- Khi vụ việc ở chùa Trăm Gian vẫn chưa lắng xuống thì đến lượt chùa Trầm ở huyện Chương Mỹ cũng bị “xâm hại” ngang nhiên.


Khi vụ việc chùa Trăm Gian bị phá dỡ, trùng tu theo kiểu phá di tích nhiều lần vẫn chưa lắng xuống thì ở một ngôi chùa khác- chùa Trầm (thôn Long Châu Miếu, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ) đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia, người dân lại vô cùng bức xúc, phẫn nộ trước hành vi “xâm hại”, đào bới phá hủy làm biến dạng cảnh quan di tích mà vẫn ngang nhiên tồn tại từ nhiều năm nay.

Tan nát dòng sông Sen

Du khách thập phương về chùa Trầm bây giờ không khỏi ngao ngán về cái thực cảnh chùa Trầm đang bị phá hủy nghiêm trọng đặc biệt khu vực đất ao trước cửa chùa ngổn ngang đất, đá bị máy móc cày xới. Dòng sông Sen bát ngát thơ mộng trước cửa chùa xưa giờ chỉ ngổn ngang những ụ đất, bị san lấp với tốc độ “chóng mặt”…

Theo nhiều người dân, lối vào chùa khi được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia Chùa Trầm gồm có 3 khu vực chính là: Núi Trầm, núi chùa Vu Vi – Núi Bút và sông sen (còn gọi là sông chùa).

Dòng sông Sen bát ngát thơ mộng trước cửa chùa xưa giờ chỉ ngổn ngang những ụ đất, bị san lấp với tốc độ “chóng mặt”.

Sông sen có hình bán nguyệt và được thả sen và trồng sen từ năm 1966, giữa sông sen là một bãi đất hình bầu dục (còn gọi là bãi chùa). Bãi Chùa có 2 cột dá treo cờ nhà chùa, bãi chùa có từ thời vua Lê, chúa Trịnh ngự tại đây nhiều năm.

Theo tìm hiểu, ngày 1/6/2010, ông Nguyễn Đình Tuấn (khu vực Sông Ao Chùa, thôn Long Châu San, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội) nhận hợp đồng chuyển nhượng do ông Nguyễn Xuân Mật ở thôn Long Châu Miếu xã Phụng Châu nhượng lại, đến ngày 31/12/2012 hết hạn hợp đồng chuyển nhượng.

Nhưng trong thời gian thực hiện hợp đồng chuyển nhượng này, ông Tuấn đã cho máy xúc nạo vét, ngang nhiên dùng máy xúc xúc đất san lấp mặt nước với hàng trăm m3 đất đã đổ, san lấp thành một khu đất mới có mặt bằng 300m2.

Việc làm này khiến nhân dân thôn Long Châu Miếu, xã Phụng Châu vô cùng bức xúc và phẫn nộ.

Hợp đồng này được UBND xã Phụng Châu phê duyệt cho phép thầu quản lí toàn bộ khu Ao Chùa với diện tích 11.778m2 trong thời hạn 5 năm (Hợp đồng số 10 ngày 10/6/2011).

Buông lỏng quản lí di tích để trục lợi cá nhân?

Liên quan đến hợp đồng sản xuất chăn thả cá tại sông Ao Chùa của ông Nguyễn Đình Tuấn- người được ông Nguyễn Xuân Mật nhượng lại, phía UBND huyện Chương Mỹ cũng đã khẳng định: “Việc UBND xã Phụng Châu giao thầu cho ông Nguyễn Xuân Mật hiện tại là ông Nguyễn Đình Tuấn là không đúng qui định của pháp luật, quá trình giao thầu và thực hiện hợp đồng thầu của người nhận thầu có nhiều vi phạm nhưng phía UBND xã đã không xử lí”.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Định, PCT UBND xã Phụng Châu cũng đã thừa nhận hợp đồng này có nhiều sai phạm trong việc kí kết để dẫn đến tình trạng đổ đất ngổn ngang, đào bới phá hủy làm biến dạng cảnh quan di tích lịch sử quốc gia chùa Trầm.

Theo ông Định diễn giải, việc ông Nguyễn Đình Tuấn tiến hành san lấp, làm hỏng ao sen của chùa Trầm xuất phát từ việc Ông Nguyễn Kim Quảng là nguyên là Chủ tịch UBND xã Phụng Châu, hiện giờ ông Quảng đã nghỉ.

Biển chứng nhận chùa Trầm- Di tích lịch sử Quốc gia nhếch nhác.
Tuy nhiên, trước khi thôi chức Chủ tịch xã, ông Quảng đã ký cho ông Tuấn được phép tiến hành san lấp ao sen mặc dù khu vực đó có đất của Di tích Lịch sử Quốc gia chùa Trầm.

