- Dạo quanh làng báo Việt một tuần nay người ta ngạc nhiên thấy trong tốp 3 những chủ đề ‘‘nóng’’ nhất lại có tên bảo tàng - một lĩnh vực dường như công chúng chẳng mấy mặn mà. Dự án xây bảo tàng hơn chục nghìn tỷ khi các điều kiện xã hội, nhân lực chưa được đảm bảo đã ‘‘đun nóng’’ dư luận trên cả báo giấy, báo mạng lẫn mạng xã hội.


Liên quan đến dự án Bảo tàng lịch sử quốc gia mới lên tới trên 11.277 tỉ đồng sắp được triển khai, VietNamNet xin giới thiệu bài viết của Thạc sỹ quản trị văn hóa Nguyễn Đình Thành, Đại học Paris Dauphine, CH Pháp.
Bảo tàng không phải tủ lạnh văn hóa

Chủ trương xây dựng một bảo tàng tầm cỡ quốc tế để tự hào giới thiệu di sản văn hóa, lịch sử của một quốc gia nghìn năm văn hiến là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng đưa ra một dự án trị giá tới hơn 11 nghìn tỷ đồng trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn và khó có khả năng hồi phục trong những năm tới là một quyết định khó hiểu vào thời điểm này.

Khi hầu hết các bảo tàng tại Việt Nam đều lâm vào cảnh thưa thớt người thăm quan, cơ sở vật chất xuống cấp, ngân sách sưu tập ít ỏi, các hoạt động văn hóa được tổ chức lẻ tẻ, phương pháp giới thiệu khô cứng, ít hấp dẫn, dịch vụ và sản phẩm phái sinh nghèo nàn, thiếu sáng tạo và gần như không mang lại lợi nhuận thì dự án xây dựng một bảo tàng trải dài trên 10 ha đương nhiên khó có thể thuyết phục được dư luận.

Điều gì sẽ đảm bảo sau năm đầu khai trương, bảo tàng mới ‘‘siêu tốn kém’’ này sẽ thu hút được nhiều người xem hơn hiện nay? Sự hoài nghi của dư luận là điều dễ hiểu khi một ‘‘siêu dự án’’ xuất hiện ‘‘bất thình lình’’ như vậy. Trong suốt những năm qua, không hề có một nỗ lực truyền thông để giải thích cho công chúng về sự vận hành của bảo tàng, số lượng việc làm và thu nhập tạo ra, lợi ích của bảo tàng, bộ sưu tập...

Việc hầu hết các bảo tàng thất bại trong việc thu hút người xem (và người tới xem lại) làm người ta càng khó tin vào những lời phát biểu: ‘‘tôi tin là chúng tôi hình dung đúng khối lượng công việc và cách thức vận hành tòa nhà bảo tàng bảo tàng trong tương lai’’ của ông trưởng ban nghiên cứu nội dung và hình thức trưng bày dự án BTLSQG.

Phối cảnh BTLSQG mới.

Bảo tàng cũng là một sản phẩm văn hóa và buộc phải chấp nhận ‘‘cạnh tranh’’ với các sản phẩm văn hóa khác như : sách, điện ảnh, biểu diễn âm nhạc, hòa nhạc. Khách thăm quan – khách hàng văn hóa ngày nay càng ngày càng khó tính, càng ít thời gian và càng bị các ‘‘nhà sản xuất’’ khác săn đón.

Bảo tàng hiện đại không còn là một cái tủ lạnh văn hóa, thời đại đòi hỏi nó phải là một trung tâm văn hóa, biểu diễn, thư viện, thân thiện và năng động. Bộ máy càng to thì sự vận hành càng phức tạp, khả năng thất bại càng cao. Với những bảo tàng hiện tại với diện tích vài nghìn mét vuông, với lượng khách ít như hiện nay mà đội ngũ quản lý hiện tại còn chưa làm cho bảo tàng trở nên hấp dẫn thì với diện tích khổng lồ như thế ai sẽ có khả năng điều phối?

Tổng lượng khách mỗi bảo tàng Việt Nam dao động từ 39 000 đến 350 000 người trong khi khách thăm bảo tàng quốc gia Singapore của đảo quốc tí hon này trong 16 tháng là 1 triệu người*. Có lẽ nên chăng đợi thêm 20 năm nữa khi các điều kiện kinh tế, xã hội và giáo dục được cải thiện đáng kể rồi hãy cân nhắc ‘‘siêu dự án bảo tàng’’?

Nên bắt đầu từ đâu?


Tất cả phải bắt đầu từ giáo dục! Làm sao có thể hy vọng khách thăm quan sẽ tự đến với bảo tàng khi người ta không có nhu cầu ấy? Có thể nói bảo tàng là sản phẩm dành cho các khách hàng từ 7 tuổi đến 77 tuổi. Nếu đầu tư vào các khách hàng 7 tuổi từ hôm nay, bảo tàng sẽ có họ trong danh sách khách hàng của mình tới 70 năm nữa.

Chỉ con số lẻ 277 tỷ của dự án cũng đã là một ngân sách trong mơ của các nhà làm truyền thông văn hóa. Nó tương đương với cả chục nghìn cuộc triển lãm của các họa sỹ, nhiếp ảnh gia trong các bảo tàng, hàng chục nghìn cuộc hội thảo, tọa đàm về các chủ đề lịch sử, văn hóa hay có thể dùng để hỗ trợ các trường học tổ chức thăm quan bảo tàng.

Bảo tàng Hà Nội có kiến trúc tuyệt đẹp nhưng đến nay đa phần các hiện vật trưng bày vẫn là đi mượn.

Bảo tàng Việt Nam phải chấp nhận các quy luật tối thiểu của thị trường và tiến hành các công việc cụ thể như làm phong phú bộ sưu tập, mở rộng dải sản phẩm phái sinh từ quà lưu niệm cho đến sách báo, công trình nghiên cứu, bưu thiếp, ẩm thực... gắn với bản sắc của bảo tàng mình; tổ chức liên tục các lớp dạy nghệ thuật, thảo luận chuyên đề, hòa nhạc, biểu diễn nghệ thuật; nâng cao chất lượng và tư duy truyền thông, triển lãm; cải tiến trang web...

Nếu đặt trọng tâm vào giáo dục lịch sử thì số tiền ấy sẽ có ích hơn khi nhà nước giúp các nhà sưu tập tư nhân làm bảo tàng tư nhân, giúp các gallery trưng bày tốt hơn, giúp các hãng phim làm nhiều phim hơn, các nhà văn sáng tác truyện lịch sử, chỉnh trang các công trình lịch sử, văn hóa, tâm linh để dân ta phải biết sử ta đẩy lui sự xâm thực văn hóa của phim ảnh lịch sử Trung Quốc và Hàn Quốc hiện nay.

Đề án xây dựng BTLSQG rõ ràng không được thiên thời địa lợi nhân hòa nhưng biết đâu lại là lời kêu gọi hãy chú ý hơn tới ngành bảo tàng và qua đó là tới sự phát triển bền vững của cả xã hội.

Nguyễn Đình Thành

* The National Museum of Singapore welcomed its millionth visitor on 16 April 2008, less than 16 months after it re-opened http://www.nationalmuseum.sg/PressRoomDetail.aspx?id=37

-------------

Mời bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực bảo tàng nói chung cũng như dự án siêu bảo tàng 11.000 tỉ gửi bài viết phản hồi về địa chỉ phanhoivanhoavnn@gmail.com. Những bài viết hay sẽ được BBT đăng tải trên chuyên mục Văn hóa.