- Một khoản ngân sách vài trăm tỉ đồng dự kiến sẽ được thông qua để đầu tư cho sách và xuất bản, nhằm "sinh lãi tri thức".

Sáng 12/09, tại Cục xuất bản đã diễn ra buổi họp báo kỷ niệm 60 năm, ngành Xuất bản - In - Phát hành sách. Mặc dù "cây đinh" của buổi họp báo là thông tin về các hoạt động chào mừng và kỉ niệm, nhưng phía báo chí cũng đặt thêm câu hỏi liên quan đến các kế hoạch và chiến lược mà ngành Xuất bản sẽ được thực hiện trong thời gian tới, sau khi những hoạt động kỉ niệm 60 năm đi qua.

Lần đầu tiên, vài trăm tỉ đồng sẽ được đầu tư cho sách và xuất bản
"Hiệu sách huyện", số hóa và câu chuyện "sinh lãi tri thức"

Trả lời báo VietNamNet, Cục trưởng Cục xuất bản ông Chu Văn Hòa đã tiết lộ nhiều thông tin chứng tỏ những động thái tích cực từ ngành, gây hứng thú cho người đọc.

Ông cho biết, khoảng tháng 10/2012 sẽ trình Quốc hội Luật xuất bản - một bộ luật đã được trông chờ từ khá lâu với mong muốn có một hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi chính đáng của tác giả, tránh việc in lậu, hỗ trợ phát hành, phát triển được ngành sách trong cả nước. Thời gian tiếp theo sẽ là lúc "thử lửa" cho bộ luật này, để xem luật có "vênh" với thực tế hay không.

Một tin bất ngờ từ phía ông Chu Văn Hòa, đó là việc sẽ ra đời "Quỹ hỗ trợ xuất bản Việt Nam" với một khoản ngân sách khoảng vài trăm tỉ đồng – để hỗ trợ cho ngành xuất bản. Ông nói, “Đây là việc chưa từng có!”.

Cục trưởng khẳng định số tiền sẽ được sử dụng đúng địa chỉ cần, bởi những người thực hiện đã xác định được tầm quan trọng của sách vở và tri thức với đất nước. Phía cơ quan quản lý sẽ xây dựng các quy chế để quản lý chặt chẽ và hiệu quả nguồn ngân sách này. "Không phải giai đoạn lịch sử nào cũng nhận ra tầm quan trọng của sách báo và xuất bản phẩm" - ông cho hay.

Cục trưởng Cục xuất bản - Chu Văn Hòa
Bước đầu, đây quả là một động thái đáng mừng với ngành xuất bản nói riêng và tin vui cho nhân dân cả nước nói chung. Vài trăm tỉ đồng là con số không nhỏ, dù nó khá nhỏ so với 11.277 tỉ dự kiến đầu tư cho Bảo tàng lịch sử quốc gia. Nhưng có lẽ số tiền đầu tư này sẽ sinh lãi lớn trong tương lai, mang lại lợi ích lâu dài và vững chãi cho xã hội. Như lời ông Chu Văn Hòa: "Lãi của xuất bản là lãi tri thức trong cộng đồng, chứ không phải là tiền lãi đơn thuần".

Chia sẻ niềm vui về những kế hoạch sắp tiến hành, ông Đỗ Quý Doãn - Thứ trưởng Bộ Thông tin & truyền thông nhắc về tính hiệu quả của những "hiệu sách huyện" thời kì ông còn thanh niên. "Tuổi trẻ, tình yêu của chúng tôi ngày ấy được hun đúc lên từ những "hiệu sách huyện". Bây giờ thì những hiệu sách huyện ấy ở đâu, như thế nào?

Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn
Kỉ niệm 60 năm, ôn lại truyền thống không phải là sự say sưa hài lòng, mà việc sẽ chuẩn bị đi tiếp như thế nào để xây dựng một xã hội học tập. Mối quan hệ giữa con người với con người ngày càng khó khăn nếu sách bị mai một đi. Như chúng ta đã thấy, khi văn hóa đọc bị mai một, hệ lụy sẽ như thế nào.

Để hoạch địch được tương lai thì phải nhìn xa, dự báo được tương lai. Ngay trong hiện tại, thế giới đã có một hệ thống phát hành sách như Amazon rồi. Muốn được như thế thì phải đồng bộ, nếu đã có sách điện tử thì nộp lưu chiểu cũng phải theo hình thức điện tử".

Hội chợ sách quốc tế (tháng 9) và Hội thảo “Văn hóa đọc” (tháng 10)

Trong một quan sát khác từ phía báo chí, liên quan đến hoạt động tổ chức kỉ niệm 60 năm ngành Xuất bản, có một số hoạt động được đánh giá là mang lại hiệu quả và có ý nghĩa với cộng đồng như: trao tặng tủ sách cho các đơn vị, Hội chợ sách quốc tế lần thứ 4 với nhiều khuyến mãi sách, tri ân bạn đọc  (từ 17/09 - 21/09 tại Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội) và Hội thảo khoa học về Văn hóa đọc (dự kiến trong tháng 10 tại Thư viện quốc gia).

Điểm độc đáo và khác biệt của Hội chợ sách quốc tế năm nay là việc trưng bày các máy in, các loại giấy in, giấy dó… được sử dung từ thời chiến khu Việt Bắc 1952 đến trước năm 1975 - gợi nhớ chặng đường lịch sử của ngành xuất bản.

Đã có 42 nhà xuất bản nước ngoài đăng kí tham dự Hội chợ sách, bên cạnh đó BTC cũng trưng bày gian hàng các NXB nước ngoài có quan hệ xuất bản với Việt Nam thời gian qua. NXB Trẻ dự kiến sẽ giới thiệu 1.000 đầu sách xuất bản điện tử,  trong khi Thư viện quốc gia sẽ tạo điện kiện để độc giả truy cập kho dữ liệu đã được số hóa của mình.

Hồ Hương Giang

Ảnh: Angellittlefire