ở chỗ nào, vi phạm của người chịu trách nhiệm chỉ huy vụ việc thế nào. Và có đánh giá xong thì mới có thể kết luận được. Không thể vội vàng trước một vụ việc liên quan đến một vấn đề lớn như vậy được đâu!", ông Phạm Quang Long nói.

Tuy nhiên lãnh đạo Sở Văn hóa cho hay chỉ một số hạng mục như gác Khánh, nhà Tổ, bệ bị xâm hại. Di tích có bị xâm hại nhưng chưa đến mức bị phá toàn bộ. Khi được hỏi về mức độ nghiêm trọng của việc xâm hại di tích, ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VHTTDL HN nhận định: "Mức độ nghiêm trọng! Hết sức nghiêm trọng. Vì nghiêm trọng nên mới phải đình chỉ ngay việc thi công. Nhưng nghiêm trọng khác hẳn với phá hủy hoàn toàn di tích". 

Không thể phục hồi lại nguyên trạng 100%!

Trả lời câu hỏi của phóng viên VietNamNet về việc lãnh đạo Sở VHTTDL biết thông tin chùa Trăm Gian bị xâm hại từ khi nào, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc Sở VHTTDL HN cho hay ông biết thông tin từ ngày 24/8 trên báo Lao động và ngay ngày hôm sau Sở đã cử người về lập biên bản cùng địa phương, cùng Cục Di sản và Thanh tra bộ đình chỉ công trình trên.

Ông Hòa oho biết thêm, hồi tháng 5, cán bộ của Phòng di sản cũng đã xuống kiểm tra di tích chùa Trăm Gian. "Phòng quản lý di sản bây giờ quản lý rất nhiều di tích. Thực hiện chức năng quản lý di tích trên địa bàn là quận và huyện. Phòng Di sản chỉ có chức năng quản lý chuyên môn chứ không phải hàng ngày chúng tôi đi kiểm tra di tích. Có những sự việc xảy ra phải căn cứ vào chuyên môn để đánh giá, xem xét, xử lý", ông Hòa nói.

Trong khi đó, trả lời thắc mắc của VietNamNet về thời điểm xã Tiên Phương và huyện Chương Mỹ biết vụ xâm hại di tích chùa Trăm Gian từ khi nào, dẫn đến sự việc xảy ra đáng tiếc như vậy, ông Vũ Văn Doãn, Chủ tịch Xã Tiên Phương cho hay xã có biết việc nhà chùa tiến hành hạ phần mái xuống từ ngày 1/6 âm lịch.

Chủ tịch xã Tiên Phương nhận lỗi rằng lãnh đạo địa phương đã không sâu sát trong quản lý vụ việc.

C
hủ tịch xã Tiên Phương cũng giải thích thêm: "Riêng việc hạ giải ở hai trong số nhiều hạng mục của chùa Trăm Gian, lý do thì các đồng chí cũng đã được nghe rồi. Ngôi chùa bị xuống cấp rất nghiêm trọng, phải chống chằng, dẫn đến nhà chùa có báo cáo với lãnh đạo địa phương rằng nếu không hạ xuống thì nguy hiểm đến tính mạng con người, tính mạng du khách, đặc biệt là các di sản bên dưới mái chùa là tượng Phật. Do vậy, việc hạ giải rất cấp bách trong khi mùa mưa bão đang đến gần. Nhà chùa đã đề nghị lãnh đạo địa phương cho hạ giải sớm và đề nghị thông báo cho nhân dân đến làm công đức".
 

KTS Lê Thành Vinh - Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích chưa thể trả lời được câu hỏi sẽ phục hồi được bao nhiêu phần trăm.

Nói về khả năng phục hồi và cứu vãn di tích chùa Trăm Gian đã bị xâm hại, TS. Lê Thành Vinh - Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích cho hay với dạng kiến trúc này nếu phục hồi thì phải xác định kết cấu cơ bản. Điều đáng mừng là vẫn còn giữ được cấu kiện chính nhưng việc dỡ công trình ra mà không đánh số khiến cho việc phục dựng vô cùng khó khăn. Ông Vinh cũng khẳng định rằng khó phục hồi lại nguyên trạng 100% mà chỉ có thể cố gắng phục dựng, đưa lại di tích về gần nhất với nguyên trạng ban đầu.