“Hiện tại, UBND xã đã có yêu cầu giữ nguyên hiện trạng khu vực Sông Ao chùa, ngừng mọi hoạt động cải tạo, cho phép ông Tuấn thu hồi, không được thả cá điều tra xử lí sai phạm. Trong thời hạn đến hết năm 2012, yêu cầu ông Tuấn trả lại hợp đồng trước thời hạn đã kí. Khi có kết quả điều tra sai phạm, sẽ xử lí nghiêm đối tượng vi phạm và nếu có, xử lí cả cán bộ nào tiếp tay cho kẻ phá hoại”, ông Định nói.

Di tích lịch sử quốc gia vẫn chưa xác định được ranh giới!

Rõ ràng chùa Trầm là một di tích lịch sử đã được công nhận cấp quốc gia. Thế nhưng, trong các văn bản, hồ sơ sao lục về di tích này của phía UBND xã Phụng Châu lại không thể xác định được ranh giới khu di tích lịch sử chùa Trầm.

Theo lời ông Trịnh Văn Thanh, Trưởng Ban Văn hóa UBND xã Phụng Châu thì cả huyện Chương Mỹ và Thành phố Hà Nội hiện chỉ còn 1 biên bản ghi nhận chùa Trầm là di tích lịch sử nhưng không có ranh giới, mốc giới Đông- Tây hay chiều dài, chiều rộng.

Ông Phạm Văn Định, PCT UBND xã Phụng Châu cũng đã thừa nhận có nhiều sai phạm trong việc kí kết hợp đồng cải tạo khu vực Sông Ao Chùa để dẫn đến tình trạng đổ đất ngổn ngang, đào bới phá hủy làm biến dạng cảnh quan di tích chùa Trầm.

Khu vực Sông Ao Chùa trước cửa chùa bị xâm hại, khu vực người dân địa phương tố cáo bị xâm hại có diện tích gần 20.000m2 đất trong đó có 1863m2 đất nông nghiệp giao cho 5 hộ sản xuất nông nghiệp theo Nghị định 64 của CP, còn lại là 17.788m2 là đất quĩ công.

“Địa giới khu vực này chưa phân định, không có hồ sơ lưu đâu là đất chia theo NĐ 64, đâu là đất của khu vực di tích”- ông Thanh nói thêm.

Ông Thanh cũng thừa nhận, chắc chắn rằng trong phạm vi khu đất ao trước cửa chùa có một phần đất di tích bị xâm phạm nhưng không biết là… nhiều hay ít?

"Di tích lịch sử quốc gia vẫn chưa xác định được ranh giới"- dẫn lời ông Trịnh Văn Thanh, Trưởng Ban Văn hóa UBND xã Phụng Châu.

Trước thực trạng khu vực Sông Ao Chùa đang bị đào bới, đổ đất xâm hại ngang nhiên, phía chính quyền địa phương cứ thản nhiên nói lại điệp khúc rằng: “Không biết đâu là ranh giới đất khu di tích” và “Vẫn đang rà soát”!? 

Chùa Trầm- 1 di tích lịch sử quốc gia đã được công nhận

Chùa Trầm thuộc địa phận xã Phụng Châu, Chương Mỹ, Hà Đông (Nay thuộc Hà Nội), nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội chừng 20 km. Đây một di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Chùa được xây dựng vào đầu thế kỉ 16, do một vị tướng quân xuất gia lập nên. Chùa nằm dưới chân núi Tử Trầm Sơn, thuộc vùng đất So Sở, là một quần thể kiến trúc kết hợp hài hòa giữa kiến trúc chùa Bắc Bộ và núi, hang tự nhiên.Quần thể chùa gồm nhiều thắng cảnh đẹp: Đền Mẫu nằm lưng chừng núi, hang Long Tiên có đường dẫn lên đỉnh núi Trầm (tục gọi là đường lên trời), có hang sâu dẫn ngầm vào trong núi (tục gọi là đường xuống âm phủ). Trong hang có tượng của các vị phật, tiên, hộ pháp tạc bằng đá rất sinh động. Nơi đây còn lưu trữ những bài thơ cổ khắc trên vách đá, khánh đá, chuông đồng ... được tạo tác qua các thời đại

Quần thể chùa đã từng là hành cung của vua Lê, chúa Trịnh bởi phong cảnh u nhàn, thanh nhã. Đặc biệt, chùa Trầm còn nổi tiếng bởi nơi đây đã từng là nơi chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến qua sóng Đài tiếng nói Việt Nam năm 1947.

Đứng trên đỉnh núi Trầm có thể nhìn thấy toàn cảnh vùng đất So Sở và các danh thắng kề cận như chùa Vô Vi, chùa Trăm Gian ..

Bài và ảnh Anh Tuấn