TIN BÀI KHÁC
Xem ảnh ca sĩ Mỹ Linh thời bé
Bộ sưu tập "đồ hiếm" có một không hai
Hoa hậu Ấn Độ bị sát hại
Phim kinh dị "Paranormal Activity" lọt cửa kiểm duyệt Việt Nam
Phim đua giải Oscar xuất hiện sớm tại VN
Phát khóc vì truyện tranh cổ tích
Bộ sưu tập "đồ hiếm" có một không hai
Hoa hậu Ấn Độ bị sát hại
Phim kinh dị "Paranormal Activity" lọt cửa kiểm duyệt Việt Nam
Phim đua giải Oscar xuất hiện sớm tại VN
Phát khóc vì truyện tranh cổ tích
"Người tình của phu nhân Chatterley" được D.H.Lawerence viết và in ở Florence (Italia), đến năm 1960 mới được in lại ở Anh - quê hương của tác giả. Cuốn truyện thuật lại chuyện yêu đương nồng cháy của phu nhân Constance Chatterley - một phụ nữ thượng lưu với Parkin - một người gác rừng. Chính vì chuyện chênh lệch địa vị xã hội và những trang "phanh phui cuộc sống" một cách "cởi mở"… nên khi vừa in ra, sách đã gặp rắc rối, thậm chí bị đưa ra tòa. Các luật sư đã liên lạc với những nhân vật có tiếng, gồm nhiều nhà văn, triết gia, thậm chí cả giáo hội- với hy vọng họ sẽ cùng nói rằng "Người tình của phu nhân Chatterley" không hề tục tĩu…
Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng gây tranh luận một thời đó vừa được dịch ra tiếng Việt. Sách do dịch giả Hồ Anh Quang chuyển ngữ, NXB Hội Nhà văn phối hợp với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt ấn hành.
Đọc bản dịch, tôi chưa kịp vui đã… buồn và giận! Ai từng đọc nguyên tác, đối chiếu với bản dịch thấy có nhiều "hạt sạn", thiếu sót đáng tiếc.
Trước tiên là do không nắm kỹ tác phẩm, không hiểu câu tiếng Anh nên dịch giả đã để lọt những câu dịch sai nghiêm trọng.
Ngay đầu Chương 1, có câu dịch giả Hồ Anh Quang dịch: "Sau đấy anh trở lại Flandres; Để rồi sáu tháng sau lên thuyền đến với nước Anh, nhiều hay ít". Câu nguyên văn: "Then he went back to Flanders: to be shipped over to England again six months later, more or less in bits". Theo nội dung truyện, sau khi anh lính Clifford về phép, lấy Constance đã quay trở lại mặt trận ở Flanders - một vùng giữa Bỉ, Pháp và Hà Lan cận đại. Anh bị thương, người gần như nát ra thành mảnh vụn (more or less in bits. Bit: mảnh, mẩu). Vậy dịch đúng phải là: "Rồi anh quay lại Flanders: để lên thuyền về lại nước Anh sáu tháng sau, người gần như nát thành mảnh vụn". Chứ câu: "đến với nước Anh, nhiều hay ít" là cái gì? Câu dịch như vậy vừa sai vừa vô nghĩa.
Câu "Những năm tháng bị giam cầm của anh thật kỳ diệu" (trang 7) Nguyên bản là: "His hold on life was marvellous". Dịch đúng là: "Việc níu lại cuộc sống của anh thật kỳ diệu". Clifford bị thương, người gần như nát thành mảnh vụn mà níu lại được cuộc sống nên là chuyện kỳ diệu, chứ làm gì anh có bị giam cầm bao giờ đâu!
Tiếp sau, dịch giả Hồ Anh Quang dịch: "Anh không chết và rồi dường như những sự kiện vặt vãnh trong cuộc đời dần dà trở thành những sự kiện quan trọng" (trang 8). Nguyên văn là: "He didn't die, and the bits seemed to grow together again…". Dịch đúng là: "Anh không chết, và những vết thương vụn như liền lại với nhau". Không ở đâu có chi tiết "những sự kiện vặt vãnh trong cuộc đời…", cũng như "trở thành những sự kiện quan trọng". Dịch mà không nắm được tác phẩm cứ phỏng đoán, "bịa" ra như vậy thì rất nguy hại cho tác phẩm .
Đôi khi thêm thắt không hay gì thêm mà thành tục tĩu nữa, chẳng hạn câu Hồ Anh Quang dịch: "Và rồi khi cơn gió thốc tới, ngôi nhà tràn ngập mùi lưu huỳnh hôi thối nồng nặc tỏa ra từ những đám cháy thiêu đốt thứ nguyên liệu cứt đái của đất mẹ". Trong khi nguyên văn đơn giản là: "And when the wind was that way, which was often, the house was full of the stench of this sulphurous combustion of the earth's excrement". Dịch đúng: "Và thường khi gió thốc tới ngôi nhà nồng nặc mùi hôi thối của quá trình đốt cháy lưu huỳnh chất thải của đất đó".
