- Nhiều ý kiến gửi về VietNamNet bày tỏ quan điểm quanh câu chuyện phê bình phim của báo chí truyền thông hiện nay.
Phim dở nương tay, phim hay viết chưa tới
Ca sĩ Đức Tuấn, người thường có mặt trong các buổi công chiếu phim tại TP.HCM.
Ca sĩ Đức Tuấn: Thú thực là tôi ít khi đọc bình phim trên báo. Đa số các bộ phim tôi đi xem vào ngày ra mắt tại VN và cũng viết nhiều nhận xét về phim. Tôi cũng không biết phải nói về chuyện này thế nào, cũng hơi khó. Nhưng tôi nghĩ, để làm một người phê bình phim giỏi cần phải có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, có nghiên cứu sâu về ngôn ngữ điện ảnh, bởi những gì trên màn ảnh đôi khi thấy vậy mà không phải vậy.
Tôi thấy phê bình phim trên báo chí mình hiện thiên lệch rất nhiều. Phim dở thì nương tay, phim hay thì viết chưa tới. Tôi thấy các bài viết chỉ nên gọi là điểm phim hơn là phê bình, toàn viết kiểu khen chê chung chung, chạm nhẹ vấn đề, nếu có nói thì cũng nói nhẹ nhàng lắm. Đôi khi lại nói không đúng. Nhìn chung báo chí khen chê cũng không ảnh hưởng đến quan điểm của tôi về bộ phim.
Minh Khoa, 12/19 Hoàng Hoa Thám, Bình Thạnh, TP.HCM: Là một người quan tâm đến điện ảnh Việt, tôi rất chú ý đến các bài bình phim kể cả trước và sau khi coi phim về. Tôi muốn biết bộ phim đó được công chúng đón nhận như thế nào, quan điểm của mình có được nhiều người chia sẻ hay không...
Tuy nhiên, với sự bùng nổ của báo mạng và các trang tin điện tử, các diễn dàn điện ảnh..., lượng bài bình luận mỗi khi phim ra mắt tăng vọt, buộc tôi phải đọc một cách có chọn lọc, bởi nếu không, tôi sẽ dễ dàng bị cuốn vào vòng xoáy của những nhận định thiếu chính xác, bao gồm những bài bình mang tính chất dập vùi, hay ngược lại, những bài viết đậm chất PR.
“Scandal, bộ phim đề cập mặt trái của giới truyền thông giải trí và mạng xã hội.
Phê bình kiểu “hóng” dư luận
Tôi để ý, thành phần dự buổi họp báo phim có thể chia làm các nhóm: nhóm “lão làng” gồm một số những phóng viên ít nhiều được biết đến trong báo giới, có thể tác động đến dư luận bằng cách tung ra một vài comment “nóng”, tùy theo ý đồ của họ. Ở phía bên kia là nhóm mới vào nghề, khả năng phân tích, cảm nhận phim còn hạn chế nên sẵn sàng nghe ngóng phản ứng sơ bộ để về nương theo đó mà viết cho khỏi “lạc điệu”. Điều này rất nguy hiểm, bởi chỉ cần phe “lão làng” nghiêng theo chiều nào thì sẽ có không ít những bài ngả theo chiều đó.
Cũng có một số không nhỏ chọn hướng “chê” cho an toàn. Tuy nhiên, bài viết của họ lại thiếu những dẫn chứng cụ thể mà chỉ cố gắng gây ấn tượng bằng tính từ thật mạnh theo kiểu “lấy thịt đè người”. Nhiều người khi viết lại cố tình khoe kiến thức bằng cách dùng những từ chuyên môn đặc tả kỹ thuật làm phim cùng những nhận xét có vẻ mơ hồ, cao siêu, gây khó hiểu cho khán giả.
Một lỗi mà không ít phóng viên, kể cả kỳ cựu, mắc phải trong quá trình bình phim là vô tình tiết lộ những tình tiết quan trọng trong phim. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những bộ phim ly kỳ, chứa đựng những bí mật chỉ được mở ra vào phút cuối, chẳng hạn như Giao lộ định mệnh, Scandal... Một khi bí mật bị lộ, phim sẽ mất hẳn sự hấp dẫn, bất ngờ mà NSX mong muốn chuyển đến khán giả. Mặc dù trong các buổi họp báo, nhà sản xuất luôn lưu ý phóng viên nhưng không phải ai cũng tránh được lỗi này.
