Đình làng Cam Thịnh (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) được xây dựng từ thế
kỷ 17, nằm trong quần thể di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia là làng cổ Đường
Lâm - đang xuống cấp hết sức nghiêm trọng.
Toàn cảnh đình làng Cam Thịnh đang bị xuống cấp nghiêm trọng
Trải qua gần 300 năm mưa gió, cộng với mối xông mọt đục, mái đình làng lợp ngói
mũi cổ kính, rêu phong, lấm bụi thời gian đã đi vào trang thơ của bao nhiêu thế
hệ, nay đã bị xộc xệch.
Phía mái bên trái của đình, ngói bị rơi cả một mảng lớn, vỡ vụn nằm thành đống
dưới chân tường. Bước chân vào trong đình, cảm giác xót xa tràn ngập. Một con
kìm nóc rơi khỏi mái tự bao giờ, những con kìm còn lại được các cụ bô lão trong
làng hô hoán thanh niên lấy dây thép buộc lại... giữ chân. Một xà ngang lớn “tụt
nõ” như quả mít rụng rơi xuống sàn, nằm nghiêng ngả trong cái ánh sáng lập lòe
của những ngọn đèn, ngọn nến.
Các cụ trong làng kể lại: hôm xà ngang của đình rơi xuống là vào buổi sáng tờ
mờ, rất may không có ai ở ngoài đình, nếu không thì không biết sự việc sẽ thế
nào.
Trước tình trạng đó, những ngày này đình làng chẳng khác gì công trường xây
dựng. Lớp lớp thanh ngang xà dọc đua nhau “làm chủ” không gian bên trong của
ngôi đình. Ông thủ từ hoặc các cụ, các vãi có ra đình lễ thánh cũng phải chui
lủi, lom khom, đi lại thật khéo dưới hệ thống cột chống chằng chịt ấy, nếu chỉ
va chạm nhẹ thì chẳng biết hậu quả sẽ đến mức nào. Nhẹ thì con kìm hay xà ngang
của đình “rụng” xuống, nặng thì cả ngôi đình có thể sụp xuống như không.
Đấy là chưa kể khách du lịch đến Đường Lâm cứ nườm nượp, thi thoảng lại có đoàn
nọ đoàn kia vào thắp hương trong đình làng và chiêm ngưỡng vẻ cổ kính trăm năm
của công trình này. Muốn thể hiện lòng thành kính đối với thành hoàng, dân làng
và du khách đều phải luồn lách dưới giàn cột chống chi chít, phải nhìn ngang ngó
dọc để “đề phòng bất trắc”.
Đang tẩn mẩn chụp ảnh ngôi đình xập xệ, tôi bị ông thủ từ chạy ra nhắc khéo:
“Ấy, cô cẩn thận nhé. Trước kia thì ngày nào đình chúng tôi cũng mở cửa cho
khách du lịch đến chiêm bái đấy. Nhưng từ ngày đình làng xuống cấp quá, bấy lâu
phải đóng cửa, chỉ dám mở cửa vào mồng một, rằm cho bà con đến thắp hương. Thấy
bà con cứ tần ngần, trong lòng không yên vì không được vào lễ thánh ở đình làng
mình tôi cũng không đành lòng”.
Sự phân tích của các cụ trong làng rất chí lý, rằng nếu cứ để tình trạng xuống
cấp nghiêm trọng như thế tiếp diễn, người dân trong vùng sẽ mất đi nơi sinh hoạt
tín ngưỡng, văn hóa cộng đồng quen thuộc hàng trăm năm nay. Và nếu chẳng may
ngôi đình sập xuống không chỉ làm nguy hại đến tài sản và tính mạng của người
dân, không chỉ làm mất đi một công trình kiến trúc cổ, một di tích văn hóa có
giá trị nằm trong quần thể di tích làng cổ Đường Lâm nổi tiếng, mà còn để lại
“tai tiếng” cho các nhà quản lý, mang tiếng xấu rằng họ không có tâm với lịch
sử, với tín ngưỡng dân tộc.
Ông Cao Văn Bê - hội trưởng Hội người cao tuổi thôn Cam Thịnh - nói về cái khó
của dân làng khi ngôi đình gắn bó lâu nay với mình đang “lâm nạn”: “Dân làng
chúng tôi đều rất bức xúc, rất lo lắng vì đình xuống cấp nghiêm trọng, rất nguy
hiểm cho người dân.
Dân chúng tôi không thể không ra đình lễ thánh vì đó là nhu
cầu tín ngưỡng tâm linh từ đời cha ông xưa truyền lại, nhưng chúng tôi cũng
không thể tự sửa đình vì đình là di tích cấp thành phố, lại nằm trong quần thể
di tích cấp quốc gia nữa, trùng tu sai là vi phạm pháp luật. Chúng tôi tha thiết
mong các cấp chính quyền và các ban ngành có liên quan nhanh chóng trùng tu đình
làng để giữ an toàn cho dân”.
“Nói thẳng ra là chống sập”
Đình làng Cam Thịnh hiện nay vẫn còn những di vật quý giá như những tấm bia đá,
cỗ ngai, kiệu gỗ, câu đối, chữ thờ hay những kiến trúc có từ thế kỷ 17. Đình có
ba gian lớn và hậu cung. Gian giữa của đình thờ thành hoàng, gian bên trái đặt
tấm bia đá cổ, gian bên phải thờ nhân thần - người có công giúp dân làng giữ đất
và lập ấp Cam Thịnh như ngày nay.
Trước tình trạng đình làng xuống cấp, từ đầu năm 2012 ban quản lý di tích làng
cổ Đường Lâm cùng với dân làng Cam Thịnh đưa ra giải pháp tạm thời là dùng các
cột chống và đóng những mảnh ván gỗ để chống đỡ.
Ông Phạm Hùng Sơn, trưởng ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, nói: “Chúng tôi
đã vận động người dân, ban quản lý và đơn vị tư vấn trùng tu đã hỗ trợ dân 10
triệu đồng để chống sập. Nói thẳng ra là chống sập vì hiện nay có một số cấu
kiện đã sập hẳn xuống nền đình rồi. Khi chưa có dự án trùng tu thì phải vận động
người dân tự chống sập một số cấu kiện để không làm ảnh hưởng đến tính mạng của
dân và du khách”.
Theo Tuổi Trẻ