- Những người lãng mạn thì
thường thi vị hóa chiếc xe của mình bằng những tông màu xanh, hồng, tím... Các
bạn trẻ cá tính lại khoác lên cho xe những hình vẽ graffiti đầy màu sắc. Có
người thậm chí còn khảm trai hay dát vàng cho xế cưng của mình. Còn với những ai
có xu hướng sống nội tâm, hoài cổ, họ lại luôn tìm cách giữ cho chiếc xe của
mình ở tình trạng nguyên bản.
Giuseppe Messina chính thức trở thành phó chủ tịch CLB Vespa thế giới (VWC) vào năm 2006. Trong 6 năm tại vị, ông đã có cơ hội được đến với nhiều nơi trên thế giới, tiếp xúc với nhiều tín đồ của những "chú ong". Chính vì thế mà câu chuyện của ông về cộng đồng Vespa toàn cầu được kể trong một ngày Đà Lạt vào mùa dã quỳ lại càng thêm phần thú vị.
Tôi biết ở Việt Nam có nhiều CLB chơi Vespa, nhưng đây là lần đầu tiên được nghe đến một CLB quy mô thế giới. Vậy chức năng chính của Vespa World Club (VWC) là gì vậy?
VWC là một tổ chức phí lợi nhuận, hoạt động hoàn toàn dựa trên niềm đam mê với những "chú ong" của các vespisti (người chơi vespa) và không phụ thuộc vào bất cứ nguồn tài trợ nào từ bên ngoài.
Ngay từ năm 1946, ở Ý đã bắt đầu xuất hiện những CLB Vespa đầu tiên. Cho đến bây giờ, đã có hàng trăm CLB như vậy đang hoạt động tại quê hương tôi. Tôi biết phong trào chơi Vespa ở Việt Nam cũng tương tự. Chỉ có điều, các CLB ở Việt Nam thường sinh hoạt một cách riêng lẻ cứ không có một ban điều hành cấp quốc gia như ở nhiều nước khác. Là một CLB ở tầm thế giới, chúng tôi có nhiệm vụ kết nối tất cả các CLB như vậy lại với nhau.
Ngoài ra, chúng tôi còn đứng ra tổ chức ngày hội Vespa toàn cầu hàng năm để tạo cơ hội cho các Vespisti (tín đồ Vespa) đến từ khắp nơi trên thế giới được gặp gỡ, giao lưu, tham gia các hoạt động tập thể và cùng nhau diễu hành. Mọi người chỉ việc lên trang web của CLB để theo dõi lịch và đăng ký là có thể nhập cuộc.
Thực ra, những ngày hội như thế này đã bắt đầu được tổ chức từ khá lâu rồi. Theo tôi được biết thì vào năm 1951, đã có hơn 20.000 "chơi ong" từ khắp Châu Âu và Mỹ đổ về Italia để tham gia "Vespa day". Và cũng tính riêng ở quê hương của Vespa thì hàng năm cũng có khoảng 120 sự kiện lớn, nhỏ diễn ra.
Với tôi, từ khi nắm giữ chức vụ phó chủ tịch VWC, tôi đã góp mặt trong ngày hội Vespa vào các năm 2006 ở Turin - Ý, năm 2007 tại cộng hòa San Marino, năm 2008 ở Sicily - Ý và năm 2009 ở Áo. Sau đó, tôi tới Việt Nam làm việc và không còn cơ hội tham gia những ngày hội những năm gần đây nữa (2010 - Bồ Đào Nha, 2011 - Na Uy và 2012 - Anh).
Tôi còn nhớ, vào năm 2006 chúng tôi chỉ có thể tìm được địa điểm để đáp ứng cho khoảng 3000 người thôi. Nhưng số lượng đăng ký năm ấy lên tới 4000 người, và để làm sao cho mọi người có thể tham dự một cách thoải mái nhất thì đây thực sự là một bài toán khó giải với BTC. Tuy nhiên, sau khi giải quyết được phần nào vấn đề thì con số thực tế lại phát sinh lên tới 5000 người. Mặc dù vậy, tất cả đều tỏ ra vui vẻ và chẳng ai phàn nàn điều gì. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in cảnh tượng 5000 chiếc scooter đủ mọi màu sắc cùng đổ ra đường. Thật tuyệt vời!
Tôi có một số người bạn chơi Vespa và vẫn thấy họ nói với nhau về "văn hóa Vespa". Vậy theo ông, "văn hóa Vespa" là gì?
Theo tôi thì cái gọi là "văn hóa Vespa" còn tùy thuộc vào văn hóa riêng của từng quốc gia. Lấy ví dụ như ở Đức, nó biểu hiện ở tính cách cởi mở, phóng khoáng và ưa hoạt động. Mỗi khi có dịp gặp nhau, bên cạnh những câu chuyện về các "chú ong", các tín đồ Vespa ở đất nước này lại tranh thủ chơi thể thao và uống bia hàng giờ. Trong khi đó, ở Việt Nam lại khác. Họ đến với những sự kiện này chủ yếu để gặp gỡ, làm quen, tìm những người bạn mới và ca hát.
Thế còn ở nước Ý thì sao?
Ở nước Ý chúng tôi, Vespa dường như tượng trưng cho thời trang cũng như sự tự do, bay bổng vậy. Từng đôi nam thanh nữ tú đèo nhau trên những chiếc scooter dưới ánh nắng vàng rực rỡ, bỏ lại sau ồn ào thành phố và cùng hướng tới vùng biển Florence thơ mộng. Đó chính là nét "văn hóa Vespa" đặc trưng của người Ý.
