Cuộc thi nhan sắc đình đám có tên Hoa hậu Việt Nam (HHVN) đã khép lại, khép lại cuộc thi, mở ra thị phi… Đã là nguyên tắc không thể thay đổi, HHVN cũng không là một ngoại lệ.


Thí sinh Vương Thu Phương, một gương mặt sáng giá nhất cho danh hiệu Hoa hậu đã bị loại vài giờ trước khi diễn ra đêm thi cuối cùng. Cái tội để Ban tổ chức quyết định loại Vương Thu Phương là "nói dối" hay nhẹ nhàng hơn "không trung thực".

1. Vương Thu Phương là cái tên mới chớm quen thuộc đối với dư luận. Tháng 9/2011, cô đoạt giải vàng của cuộc thi Siêu mẫu 2011. Trước đó, năm 2010 Vương Thu Phương cũng đã đoạt giải Siêu mẫu ăn ảnh tại cuộc thi Siêu mẫu 2010.

Sau khi đoạt 2 giải liên tiếp ở hai cuộc thi Siêu mẫu kề nhau, có thể cảm thấy chưa "chắc ăn" về danh phận, Vương Thu Phương tiếp tục tham dự cuộc thi HHVN 2012. Và lần này, thị phi đã gọi tên cô.

Thời điểm Vương Thu Phương đoạt giải vàng Siêu mẫu, đã xuất hiện thông tin cô từng tổ chức đám cưới với một nhiếp ảnh gia. Đương nhiên, cô kiên quyết phản đối thông tin đó.


Người đẹp bị chối bỏ Vương Thu Phương.

Đại loại, Vương Thu Phương cho rằng, cô và bạn trai khi đang hương nồng lửa đượm, quyết định cùng nhau chụp chung một bộ ảnh cưới. Chụp ảnh cưới xong, cảm thấy không hợp nhau, nên chia tay. Tất cả chỉ có vậy.

Theo thể lệ của cuộc thi Siêu mẫu thì "Thí sinh phải là các công dân nam, nữ có quốc tịch Việt Nam chưa kết hôn, chưa sinh con, chưa có tiền án tiền sự, chưa qua chuyển đổi giới tính, phải có bằng tốt nghiệp THPT trở lên. Độ tuổi từ 18 đến 25, nữ cao từ 1,65m, nam cao từ 1,75m trở lên".

Đại diện Ban tổ chức cuộc thi trần tình, thể lệ chỉ là thể lệ chung chung, không có tính chất quyết định. Nên họ có trao giải cho Vương Thu Phương cũng rất bình thường. Không chỉ vì cái chuyện cô từng chụp ảnh cưới mà lại đi tước danh hiệu Siêu mẫu của Vương Thu Phương.

Riêng cá nhân, tôi cho rằng, những thể lệ thuộc dạng "Chưa kết hôn, chưa có con, chưa có chồng" mới được phép đi dự thi này kia kia nọ là… hết sức tào lao.

Thế nhưng, thể lệ là thể lệ. Và một khi đã chấp nhận cuộc chơi, đồng nghĩa với việc phải chiều theo thể lệ.

Vương Thu Phương đi thi HHVN 2012, với cái quá khứ nhập nhèm xung quanh chuyện "có chồng hay chưa chồng".

Ban tổ chức cuộc thi HHVN ban đầu đã tin lời giải thích của Vương Thu Phương. Sau đó, họ quyết định loại Vương Thu Phương bởi "thiếu trung thực".

Đại loại, trước đó Ban tổ chức bảo "Ờ, chúng tôi có gọi Vương Thu Phương lên để hỏi về thông tin chồng con. Vương Thu Phương chìa ra giấy xác nhận độc thân. Có giấy độc thân, tức là chưa có giấy kết hôn.

Còn hình ảnh Vương Thu Phương mặc xoa-rê, người đàn ông chụp ảnh chung cùng Phương mặc đồ vest... không có nghĩa là họ làm đám cưới".

Sau đó, Ban tổ chức lại bảo "Ờ, chúng tôi đã cử người đi xác minh rồi. Rõ ràng, Vương Thu Phương đã tổ chức lễ cưới, nhưng chưa đăng ký kết hôn. Dẫu là chưa đăng ký kết hôn nhưng cũng đã tổ chức lễ cưới.

Tổ chức lễ cưới xong, lại còn ở với nhau một thời gian trước khi chia tay. Như vậy, Vương Thu Phương đã không trung thực với Ban tổ chức. Đồng thời, thuần phong mỹ tục Việt Nam không chấp nhận chuyện chưa kết hôn, chưa có đăng ký hôn thú lại đi sống chung cùng nhau.

Nếu chúng tôi không loại Vương Thu Phương, thì dư luận dễ hiểu nhầm chúng tôi cổ vũ cho phong trào "góp gạo thổi cơm chung".

Quyền là quyền của Ban tổ chức, Ban tổ chức muốn nói sao thì nói. Nói A cũng được, nói B cũng được, nói C cũng được… Thậm chí, không nói gì cũng được nốt.

