- "Các Hãng phim lấy đâu ra tiền làm phim nữa? Cục Điện ảnh lấy đâu ra tiền để tổ chức các cuộc thi kịch bản nữa? Một không khí đìu hiu, u ám phủ lên bầu trời điện ảnh nước nhà", nhà biên kịch Đoàn Tuấn chia sẻ.

Tạm đình chỉ vụ án thất thoát 44 tỷ ở Cục Điện ảnh
Vụ thất thoát 44 tỷ: Đành mũ ni che tai thôi!
Từ phim siêu nhảm đến 44 tỷ bốc hơi

Sau hai bức "tâm thư" của NBK Hồng Ngát và ĐD Phạm Lộc, VietNamNet đã phỏng vấn nhà báo, nhà biên kịch Đoàn Tuấn để tiếp tục loạt bài mổ xẻ những vấn đề nóng trong lĩnh vực điện ảnh đang rất được những người trong nghề và dư luận quan tâm.

Nhà biên kịch Đoàn Tuấn hiện là Phó TBT tạp chí Thế giới Điện ảnh.

Niềm tin của các nghệ sỹ bị đánh cắp

- Thưa ông, không biết ông có quan tâm đến những vấn đề nóng của điện ảnh VN những ngày qua không? đặc biệt là vụ thất thoát hơn 40 tỉ đồng ở Cục Điện ảnh bị "chìm xuống", chuyện mấy năm qua điện ảnh Nhà nước chẳng được rót tiền làm phim và tình cảnh bi đát của Hãng phim truyện VN mà một đạo diễn vừa lên tiếng?

- Tôi xin nói là không những riêng tôi mà tất cả nghệ sỹ điện ảnh từ Bắc chí Nam, từ miền núi đến hải đảo đều rất đau lòng trước việc Cục Điện ảnh bị thất thoát hơn 40 tỷ. Đau lòng hơn nữa là sự kiện này đang có dấu hiệu chìm xuồng. Đây không chỉ đơn giản là vấn đề tiền của một Cục mà nó còn là đời sống của ngành. Các Hãng phim lấy đâu ra tiền làm phim nữa? Cục Điện ảnh lấy đâu ra tiền để tổ chức các cuộc thi kịch bản nữa? Lấy đâu ra tiền để tài trợ, để đầu tư, để bàn cách nâng cao nghề nghiệp nữa? Một không khí đìu hiu, u ám phủ lên bầu trời điện ảnh nước nhà.

Và một điều nữa, quan trọng hơn. Đó là niềm tin của các nghệ sỹ bị đánh cắp. Họ không còn niềm tin vào pháp luật. Mà bạn biết đấy, khi con người không còn niềm tin thì hậu quả sẽ thế nào? Họ không muốn làm việc nữa. Ai nói gì họ cũng mặc. Trong lúc tôi trả lời phỏng vấn bạn thì nhận được tin Dương Chí Dũng bị bắt sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh cho ngành Công an phải bắt bằng được tội phạm.

Các nghệ sỹ điện ảnh cũng tha thiết mong Thủ tướng ra lệnh bắt tên Phạm Thanh Hải (viên kế toán ở Cục điện ảnh được cho là đã ôm toàn bộ số tiền hơn 40 tỉ ở bỏ trốn - PV) để các nghệ sỹ đỡ ấm ức và cũng để những người có liên đới đỡ phải ''sống treo'' như hiện giờ.

-
Thực trạng bi đát của ngành điện ảnh không còn là chuyện mới và đã có rất nhiều người lên tiếng. Thậm chí tháng 9 năm ngoái lãnh đạo Bộ VHTTDL đã tiến hành một cuộc gặp gỡ các nghệ sĩ điện ảnh để lấy ý kiến nhằm thay đổi tình hình nhưng rồi đâu vẫn đóng đấy, tình hình thậm chí ngày càng thê thảm hơn, đến nỗi nhiều nghệ sĩ tâm huyết cũng không buồn lên tiếng nữa với lý do có nói cũng chẳng thay đổi gì. Theo ông thì cần có cách nhìn và cách hành xử với thực trạng trên như thế nào?