Ngay cả bản thân tôi cũng vậy. Hồi trẻ, khi mới sở hữu "chú ong" đầu tiên, tôi cũng chỉ thích được đèo bạn gái vi vu khắp nơi khắp chốn. Duy chỉ có điều, hồi đấy ở Châu Âu, xe máy không được phép đi hai người. Thế nên tôi thường xuyên bị phạt, có hôm còn bị phạt mấy lần (Cười lớn).
Bạn biết không, đi Vespa ở Ý từng được liệt vào 1000 điều đáng làm nhất trên hành tinh này đấy.
Nhưng giữa họ chắc cũng phải có những điểm chung chứ?
À, chắc chắn là có chứ, đó là họ đều thích thể hiện cá tính của mình qua những chiếc scooter. Chí cần nhìn vào xe, chúng ta cũng có thể đoán được phần nào tính cách cũng như con người của chủ nhân. Ví dụ những người lãng mạn thì thường thi vị hóa chiếc xe của mình bằng những tông màu xanh, hồng, tím... Các bạn trẻ cá tính lại khoác lên cho xe những hình vẽ graffiti đầy màu sắc. Có người thậm chí còn khảm trai hay dát vàng cho xế cưng của mình. Còn với những ai có xu hướng sống nội tâm, hoài cổ, họ lại luôn tìm cách giữ cho chiếc xe của mình ở tình trạng nguyên bản.
Chẳng phải nói đâu xa, ngay ở Việt Nam thôi, nếu bạn chú ý một chút là cũng có thể tìm thấy những chiếc Vespa đã được cá tính hóa một cách công phu và đẹp mắt thong thả đi trên đường.
Theo ông, so với những năm trước đây thì phong trào chơi hiện nay Vespa có gì khác biệt?
Về cơ bản thì cũng không có gì khác biệt lớn. Duy chỉ có một thay đổi là hiện nay, người chơi Vespa không chỉ bị mê hoặc bởi dòng xe cổ như Acma, Standard, Super hay Sprint mà ngay cả những "chú ong" sau này cũng rất được quan tâm. Điều này có thể nhận thấy qua những buổi gặp gỡ gần đây của các vespsiti.
Có cơ hội được tiếp xúc với nhiều tín đồ của Vespa trên toàn thế giới, chắc hẳn một vài người trong số đó cũng để lại cho ông những ấn tượng đặc biệt?
Tất nhiên rồi! Trong bốn lần tham dự sự kiện "Vespa day", tôi đều bị ấn tượng bởi một anh chàng người Pháp. Không chỉ cá tính hóa chiếc xe của mình với những màu sắc rực rỡ mà bản thân anh ta cũng luôn xuất hiện một cách vô cùng nổi bật trong bộ trang phục của một chú hề. Và ở đâu có anh ta là ở đó người ta lại cười ngặt nghẽo. Một anh chàng rất vui tính và cũng đầy cá tính.
Năm ngoái, tôi có dịp góp mặt trong buổi giao lưu của CLB Vespa Hà Nội. Tại đây, tôi đã được gặp một vespasiti cũng rất "chất". Tôi không nhớ tên anh ta, chỉ nghe mọi người gọi anh ta với biệt danh là A Chảy. Để có mặt trong buổi giao lưu đó, A Chảy đã làm một điều mà có lẽ không nhiều người làm được. Đó là lái Vespa từ TP HCM ra Hà Nội.
Tuy nhiên, người đã để lại nhiều cảm xúc trong tôi nhất chính là Giorgio Bettinelli, một huyền thoại của dân chơi Vespa thế giới. Dù chỉ được gặp nhau một lần, nhưng những câu chuyện của người đàn ông từng rong ruổi khắp nơi trên thế giới bằng Vespa đã mang đến cho tôi rất nhiều cảm hứng trong cuộc sống.
Câu hỏi cuối cùng, liệu ông có dự định mang Vespa day đến Việt Nam chứ?Sau 3 năm làm việc tại Việt Nam, được tham dự những sự kiện của các CLB tại Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM và Đà Lạt, cảm nhận được tình cảm mà các bạn dành cho những "chú ong", tôi thật sự rất muốn mang "Vespa day" đến nơi đây. Mặc dù vậy, để tổ chức được sự kiện này còn đòi hỏi nhiều yếu tố. Thế nhưng, tôi nghĩ là không sớm thì muộn, những người yêu Vespa trên toàn thế giới sẽ có cơ hội được gặp nhau ở đây.
Giorgio Bettinelli (15/5/1955 - 16/9/2008), là một nhà báo, nhà văn, ca sĩ người Ý. Năm 1992, ông bắt đầu chuyến hành trình vòng quanh thế giới bằng Vespa đầu tiên của mình từ Roma đến Sài Gòn, kéo dài 9 tháng với quãng đường 24.000 km. Sau đó, những chuyến đi của ông cứ thế dài hơn và lâu hơn. Cụ thể, đó là Alaska đến Patagonia (9 tháng, 36.000 km), Melbourne tới Cape Town (1 năm, 52.000 km), Chile đi Tasmania (3 năm, 144.000 km). Cuộc đời phiêu bạt của huyền thoại Vespa được khép lại với chuyến đi vòng quanh Trung Quốc trong 18 tháng, vượt qua 39.000 km. Năm 2008, ông bất ngờ qua đời vì một cơn bạo bệnh ở Trung Quốc. Cho đến ngày hôm nay, dân "chơi ong" trên toàn thế giới vẫn coi ông là một trong những huyền thoại Vespa vĩ đại. Nhưng chuyến hành trình của Giorgio Bettinelli vẫn được nhiều người đón đọc qua các tác phẩm mà ông đã để lại. |