Có năm nào HHVN không có scandal. Không scandal trước cuộc thi, thì là scandal sau cuộc thi. Không có scandal sau cuộc thi, thì là scandal giữa cuộc thi. Không có scandal giữa cuộc thi, thì… scandal của người đẹp vừa đoạt giải Hoa hậu.

2. Nếu Vương Thu Phương không dính dáng vào cái chuyện lễ cưới, chuyện thuần phong mỹ tục, rất nhiều khả năng ngôi Hoa hậu năm nay không thể thuộc về thí sinh Đặng Thu Thảo. Hàng nghìn năm rồi, Á Đông vẫn kiên quyết giữ nguyên quan điểm "Yêu nhau trong sáng, phang nhau trong tối". Thi hoa hậu, tức là thi nhan sắc, thi nhan sắc khác hẳn với thi tiết hạnh. Nhưng biết là làm sao, khi quy chế là quy chế.

Giống như, quy chế đảm bảo người đẹp muốn thi hoa hậu phải tốt nghiệp THPT. Nhưng có cô gái, đã làm hoa hậu mới có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông đấy. Điều này cho phép nhận định, không phải là người đẹp có phạm quy chế hay không. Mà vấn đề là, Ban tổ chức có cho phép người đẹp được đặc quyền vi phạm quy chế.

Nhan sắc tùy thuộc vào trình độ nhận thức thẩm mỹ. Bản thân tôi, thấy Đặng Thu Thảo không đẹp đến mức đoạt ngôi hoa hậu. Nhưng không sao, thực tế đã chứng minh, người đoạt ngôi Hoa hậu chưa hẳn là người đẹp nhất trong một cuộc thi nhan sắc. Như trong đời thường ấy, người có năng lực nhất chưa hẳn là người được ngồi ở vị trí tương thích.

Nhưng, những người dính scandal trong các cuộc thi nhan sắc lại là những người có dung nhan nổi trội nhất. Vương Thu Phương nằm trong trường hợp này.

Trong suốt 3 năm liên tục, Vương Thu Phương đi dự thi, hết siêu mẫu cho đến hoa hậu. Mọi cá nhân đều được quyền không làm gì, chỉ chăm chăm đi thi… Có điều không hiểu sao, cô lại rảnh đến mức đó. Nếu như Vương Thu Phương chỉ dừng lại ở giải vàng Siêu mẫu 2011, lấy đó làm công cụ để thâm nhập làng giải trí Việt, thì có phải là đã trọn vẹn hơn rất nhiều hay không(?!).

Đối với một số người đẹp, thì đi thi… cũng là một cái nghề. Nếu Vương Thu Phương không ngoại lệ, thì với scandal này, cô đã chính thức… thất nghiệp.

Trước khi HHVN 2012 khởi động, báo giới cũng rầm rì chuyện, vương miện hoa hậu của HHVN chỉ là 250 triệu đồng. Trong khi đó, vương miện hoa hậu của cuộc thi Hoa khôi Thể thao là 1 tỉ đồng. Đó là số tiền để chế tác vương miện, không phải là giải thưởng quy đổi tiền mặt.

Đại diện Ban tổ chức HHVN trả lời rằng, vương miện hoa hậu chỉ có tính tượng trưng. Nên so sánh như vậy thì có vẻ “phồn thực” quá. Hơn nữa, mục đích của HHVN là tìm ra người đẹp nhất để tôn vinh nét đẹp hình thể và nét đẹp tâm hồn của phụ nữ Việt.

Tất nhiên, mục đích ở mỗi cuộc thi nhan sắc rất trừu tượng. Đơn giản, rất khó để thấy vẻ đẹp tâm hồn chỉ thông qua vài câu hỏi. Còn vẻ đẹp hình thể theo quan điểm của tôi thì cũng… hên - xui như vẻ đẹp tâm hồn vậy. Độc giả nào khó chịu về nhận xét này, cứ bình tĩnh lấy lại những scandal của các HHVN để kiểm chứng về vẻ đẹp tâm hồn của họ.

Tại sao người đẹp thích đi thi hoa hậu(?). Có phải, đó là con đường ngắn nhất để chỉ cần nhấc bước lập tức leo lên nấc thang danh vọng(?). Có phải, đó là con đường tắt để chỉ cần đêm trước đội vương miện, đêm sau đã tiếp cận được những xa hoa (?). Xưa nay, dư luận chỉ thấy hoa hậu ở biệt thự, ngồi xe hơi, xài đồ hiệu... Chứ mấy ai thấy hoa hậu lao động bao giờ.

Bản thân cái đẹp đã là một thứ giá trị, nên người sở hữu cái đẹp không cần nhấc tay nhấc chân, trở mình động não… Nếu may mắn, không gặp phải các tay lừa đảo, thì đã có thể chạm vào cuộc sống vương giả. Tôi có anh đồng nghiệp thân, ngồi chơi với nhau, nghe anh kể về các thiếu gia trẻ, đại gia già vung tiền tán thí sinh hoa hậu rất khủng khiếp.