Ông Vinh cũng chưa thể trả lời được câu hỏi sẽ phục hồi được bao nhiêu phần trăm và việc làm được đến đâu còn phải tùy thuộc vào tình hình thực tế. KTS Lê Thành Vinh nhận định thêm rằng "mức độ xâm hại vô cùng nghiêm trọng" nhưng quá trình triển khai sẽ phải tuân thủ theo nhiều bước. Hiện tại quá trình nghiên cứu để phục dựng lại nhà Tổ và gác Khánh đã được tiến hành nhưng chưa thể nói chính xác về thời gian khi nào mới có thể bắt tay vào quá trình phục dựng. "Hai hạng mục chính là Gác thánh và nhà Tổ cùng đá bậc cấp đã bị xâm hại rất trầm trọng nhưng đó không phải là toàn bộ ngôi chùa", TS Vinh khẳng định. 



Với những sai phạm xảy ra tại di tích chùa Trăm Gian, tại cuộc họp chiều ngày 29/8 tại UBND Thành phố, sau khi nghe Sở VHTTDL Hà Nội, UBND huyện Chương Mỹ báo cáo tình hình vi phạm và hướng khắc phục, xử lý tại di tích lịch sử văn hóa chùa Trăm Gian, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã kết luận và chỉ đạo xử lý như sau:

1. Sở VHTTDL Hà Nội chủ trì phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ và các đơn vị có liên quan:

- Đình chỉ ngay việc thi công hai hạng mục nhà Tổ và gác Khánh tại di tích chùa Trăm Gian, có biện pháp xử lý sai phạm; Bảo vệ toàn bộ cấu kiện gỗ, chân tảng, ngói lợp cũ của nhà Tổ, gác Khánh và đá bậc cấp cũ trước sân tiền đường (việc này đã thực hiện từ ngày 24/8/2012).

- Nhanh chóng xây dựng phương án phục hồi nguyên trạng nhà Tổ, gác Khánh và bậc cấp sân trước tiền đường trên cơ sở tái sử dụng tối đa cấu kiện cũ của công trình và thiết kế đã được thỏa thuận; thực hiện các thủ tục để tu bổ di tích theo quy định. (Không được triển khai khi chưa có đủ điều kiện và thủ tục của các đơn vị có liên quan).

- Kiến nghị đề xuất các giải pháp mới về việc phân cấp quản lý các di tích lịch sử văn hóa cho phù hợp với thực tế; Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan đề xuất cơ chế pháp lý các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn Thành phố, báo cáo UBND Thành phố.

- Tiến hành thanh tra, xác định rõ sai phạm của các cá nhân và tập thể kiến để xử lý theo quy định, báo cáo UBND Thành phố.

2. UBND huyện Chương Mỹ

- Đình chỉ chức vụ Trưởng ban Quản lý di tích chùa Trăm Gian; Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các cá nhân (Chủ tịch UBND xã, Thanh tra xây dựng xã) và tập thể UBND xã Tiên Phương; Làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo UBND huyện Chương Mỹ, Phòng Văn hóa Thông tin huyện và các phòng, ban có liên quan của huyện Chương Mỹ vì đã để xảy ra sai phạm tại di tích chùa Trăm Gian, báo cáo UBND Thành phố.

- Làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ về việc tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa chùa Trăm Gian.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí đủ kinh phí để tu bổ, tôn tạo và phục chế nguyên trạng nhà Tổ, gác Khánh di tích chùa Trăm Gian, báo cáo UBND Thành phố.

4. Sở Tài chính bố trí đủ kinh phí kịp thời để chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án theo quy định.

5. Sở VHTTDL Hà Nội phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ cung cấp các thông tin cho các báo, truyền hình để tuyên truyền về việc tu bổ, tôn tại di tích chùa Trăm Gian.

Hạnh Phương
Ảnh:
Nguyễn Hoàng