- Việc phát triển kiểu dáng sách nhỏ gọn, tiện dụng với chi phí thấp không được chú trọng tại Việt Nam, trong khi đó nhiều NXB lại thích phát hành các loại sách "gáy to, bìa cứng".


Câu hỏi của TS Phạm Xuân Thạch, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra trong Hội thảo khoa học "Văn hóa đọc và Ngày hội đọc sách" (08/10 tại Hà Nội) gây nhức nhối cho những người quan tâm: "Trong khi ở các nước phương Tây, điển hình là tại Pháp, họ phát triển rất mạnh loại "sách bỏ túi", kể cả sách nghiên cứu, từ điển... thì ở một nước vẫn còn nghèo như Việt Nam dường như loại có khuynh hướng "gáy to, bìa cứng" hóa mọi loại sách. Tại sao các NXB không nghĩ tới phát triển loại sách bỏ túi cho người nghèo?".

Máy tự động bán sách bỏ túi tại Pháp, ra đời năm 2005

Nhỏ gọn hơn và nhất là rẻ tiền hơn, sách bỏ túi ra đời cách nay 50 năm đã làm thay đổi thói quen đọc sách của con người...

Sách bỏ túi là một trong những phát minh đã làm thay đổi cuộc sống. Các ưu điểm về sách bỏ túi đã được chia sẻ rộng rãi trên thế giới. Ra đời lần đầu tiên tại Mỹ nhờ một sự tình cờ, sách bỏ túi phát triển mạnh mẽ tại Pháp. Giá cả năm1953 tại Pháp cho biết, một quyển sách bỏ túi rẻ hơn cùng loại gấp 6 lần.  Từ 1.000 franc, sách bỏ túi chỉ còn 150 franc - tương đương một tờ tạp chí. Sách bỏ túi cũng có thể cạnh tranh mạnh mẽ với sách điện tử mà đảm bảo cảm xúc tự nhiên với cuốn sách trong việc cầm, chạm... Năm 2005, công ty Maxi-Livres (Pháp) với tiêu chí “đưa sách đến tay mọi người” đã đặt tại Paris những chiếc máy bán sách bỏ túi tự động, hoạt động 24/24 giờ.

Tại Việt Nam hiện nay, nổi lên mới chỉ có Alpha Book đã và đang tiến hành làm sách bỏ túi. Nó chưa phải là một phong trào được lan rộng và được người dân biết đến, với đa dạng thể loại sách cần thiết. TS Phạm Xuân Thạch cho biết: "Sách tạo nên một sự dân chủ mang tính nhân bản. Đó là con đường "rẻ tiền" nhất để đưa một hàm lượng văn hóa lớn nhất đến với một đại bộ phận công chúng. Nó không chấp nhận khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, xóa nhòa những chênh lệch về mức sống trong xã hội khi mà một người có thu nhập cao và một người có thu nhập thấp cũng có cơ hội như nhau trước sách. Tất nhiên, đó là trong điều kiện lý tưởng, khi ít nhất cuộc mưu sinh còn cho phép người ta đọc sách"

Tuy nhiên, ngay cả khi cuộc mưu sinh cho phép người ta đọc sách, thì liệu sẽ có bao nhiêu % bạn đọc chọn các loại sách có khả năng phát triển trí tuệ, nâng cao dân trí? Thăm dò bạn đọc năm 2009 của báo Lao động cho thấy kết quả lựa chọn như sau: truyện tranh 60%, truyện ngắn 50%, truyện dịch 35%, tiểu thuyết 30%, thơ 20%". Mà số liệu thăm dò từ bạn đọc của một tờ báo đã là đối tượng có quan tâm đến sự "đọc" so với phần đông dân chúng.

Phần đông người dân đang tiếp cận với sách báo như thế nào? Bản chất của thị trường sách Việt Nam ra sao?

Để trả lời được chính xác câu hỏi này, những người quan tâm cần được biết các số lượng thống kê cụ thể để tìm hiểu bản chất về thị trường sách Việt Nam.

"Trong mảng sách văn hóa - xã hội, thì loại sách văn hóa phổ thông lại chiếm tới 55% và loại sách văn hóa dân gian, tâm linh... chiếm tới 27%. Vậy trong sự tăng trưởng của mảng sách này, bao nhiêu % là nhờ các loại sách tử vi, tướng số, phong thủy, truyện vụ án "chế biến" lại từ các báo?"

"Nguồn thông tin của Tổng Cục thống kê còn quá sơ sài. Nó không  cung cấp một thông tin gì thuyết minh về phương pháp tiến hành thống kê và điều này gây khó khăn rất lớn cho người làm việc "đọc" số liệu. Đó là chưa kể đế việc cách phân loại của nó cũng có vấn đề. Một ví dụ: Tổng cục thống kê phân loại sách thành bốn loại chính gồm "sách giáo khoa", "sách khoa học xã hội", "sách kĩ thuật", "sách thiếu nhi" và "sách văn học". Trong khi đó, báo cáo của Cục xuất bản phân loại thành sáu loại lớn gồm "sách chính trị, pháp luật", "sách văn hóa-xã hội, nghệ thuật, tôn giáo", "sách văn học" (cả văn học VN và văn học dịch), "sách khoa học kĩ thuật, kinh tế", "sách giáo khoa, giáo trình tham khảo và từ điển", "sách thiếu niên nhi đồng".

Bên cạnh đó, các con số không cho thấy sự khác biệt về sức tiêu thụ sách mới ở các nhóm cư dân khác nhau. Các chỉ số về chi tiêu của người dân cũng không hề biết về tỉ lệ chi tiêu dành cho sách trong tổng lượng chi tiêu của người dân thuộc những nhóm xã hội khác nhau." - Tiến sĩ Phạm Xuân Thạch phát biểu.

Hồ Hương Giang