Nhiều câu dịch sai, có thể do dịch giả tra từ điển nhưng không lĩnh hội được tác phẩm, không lựa được ý đúng mà thành dịch "bịa". Chẳng hạn câu dịch giả Hồ Anh Quang dịch: "Ngay cả những ngày Giáng sinh đến gần, mùi vị hổ lốn bẩn thỉu vẫn dai dẳng đeo bám, thật lạ kỳ, hệt như chút lộc thánh đen tối đến từ những thiên đường bạc bẽo, bất hạnh" (trang 22). Nguyên văn: "And even on the Christmas roses the smuts settled persistently, incredible, like black manna from the skies of doom". Dịch đúng là: "Và ngay cả trên hoa hồng Giáng sinh những bụi than đậu dai dẳng, không thể tin được, như dịch đen trút từ bầu trời tận thế".
Câu này cũng chứng tỏ dịch giả không hiểu tiếng Anh: "Cô ngồi xuống chiếc ghế gỗ kê trên vạt nắng rơi cạnh cửa ra vào" (trang 260). Nguyên văn: "She sat down on a wooden chair, in the sunlight by the door". Dịch đúng: "Cô ngồi xuống chiếc ghế gỗ, trong ánh nắng ở cửa ra vào". Hay là dịch giả Hồ Anh Quang cho là "dịch" thế mới toát lên được sự "sáng tạo" của Lawrence "ghế gỗ kê trên… vạt nắng"?.
Và ở đỉnh cao hơn của… dịch bịa có lẽ là câu này. Tác giả Lawrence viết khi Chatterley đến với người tình: "Đó không phải là tâm trạng phù hợp với một cuộc hẹn hò tình yêu. Nhưng cứ lao vào như lao vào cuộc chiến" (tác giả dùng một câu tiếng Pháp: "But a la guerre comme à la guerre"). Vậy mà người dịch chuyển ngữ thành: "Đấy không phải là trái tim của một người đàn bà đang tìm đường đến với người tình trong cuộc hẹn hò bí mật. Chỉ là vấn đề mọi người đều bình đẳng trong tình yêu và chiến tranh mà thôi" (trang 303).
Trời đất!
Nhiều cụm từ, từ ngữ khá đơn giản bị dịch sai tai hại, lạ lùng: "the substantial and vital world" bị dịch là: "thế giới sự sống và tầm quan trọng" (trang 35), trong khi đúng ra phải là: "cuộc đời thực và quan trọng". Động từ đơn giản "said in a hallow tone" cũng bị dịch sai thành "một tiếng hét trống rỗng vang lên". Đúng ra là: "Anh rền rĩ nói", đặc biệt lại trong ngữ cảnh Clifford vừa nhận được lá thư Connie đặt vấn đề yêu cầu anh ly dị, sao lại hét. Và thế nào là "hét trống rỗng"? Rồi động từ đơn giản nữa là "gaze - nhìn chằm chằm" lại bị dịch là "quay đầu". Tính từ "blank - thất thần" cũng bị dịch thành "trống rỗng" như chữ "hallow" ở trên. "Khuôn mặt anh trở nên vàng nhợt, trống rỗng"(tr 449). Nguyên văn: " His face was yellow, blank". Vậy theo dịch giả Hồ Anh Quang, tiếng nói rền rĩ "hallow tone" dịch là "trống rỗng" rồi khuôn mặt thất thần "face blank" cũng dịch là "trống rỗng" cả. Tùy tiện đến thế là cùng.
Cách dịch "phỏng đoán" hoặc không nắm được nghĩa do trình độ hạn chế đã được thể hiện ở nhiều chương. Trong khuôn khổ một bài báo, tôi không thể "nhặt cỏ" hết được.
Được biết, trong cùng năm, Nhà xuất bản cho ra một bản dịch nữa tác phẩm của D.H. Lawrence "Người đàn bà đang yêu", cũng do "dịch giả" Hồ Anh Quang dịch. Tác giả Mai Vinh Huy đã nhặt ra "vô thiên lủng lỗi" trong bài "Bản dịch Người đàn bà đang yêu - đọc là thấy lỗi" đăng trên mạng Inlook.vn. Tác giả bài viết kết luận: "Chúng ta không thể tiếp cận một di sản văn chương vĩ đại bằng một bản dịch tệ hại kiểu này. Và người Anh sẽ nghĩ thế nào khi biết một bản dịch tiếng Việt tác phẩm của D. H. Lawrence thật ra là một vụ làm ăn gian dối"
Theo CAND