Nếu như, sau khi làm hoa hậu, mà vẫn phải nộp đơn xin việc, vẫn phải đảm nhiệm vị trí nhân viên văn phòng, vẫn phải ngóng đến ngày nhận lương, chờ đếm hôm nhận thưởng…. có phải phí danh xưng hoa hậu đi hay không(?).

Đừng trách dư luận có cái nhìn khắt khe với những người làm hoa hậu. Bởi, đám đông vẫn có thói quen, nhíu mày khi thấy người khác thụ hưởng chỉ chăm chăm nhờ….nhan sắc. Đặc biệt là sau những chuyện không mấy hay ho liên quan đến cái chuỗi nhan sắc-tiền-tình một đêm hay chỉ là đại gia lừa đảo - hoa hậu phòng không.

3. Đại văn hào Dostoievski nói: "Cái đẹp cứu rỗi thế giới".

Hoa hậu là biểu trưng cho cái đẹp nhất của cái đẹp. Nếu hiểu đơn giản, cái đẹp của Dostoievski chỉ liên quan đến… nhan sắc.

Tam đoạn luận, "Hoa hậu phải cứu rỗi hơn cả thế giới".

Thế nhưng, lâu lắc rồi, có thấy hoa hậu nào cứu rỗi đám đông đâu. Chỉ là đám đông, chưa nói đến… một đám rất đông khác. Chỉ thấy, hoa hậu nay vướng vào thị phi này, mai vùi đầu vào ầm ĩ khác. Hoa hậu không ầm ĩ, thì lặn mất tăm. Còn hoa hậu không lặn mất tăm, thì hở hở hang hang ưỡn ưỡn ẹo ẹo. Nhàm chán và nhạt nhòa không thể tả.

Tân HHVN 2012 Đặng Thu Thảo phát biểu sau khi đoạt ngôi Hoa hậu rằng, cô rất ngưỡng mộ cựu Hoa hậu Mai Phương Thúy. Nên cô sẽ học tập để đi làm từ thiện, giúp đỡ những mảnh đời cơ nhỡ, những thân phận bất hạnh.

Nói là làm, tân HHVN 2012 điểm điểm trang trang, phấn son tươi tắn, đầu đội vương miện, vai đeo vải đỏ… rình rình rang rang với ống kính máy chụp ảnh, máy quay truyền hình… xông vào bệnh viện để thăm bệnh nhân ung thư.

Phản cảm không thể tả.


Hoa hậu Việt Nam 2012 Đặng Thu Thảo thăm bệnh nhân nghèo đang điều trị
tại Bệnh viện Đà Nẵng vào chiều 26/8

Một khi, những người tổ chức cuộc thi hoa hậu lẫn bản thân hoa hậu, còn xem từ thiện là giáo điều, là hình thức đánh bóng cho thương hiệu cuộc thi lẫn "bản chất thích làm từ thiện của tân hoa hậu" thì chừng ấy… dư luận còn phải chứng kiến những điều khó chịu.

Hoa hậu, kêu gọi từ thiện bằng danh hiệu của chính mình. Để kêu gọi được từ thiện, nhất thiết phải có truyền thông. Từ thiện không có truyền thông, rất khó xảy ra. Mà để có truyền thông, buộc phải là người nổi tiếng. Có hoa hậu nào lại không nổi tiếng(?). Cái chuỗi dzích dzắc này khiến cho những buổi làm từ thiện của hoa hậu, phần lớn mang tính chất "quảng cáo" hơn là thành tâm.

Kiểu như mấy cô bé trong cuộc thi Miss Teen gì đó, đi làm từ thiện. Mấy cô bé có chỗ ngồi đàng hoàng, trên bàn có nước… Còn những cụ già, ngồi co ro trên ghế nhựa. Đúng kiểu, quan nhân phong kiến phát chẩn cho người đói.

Bao giờ thay đổi được quan điểm, người nhận từ thiện là nhân vật trung tâm, thay vì nhan sắc đi làm từ thiện là "cái rốn của vũ trụ", thì mới có hy vọng không bắt gặp những hình ảnh vô cùng nhảm nhí ấy.

Đặng Thu Thảo, mới vừa làm Hoa hậu vài ngày, tôi không muốn lạm bàn quá nhiều. Chỉ mong rằng, cái đẹp ở nước nào không biết. Chứ cái đẹp riêng ở Việt Nam, không cần cứu rỗi thế giới.

Chỉ cần cứu rỗi cái nhìn của dư luận, khiến dư luận cảm thấy "cái đẹp đúng là cái đẹp" đã là viên mãn.

Hoa hậu chỉ cần đừng tạo nên những ồn ào giả tạo cá nhân, đã là cứu rỗi.

Như tôi từng viết, bản thân vương miện không có lỗi. Chỉ có hoa hậu tạo nên sự hoen ố cho vương miện

Theo An Ninh Thế Giới