Cuối cùng, một kiểu bình phim khá “nhạt” và cũ thường gặp là kể tóm tắt lại phim rồi thêm dăm ba câu bình luận về nội dung, diễn xuất...
Với tôi, một bài bình phim được gọi là hay khi nó thể hiện được sự am hiểu của người viết từ cấu trúc phim cho đến những tình tiết nhỏ. Những nhận xét đưa ra cần mang tính khái quát, nhưng đòi hỏi dẫn chứng cụ thể chứ không phải theo chiều ngược lại. Người viết dù nhìn bộ phim theo hướng tích cực hay tiêu cực cũng nên viết bằng cái tâm, bằng cảm nhận của chính mình chứ không chịu sự tác động từ bên ngoài.
Phim hay vì người viết…“thân” với nhà sản xuất?
Với những phim nhảm như Em hiền như ma sơ, Hello cô Ba, Nàng men chàng bóng…, liệu báo có thể thuyết phục khán giả tin là nó hay?
Thu Anh, đường Hoa Lan, Q.Phú Nhuận, TP.HCM: Tết năm 2012, sau ngày nghỉ lễ, quay lại thành phố vào đúng dịp cuối tuần, nhóm chúng tôi quyết định đi xem phim. Cả nhóm lưỡng lự khi đứng trước quầy vé với đủ thông tin về các phim quốc tế lẫn quốc nội đang có lịch công chiếu. Do tin tưởng vào cây bút chuyên bình phim trên một tờ nhật báo lớn, bạn tôi tên Quốc là dân truyền thông chuyên nghiệp nên tư vấn cho cả nhóm chọn bộ phim VN đang được PR rầm rộ vào thời điểm đó là “Hello cô Ba”. Cả nhóm mỗi đứa móc 100 ngàn mua vé mà cứ nghĩ sẽ có được những trận cười sảng khoái, hả hê khi mà danh hài Hoài Linh đảm nhận vai chính đầy vui nhộn như tấm poster thể hiện Hoài Linh trong hóa trang “gợi cảm” giống như nữ diễn viên huyền thoại người Mỹ Marilyn Moroe. Phòng chiếu khá đông, ngoài người lớn còn có khoảng 20 em bé cùng theo phụ huynh vào rạp.
Niềm vui chưa tìm thấy đâu thì nụ cười đã bị dập tắt bởi hành vi của nhân vật trên màn hình càng lúc càng thô bỉ, cường điệu thái quá với hàng chục tình huống thọc lét không thể cười nổi. Một phụ huynh bức xúc lên tiếng: “Phim như tấu hài tào lao thế à”, rồi lặng lẽ dắt con ra khỏi rạp. Hiệu ứng dây chuyền khiến nhiều người cũng dắt con về theo. Nhóm chúng tôi cũng ngán ngẩm nhưng Quốc níu kéo: “Không sao đâu, có mấy đoạn Hoài Linh diễn xuất thần, nhân văn lắm. Tay bình phim khẳng định chắc nịch trên báo số ra chủ nhật vừa rồi mà”. Cả nhóm lại cố chịu đựng, để rồi khi thấy Hoài Linh trong vai “bóng cô” Marilyn Monroe hầu đồng thì cả nhóm mất hết kiên nhẫn, đồng loạt rời ghế. Tiếc nuối mất tiền một thì tức giận vì bị lừa gạt bởi tay viết phê bình mười. Quốc phải bù cả nhóm một bữa ăn và tuyên bố “không bao giờ tin tay phê bình của báo này nữa”.
Bộ phim thảm họa mà viết như nó đáng đi trên thảm đỏ. Mãi sau này, tôi mới thấy có bài báo phê thẳng phim là “thảm họa điện ảnh”. Nhưng dù sao, bộ phim cũng đã kịp moi tiền của khán giả nhờ có đội ngũ “bình loạn” đang ngày một nhiều hơn, sẵn sàng bẻ cong ngòi bút để góp sức cùng nhà sản xuất “cứu” bộ phim bằng mọi giá. Bình phim kiểu đó thật bằng mười hại nhau, khiến thị trường điện ảnh VN vốn đã eo sèo nay lại thêm những trò lừa dối, gạt khán giả trắng trợn như thế.
Khải Trí ghi