Đã tái bản và hiệu đính, bản dịch Lolita của dịch giả Dương Tường vừa được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng về dịch thuật của năm 2012. Tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột của nhà văn Hồ Anh Thái chiến thắng ở hạng mục văn xuôi.


Trong số 5 tác phẩm đoạt giải của Hội Nhà văn Hà Nội 2012, có đến bốn tác phẩm giành được số phiếu tuyệt đối 9/9. Đó là: Tiểu thuyết Lolita (Vladimir Nabokov - Dương Tường dịch) ở hạng mục dịch thuật; Buổi câu hờ hững (Nguyễn Bình Phương) đoạt giải ở hạng mục thơ; Tập tư liệu văn học Dĩ vãng phía trước (Ngô Thảo) đoạt giải ở hạng mục phê bình và Xem đêm (nhà thơ quá cố Phùng Cung) - giải thành tựu về thơ.

Duy nhất tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột của nhà văn Hồ Anh Thái, đoạt giải hạng mục văn xuôi, giành được 8/9 phiếu.

Giải thưởng “đúng phong cách”


Theo dịch giả Đoàn Tử Huyến, Chủ tịch Hội đồng dịch của Hội Nhà văn Hà Nội: Giải năm nay theo đúng “phong cách” của Hội lâu nay là vinh danh những tác giả, tác phẩm đáng chú ý, gây tranh cãi hoặc có vấn đề gai góc. Gây tranh cãi nhất trong những tác phẩm được giải là bản dịch tiểu thuyết Lolita của Dương Tường.

Một cái tên đáng chú ý khác trong danh sách đoạt giải là Nguyễn Bình Phương, nhà thơ vẫn được coi là “nằm ngoài luồng chính thống”. Cuốn tiểu thuyết mới nhất của anh in ở Mỹ: Xe lên xe xuống, không nằm trong phạm vi xét giải của các hội văn học ở Việt Nam. Giải Hội Nhà văn Hà Nội trao cho Nguyễn Bình Phương lần này không phải cho một tác phẩm văn xuôi mà là thơ, tập Buổi câu hờ hững.

Việc Hội trao giải cho Phùng Cung, nhà thơ của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, tiếp tục là một sự công nhận đối với văn chương thời kỳ này. Nhà thơ Phùng Cung từng chịu mười mấy năm tù giam vì truyện ngắn Con ngựa già của Chúa Trịnh đăng trên báo Nhân Văn năm 1956. Ông mất năm 1997. Hồi tháng 6/2012, tập thơ Xem đêm của Phùng Cung được tổ chức ra mắt tại Hà Nội.

Năm ngoái, Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng văn học năm 2011 cho tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn của nhà văn Trần Dần, một thành viên của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm.

Sự công nhận dành cho Lolita

“Giải thưởng cho Lolita là đã rõ, rõ ở giá trị của tác phẩm, cả bản gốc và bản dịch. Tôi nghĩ không phải nói thêm nhiều nữa”, dịch giả Đoàn Tử Huyến nói với TT&VH. Việc Lolita, cũng như ba tác phẩm khác trong danh sách đoạt giải, đều đạt số phiếu tuyệt đối 9/9 thể hiện sự đồng thuận của ban chấm giải về chất lượng bản dịch này.

Còn với nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, việc trao giải cho Lolita thể hiện chính kiến của Hội Nhà văn Hà Nội về bản dịch. Ông nhận định: “Đây là tác phẩm lớn, cả về giá trị và độ khó. Tất nhiên là gây tranh cãi, ngay từ câu đầu “dòng kẻ chấm”. Khi chấm giải chúng tôi đã thảo luận kỹ về những sai sót, không phải những lỗi sai làm méo mó sai lệch tác phẩm, mà là những sai khác thuộc về quan niệm dịch. Không bao giờ có bản dịch toàn bích. Sai khác ngôn ngữ là một hàng rào không bao giờ vượt qua được. Không có trường hợp bản gốc và bản dịch trùng khớp nhau 100%”.

Xét tổng thể, theo Hội Nhà văn Hà Nội, Lolita bản tiếng Việt là một kết quả lao động công phu (trong vòng hai năm) và có chất lượng tốt của dịch giả Dương Tường. Bản dịch đưa ra xét giải không phải là bản đầu tiên mà là bản mới nhất, đã có hiệu đính của Công ty sách Nhã Nam.

SBC là săn bắt chuột: Chiến thắng và… tiếc nuối

Theo tiết lộ của dịch giả Đoàn Tử Huyến, đáng ra SBC là săn bắt chuột cũng giành một chiến thắng tuyệt đối nếu một thành viên trong hội đồng chấm giải không bỏ phiếu cho tập truyện ngắn Lãng du của Tạ Duy Anh. Về sau, khi công bố giải, khi nghe các thành viên khác trong hội đồng phân tích, thành viên này đã thấy thuyết phục và tỏ ra tiếc nuối vì không bầu cho SBC là săn bắt chuột.

Hơn nữa, tiểu thuyết vẫn là thể loại chủ lực của văn xuôi, nên hai tập truyện ngắn của Tạ Duy Anh và Nguyễn Thị Thu Huệ (đứng thứ hai và ba trong hạng mục văn xuôi) không có lợi thế khi xét giải, dù chất lượng tác phẩm vẫn là tiêu chí tiên quyết.

Hội Nhà văn Hà Nội đánh giá cao cuốn tiểu thuyết mới của Hồ Anh Thái ở những tìm tòi, đổi mới trong cách viết, bút pháp của nhà văn; đặc biệt là khả năng cập nhật và phản ánh hiện thực đời sống - một tiêu chí mà Hội luôn rất coi trọng. Đồng thời, tác phẩm còn mang tính triết học.

Nếu xét theo “tiêu chí” ngầm là “gây tranh cãi” thì SBC là săn bắt chuột cũng từng gây một sóng gió nho nhỏ, đó là bài phê bình của dịch giả Cao Việt Dũng vào năm ngoái. Dịch giả nhận định, cuốn sách là “tập hợp tiểu phẩm mắc chứng đùa dai và cũng không mấy hài hước”, với cách xây dựng nhân vật dựa trên nguyên mẫu ngoài đời hơi quá đà. Nói là “nho nhỏ”, vì sau bài viết có quan điểm thú vị này, không có ý kiến phản hồi đích đáng nào để tạo nên cuộc tranh luận sôi nổi cho làng văn.

Theo TT&VH