Hàng loạt phim truyền hình nước ngoài trình chiếu trên sóng truyền hình đã đưa khán giả vào thế "xem trong mệt mỏi" vì số tập phim quá nhiều và tình tiết lê thê rê dắt dây cà ra dây muống đến sốt ruột.

TIN BÀI KHÁC

Hai năm trước đây, các phim truyền hình Việt hóa từ phim nước ngoài có độ dài lên đến hàng trăm tập đã bị khán giả phản ứng mạnh vì sự dài dòng, thậm chí có phim bị cắt sóng. Ðến nay, các nhà làm phim truyền hình VN đã rút kinh nghiệm để số lượng thường rơi vào khoảng 30 tập, nhưng đổi lại sóng truyền hình từ Bắc vào Nam lại bị các phim truyền hình nước ngoài dài hàng trăm tập (chủ yếu là phim Ðài Loan, Hàn Quốc) chiếm giữ từ tháng này qua tháng khác.

Phim hàng trăm tập đang “chiếm đóng dài hạn” trên nhiều kênh truyền hình

"Chiếm đóng dài hạn"

Có thể đơn cử những phim như Bằng chứng ngoại tình (Hàn Quốc, 110 tập, phát trên VTV3 - Ðài truyền hình VN), Chốn hậu cung (Hàn Quốc, 225 tập, đang phát trên VTV3), Khi người ta yêu (Ðài Loan, 386 tập, vừa kết thúc không lâu, phát trên Truyền hình Vĩnh Long 1), Ðời sống chợ đêm (Ðài Loan, bản gốc lên đến 410 tập, hiện đang phát sóng trên Ðài truyền hình Vĩnh Long), Ba chị em (Hàn Quốc, 123 tập) và Hãy cười lên nào (Hàn Quốc, 121 tập, đều đang phát trên kênh HTVC - Gia đình, truyền hình cáp TP.HCM)...

Với thời gian biểu chiếu phim hiện nay trên các đài mỗi tuần khoảng năm tập, rõ ràng có thể thấy những bộ phim dài hàng trăm tập này chiếm sóng ít nhất từ nửa năm đến hàng năm trời, thậm chí có phim đến một năm rưỡi! Có nhiều khán giả bận rộn mà đến giờ rảnh rỗi có thể xem phim nhưng cứ bật tivi lên là bị các phim mình không ưa chiếm đóng dài hạn. Mà toàn cái kiểu phim dây cà ra dây muống, còn có cái bực nào hơn!

Không quá khó để nhận thấy đặc điểm chung của những phim "cà muống" dài hàng trăm tập của châu Á là lê thê. Cấu trúc phổ biến của kịch bản thường là một câu chuyện về quan hệ dicdăc trong hai đến ba gia đình làm hạt nhân, rồi từ đó phát triển thêm, dài ra mãi trong những quan hệ đời trước - đời sau, quan hệ với người bên ngoài - dâu rể, bạn bè và ân oán tình thù cứ thế mà... rê dắt. Như Ðời sống chợ đêm có đến 12 gia đình được nhắc đến trong phim.

 Khi người ta yêu cũng không kém cạnh khi ân oán giữa hai gia đình chính bị kéo ra thành quan hệ của những người có liên can đến gần như... bất tận!

Chốn hậu cung là câu chuyện mang bối cảnh cung đình nên cấu trúc khác với những phim hiện đại nhưng thủ thuật để phát triển câu chuyện cũng gần giống: triển khai tận cùng những chi tiết nhỏ nhặt nhất và đừng quên kéo dài nó. Một khán giả đã than thở trên Webtretho là ở tập 68, nhà vua biết Trung Ðiện mang thai, thế mà đến tập 108 vẫn còn lòng vòng chuyện thai thật hay thai giả (!). Câu chuyện của phim vốn hấp dẫn nhưng do bị rê dắt lê thê quá đỗi nên người xem dễ cảm thấy sốt hết cả ruột và mệt mỏi khi phải chờ đợi xem diễn biến tiếp theo như thế nào, kết cục ra sao.

Những câu thoại đẩy đưa, quá nhiều tình huống câu giờ, nhiều hình ảnh thừa thãi và nhịp phim bị kéo chậm lại để nhấn nhá dai dẳng cho các diễn biến chính là những điểm yếu phổ biến của phim quá dài tập hiện nay.

Cần gạn đục khơi trong

Công bằng mà nói, không phải phim (quá) dài tập nào cũng lê thê và làm sốt ruột người xem. Những bộ phim truyền hình dài tập đã được phát trên sóng truyền hình thời gian qua như Nàng Dae Jang Geum, Vượt ngục, Bí danh... đều để lại ấn tượng tốt với khán giả và vẫn khiến người xem dán mắt vào màn ảnh nhỏ mỗi đêm. Kênh Gia đình của truyền hình cáp TP.HCM đang phát lại Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên.

Bộ phim dài hơn 200 tập này đã chiếm cảm tình của hàng triệu khán giả màn ảnh nhỏ vào năm 1996 và đến nay lại khuấy động cảm xúc của một lớp khán giả mới vì tính nhân văn của tác phẩm và câu chuyện hấp dẫn với một mạch phim liền lạc, những tình tiết bất ngờ và thay đổi liên tục làm khán giả phải mê say theo dõi.

Nếu quan sát kỹ sẽ thấy rõ sự khác biệt của phim dài hàng trăm tập do châu Âu hay Mỹ sản xuất so với một số phim của châu Á, đặc biệt là Ðài Loan và Hàn Quốc. Rất nhiều phim dài hàng trăm tập của Mỹ được sản xuất trong thời gian rất dài, kịch bản thay đổi theo thời cuộc, câu chuyện lớn được chia ra thành từng phần nhưng mạch chuyện vẫn rành mạch, hợp logic và hiếm khi bỏ lỡ không xử lý rốt ráo những tình huống đã được khơi mào từ ban đầu mà Bí danh là một ví dụ.

Những loạt phim truyền hình có nhân vật thám tử hay thanh tra dài hàng trăm tập của châu Âu (kiểu như Vòi bạch tuộc) lại gây sốt vì mỗi tập/cụm tập có một câu chuyện khác nhau, ngoại trừ một vài diễn viên chính, còn lại đều là những diễn viên mới, gương mặt mới, câu chuyện mới nên không gây nhàm chán.

Lựa chọn những phim truyền hình hàng trăm tập nào hay, hấp dẫn để chiếu cho khán giả là trách nhiệm của nhà đài. Việc chọn hay không chọn, chiếu tiếp hay cắt sóng những bộ phim dài lê thê làm khán giả mệt mỏi đòi hỏi bản lĩnh của những người "giữ sóng".

Nếu chỉ vì tiện (duyệt một lần xong, khỏi lắt nhắt mệt mỏi) và lợi (rating không quá sụt giảm, quảng cáo vẫn có, hợp đồng với nhà cung cấp phim đã ký và hoàn tất) mà nhà đài không quan tâm đến cảm xúc của người xem thì rõ ràng cuối cùng thiệt thòi không chỉ thuộc về khán giả. Bởi lẽ quyền lực của người cầm remote lúc này có thể thể hiện bằng cách... đổi kênh. Tất nhiên, nếu mỗi kênh là một sự khác biệt phong phú, chứ không thì đổi đâu cũng vậy!

Theo Tuổi Tr