- Nhắc lại chuyện Hội thảo năm ngoái ở Làng Văn hóa các dân tộc mà thêm buồn. Hình như Bộ VH-TT-DL muốn an ủi các nghệ sỹ nên đã tổ chức cuộc hội thảo đó. Từ Hà Nội kéo lên, các nghệ sỹ trong tâm trạng vô cùng bức xúc đã dốc hết gan ruột mình ra để cất lên tiếng kêu thống thiết cho thực trạng của ngành. Tôi còn nhớ hôm đó, thứ trưởng Hồ Anh Tuấn có hứa với các nghệ sỹ là sẽ về báo cáo lại với Bộ.

Nhưng các nghệ sỹ chúng tôi chờ mãi, chờ đến tận bây giờ cũng chẳng thấy Bộ có ý kiến gì! Hình như tất cả đều đã rơi vào ' Thung lũng hoang vắng''. Đương nhiên, các nghệ sỹ không thể quên. Bởi họ đâu còn hồn nhiên, cả tin nữa! Nhưng tôi xin nói, nếu Bộ mà có tổ chức một cuộc hội thảo nữa về thực trạng của ngành thì tôi tin rằng khó mà mời được các nghệ sỹ chân chính tham dự nữa!

Thật giả lẫn lộn, trắng đen không phân minh

-
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cách đây 1 năm đã có một phát ngôn gây sốc khi nhận định về tình hình hiện nay rằng Điện ảnh VN đang ở dưới đáy của đáy. Nói như vậy xem ra hình như vẫn còn là nhẹ?

- Bạn còn hơi lịch sự khi nhắc tới phát ngôn của nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã. Tôi nhớ chị Nhã nói rằng: "Điện ảnh Việt Nam đang đi đến bể phốt!''. Câu nói đó có thể gây sốc cho một số người. Song là đồng nghiệp, tôi hoàn toàn chia sẻ với chị Nhã. Bởi chị Nhã và chồng chị là nhà biên kịch lão làng, nhà văn Lê Phương đã cả đời lao tâm cũng như lao lực với ngành. Số trang kịch bản mà họ viết phải lên đến mấy chục ngàn.

Song kết cục thì, như bạn biết đấy, chị Nhã phải xin về hưu sớm! Vợ chồng chị ấy đã quá kỳ vọng ở cái ngành mà mình đã cả đời sống chết. Khi người ta nghỉ hưu thì điều mong muốn là không những được tạm chia tay với cái nghề mà mình yêu thích mà con muốn được tạm chia tay với một thế giới của những người lương thiện. Nhưng thực tế quá phũ phàng! Nghề mình yêu đang lụn bại. Cái thế giới mình từng chung sống thì thật giả lẫn lộn, trắng đen không phân minh. Tôi nghĩ, phát ngôn của chị Nhã được nhiều người nhắc đến vì họ tìm thấy trong đó những tâm sự cay đắng của mình.

-
Bà phó chủ tịch Hội điện ảnh mới đây có chia sẻ rằng bà sốc vì vụ thất thoát ở Cục Điện ảnh đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống điện ảnh nước nhà: sản xuất trì trệ, không có phim nào mới và hay. Ngày lễ ngày tết khán giả lại phải ăn những món ăn đã nguội lạnh từ lâu nghĩa là phải xem lại những bộ phim sản xuất từ những năm trước đó. Là người trong cuộc, ông nghĩ sao về điều này?

- Phim cũ hay phim mới chiếu vào những dịp hội hè, lễ lạt đều tốt cả. Nhưng cái không khí của làng điện ảnh lúc này mới thật đáng lo ngại. Như chị Hồng Ngát nói, hầu như cả ngành bây giờ đều có chung tâm trạng "mũ ni che tai''. Thất vọng. Chán nản. Nhưng tôi tin cuộc sống vẫn đi lên theo chiều hướng tích cực.

