Trong bối cảnh những nhà sản xuất Việt Nam đang chuộng những format ngoại thì có không ít những format Việt đang chạy trên một số kênh truyền hình vẫn đang âm thầm hoàn thiện mình cả về chất lượng và uy tín.

Ồ ạt các gameshow ngoại
 

Chỉ khoảng 5 năm trở lại đây, truyền hình Việt Nam đã có những bước tiến mới. Sự thay đổi về công nghệ, cách tư duy sản xuất các chương trình truyền hình, sự gia nhập của các kênh truyền hình mới đã làm thay đổi diện mạo của hầu hết các kênh truyền hình từ trung ương đến địa phương.
 
Một trong những điểm nhấn trong vài năm trở lại đây chính là sự có mặt của các format ngoại. Theo một nghiên cứu, một khán giả trẻ hiện nay dành từ 4-5 tiếng trong 1 tuần để theo dõi các chương trình truyền hình thực tế. Điều này cho thấy, tại nước ngoài, khán giả rất chú ý đến dạng chương trình này. Còn tại Việt Nam, điều này cũng không khó để thấy khi báo chí, dư luận rất thường xuyên đưa tin, bình luận về một số gameshow truyền hình lớn.
 
Đây là các chương trình "thống trị" những khung giờ vàng trên truyền hình Việt Nam cũng như luôn giữ được tỉ suất người xem kỉ lục với giá quảng cáo liên tục tăng cao.
 
Kịch bản mang tên thực tế
 

Khi đã lựa chọn một format thực tế, nhà sản xuất gần như đã nắm rất chắc về sự cuốn hút của format đó. Vấn đề lớn nhất đối với họ chính là triển khai sao cho tốt và hiệu quả để tương thích với tâm lý và suy nghĩ của khán giả vì mỗi quốc gia, tùy vào môi trường văn hóa, địa lý, ... sẽ có những hướng tiếp cận không giống nhau.
 
Tuy nhiên, câu chuyện ở đây chính là tính hấp dẫn, đôi khi "ảo" của các chương trình thực tế. Tính "ảo" ở đây nằm ở nhận thức của đa số khán giả chấp nhận xem một chương trình thực tế như một cuộc thi nghiêm túc, chất lượng. Những yếu tố hậu trường đơn thuần được xem là quá trình sản xuất mang đến một sản phẩm truyền hình chất lượng.
 
Nhưng sự thật không phải vậy
 

Đúng, dưới dạng format một cuộc thi khán giả sẽ thấy được sự thi đấu đầy tính cạnh tranh, quyết liệt của các thí sinh. Nhưng trong đó còn có những tình huống mang cảm xúc, nhằm kích thích sự kịch tính, đẩy khán giả vào vai trò người quyết định "thực tế".
 
Đây được gọi là chiêu trò của nhà sản xuất khi có những cách thức khác nhau để biên tập lại những câu nói, lời dẫn, hành động của các nhân vật tham gia thi để tạo được hiệu ứng tích cực và tiêu cực cho chương trình. Đó là dẫn chứng cho rất nhiều "thảm họa âm nhạc", "thảm họa tài năng" mang tên "thực tế" mà khán giả không khó để tìm thấy trong các chương trình thực tế hiện nay.
 
Điều nghiêm trọng nhất là việc dàn xếp tại các chương trình này. Một chương trình truyền hình thực tế nên có hay không sự dàn xếp? Có. Nhưng dàn xếp ở đây nếu như chỉ làm chương trình màu sắc hơn, sinh động hơn thì khán giả sẽ xem đó là một chương trình hay, thú vị, nhiều yếu tố bất ngờ.
 
Nhưng nếu sự dàn xếp này có liên quan đến kết quả những format mang tính thi đấu? Đó không khác gì một cái tát vào khán giả để họ nhận ra mình đã bị lừa, là con rối trong vở kịch mà các nhà sản xuất dựng lên. Điều này không chỉ làm mất đi sự uy tín của BTC, nhà sản xuất, kênh truyền hình mà còn sinh ra tâm lý tiêu cực giữa các thí sinh với nhau, khiến cho một chương trình chỉ mang yếu tố giải trí kèm theo bị chìm khuất bởi những vết đen không đáng có.


Format Việt uy tín đang trỗi dậy

Trong bối cảnh những nhà sản xuất Việt Nam đang chuộng những format ngoại thì có không ít những format Việt đang chạy trên một số kênh truyền hình vẫn đang âm thầm hoàn thiện mình để "cạnh tranh" một cách sòng phẳng và minh bạch với các format ngoại về khán giả và uy tín chất lượng trong cuộc đua trên sóng truyền hình.

Có thể kể đến 2 chương trình đang được chú ý là Bài hát Việt và Bài hát yêu thích. Dĩ nhiên, không thể đo đếm, so sánh tiếng vỗ tay, sự la hét của khán giả giữa các chương trình đang đi theo những tiêu chí khác nhau. Nhưng nếu nhìn nhận một cách công bằng về sức đóng góp cho xã hội, cho khán giả những món ăn tinh thần tốt và giá trị.

Bài hát Việt hay Bài hát yêu thích đều không thua kém bất cứ format nào mà còn để lại dấu ấn Việt rất rõ nét, một mang mục đích tìm ra những sáng tác tốt, một lại mang nền tảng sơ khai của sân chơi phát triển đa tầng thành một hệ thống bình chọn có giá trị uy tín ở Việt Nam hiện chưa có nhiều, và tựu trung đều sẽ đóng góp nhất định cho sự phát triển của nền nhạc nhẹ Việt Nam.

Dù chỉ mới ra đời chưa tròn 1 tuổi, Bài hát yêu thích đã cho khán giả thấy được một mô hình khá hiện đại và trọn vẹn bằng những sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt. Từ truyền thông, hệ thống bình chọn, nghệ sĩ, khách mời bình luận đều hướng vào việc nâng cao chất lượng chương trình và tạo uy tín tuyệt đối về kết quả thông qua việc giám sát chặt chẽ từ nhiều phía.

Ưu thế của Bài hát yêu thích là cân bằng được giữa những yếu tố mới lạ với các giá trị đã được thừa nhận rộng rãi, từ bài hát sáng tác cho tới ca sĩ. Độ phủ của chương trình có thể phù hợp với rất rộng khán giả truyền nói chung.

Bên cạnh đó là nỗ lực góp phần tìm lại những giá trị thật của "Bài hát yêu thích" đáng được khán giả ủng hộ trong bối cảnh những giá trị âm nhạc đang bị đảo lộn và những giá trị khác đang chiếm ưu thế như hiện nay.

Quyền quyết định dành cho nhiều đối tượng từ những khán giả trẻ hay nghe nhạc trên mạng, những khán giả yêu thích ca sĩ nhắn tin bình chọn, hay những thành viên HĐBC đến từ các tình thành trên cả nước. Đây chính là điểm khác biệt tương đối so với các format ngoại khi giao toàn quyền quyết định cho khán giả ở một số chương trình.

Nếu như format ngoại luôn tạo đủ mọi chiêu trò, thậm chí đan cài những scandal cố tình hoặc vô ý thì với format Việt, các nhà sản xuất của Bài hát Việt hay Bài hát yêu thích đang rất bình tĩnh để tìm đến khán giả bằng việc đưa ra các món ăn có chất lượng chứ không tập trung toàn lực lôi kéo khá giả bằng một giá.

Yếu tố công bằng, đi tìm những giá trị thực được đặt lên cao hơn những câu chuyện tầm phào trong nội dung hay sử dụng những yếu tố mang nặng về cảm xúc để câu kéo sự thương cảm của khán giả.

Kết

Mỗi format có một tiêu chí không giống nhau nhưng điều mong muốn lớn nhất của nhà sản xuất là khán giả luôn tin tưởng và tiếp tục theo dõi, ủng hộ cho chương trình, dù là format ngoại hay nội.

Điều khán giả trông chờ nhất, chính là ngoài việc được tận hưởng những khoảng thời gian thư giãn theo dõi các chương trình, họ cần được tôn trọng bởi cách làm việc chuyên nghiệp, uy tín và truyền hình thực tế thì luôn cần phản ánh chính xác những gì đã diễn ra, chứ không phải là một sự dàn xếp lừa lọc khán giả vì mục đích nào đó.

Lẽ dĩ nhiên sự so sánh sẽ vô cùng khập khiễng giữa một format được xây dựng bởi những nền công nghiệp giải trí hàng đầu thế giới và những format Việt non trẻ. Thế nhưng, sau những bữa tiệc no nê thì giờ format ngoại cũng đã bộc lộ những bất cập trong quá trình hòa nhập với yếu tố bản địa.

Dù chưa thể nói được những kết quả ở phía trước của một số format Việt hiện nay giữa hàng loạt các chương trình sử dụng format ngoại, nhưng điều có thể hy vọng, chính là các format Việt gần như xây dựng cho mình một lối đi riêng, tách biệt và chân chính để khán giả có thể tin tưởng và theo dõi.

Còn với những scandal nổ ra liên tiếp hiện nay của các format ngoại khi đến Việt Nam, chắc hẳn khán giả sẽ phải e ngại khi xem, nghe, đọc những các thông tin vì chưa chắc những nhìn diễn ra trước mắt họ trên truyền hình đã là cái được gọi là “thực tế”.

  • Anh Vũ