Bằng chứng là bài viết của chị Hồng Ngát được hàng trăm lời động viên, hưởng ứng của những người trong và ngoài ngành, những người yêu điện ảnh nước nhà. Báo chí trong và ngoài nước đăng lại bài của chị rất nhiều. Tựu chung lại vẫn là lời đề nghị chân thành: tiền của ngành phải trả lại ngành, các hãng phim phải được làm phim, các nghệ sỹ phải có tác phẩm để chia sẻ với công chúng. Và tôi vẫn tin rằng, cái gì cũng có giá của nó. Khi bắt được Phạm Thanh Hải thì, không phải mấy người ở Cục Điện ảnh và kho bạc bị lôi ra đâu mà còn rất nhiều người khác cũng đang ''sống trong sợ hãi''. ''Hãy đợi đấy!'' và hãy chờ xem!

Mới hai năm không có phim Nhà nước ra, thị trường điện ảnh đã loạn cả lên!

Cảnh trong "Chàng men nàng bóng", bộ phim được báo giới gọi  là  "siêu nhảm" của điện ảnh Việt Nam.

- Có một thực tế là những bộ phim "tử tế" ngày càng vắng bóng, Hãng phim truyện VN thì nhiều năm nay lâm vào cảnh chết lâm sàng, không sản xuất được 1 bộ phim nào. Trong khi đó, những bộ phim nhảm nhí, thuộc loại "đại thảm họa" có công kéo lùi điện ảnh VN như Hello cô ba, Nàng men chàng bóng... thì đua nhau ra rạp, khiến những người làm nghề nghiêm túc phải xấu hổ. Là một nhà phê bình điện ảnh, ông nhìn thấy gì từ những bộ phim Việt Nam được công chiếu thời gian vừa qua?

- Khi Nhà nước không còn tiền làm phim thì tư nhân làm nhiều phim hơn là lẽ đương nhiên thôi. Bởi chính Nhà nước đã bỏ trống mặt trận tuyên truyền của mình rồi kia mà. Tư nhân làm phim thì họ phải quyết tìm cách thu hút người xem. Báo chí kêu là nhảm nhí hay thảm họa thì đó là góc nhìn của báo giới. Còn khán giả, họ đâu cần báo động. Họ chỉ cần vui, cần giải trí. Tôi nghĩ, khán giả xem phim hài của tư nhân còn tốt hơn nhiều nếu họ ngồi nhà xem phim Hàn hay phim Tàu.

Và cũng còn tốt hơn nếu những người trẻ tụ tập cờ bạc, hút chích, rượu chè hay chơi game, xem phim sex triền miên. Đó là những lối đi dẫn đến tội ác. Và tội ác ở nước ta đang có xu hướng trẻ hóa ở cả nông thôn lẫn thành thị. Tôi nói điều này là muốn gửi đến ông Bộ trưởng Bộ VHTTDL một điều là không thể vì ai đó làm thất thoát 40 tỷ mà hạn chế cấp kinh phí làm phim cho ngành điện ảnh! Ai làm mất thì người đó phải đền còn việc làm phim thì không thể dừng lại, không thể không làm. Bạn thấy đấy, mới hai năm không có phim Nhà nước ra, thị trường điện ảnh cứ loạn cả lên!

-
Việc đưa ra giải pháp để "chấn chỉnh" điện ảnh VN là việc của các cấp quản lý, là một người làm nghề ông có ý kiến gì không? chẳng lẽ cứ để điện ảnh VN tụt dốc không phanh vậy sao, thấy chết mà không chịu cứu vậy sao?

- Tôi nghĩ việc chấn chỉnh điện ảnh Việt Nam lúc này hơi khó. Vấn đề của những nhà quản lý và của các nghệ sỹ là phải có Tiền, có Quyền và có Văn hóa. Ba cái này phải hội tụ và đồng hành.

- Xin cảm ơn ông!

Hạnh Phương