- Những chuyến sơ tán, những đống đổ nát hoang tàn, những mảnh bom đạn vương vãi khắp thành phố hòa quyện trong máu và nước mắt… được tái hiện rõ nét trong cuốn sách “Đối mặt với B-52  Hồi ức Hà Nội” do nhóm tác giả Huyền Mermet, Đặng Đức Tuệ vàNguyễn Xuân Mai.

Nhằm tái hiện những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của người dân Hà Nội trong chiến tranh phá hoại của Mỹ, đặc biệt trong 12 ngày đêm Mỹ ném bom, ngày 8/11, tại Trung tâm Văn hóa Pháp HN đã diễn ra buổi tọa đàm “Tư liệu và ký ức của người Hà Nội về chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ - 1972” và giới thiệu cuốn sách “Đối mặt với B-52 – Hồi ức Hà Nội”.

Dự kiến cuốn sách sẽ ra mắt bạn đọc vào ngày 4/12 tới.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của ngài M.Olivier Tessier - Nhà nghiên cứu Viện Viễn đông Bác cổ, hai diễn giả là bà Huyền Mermet và ông Đặng Đức Tuệ - nhà báo Pháp ngữ, đồng tác giả cuốn “Đối mặt với B-52 – Hồi ức Hà Nội”, các nhân chứng trong cuộc chiến và đông đảo công chúng quan tâm. Cuốn sách “Đối mặt với B-52 – Hồi ức Hà Nội” xoay quanh cuộc sống của người dân Hà Nội và số phận bi thương của hàng ngàn người dân bị chết hoặc bị thương trong 12 ngày đêm này thông qua những tư liệu và khoảng 100 nhân chứng lịch sử.

Nhân dịp này Vietnamnet đã có cuộc trao đổi với tác giả Huyền Mermet

- Chào chị, chị có thể chia sẻ từ khi nào anh/chị bắt đầu ý tưởng hình thành cuốn sách này?

Năm 2009, chúng tôi có ra 1 cuốn sách cùng nằm trong nhóm chủ để này mang tên “Truyện những người làm nên lịch sử” xoay quanh trận Điện Biên Phủ trên mặt đất. Sau khi hoàn thành tác phẩm này, chúng tôi nhận thấy sách viết dạng hồi ức rất hay và nếu có điều kiện chúng tôi sẽ tiếp tục xuất bản những cuốn khác.

Đầu năm 2010, chúng tôi bàn với nhau chọn đề tài và đến cuối năm chúng tôi quyết định viết về trận “12 ngày đêm tại Hà Nội”. 



- Tại sao lại là trận “12 ngày đêm tại Hà Nội” mà không phải là những sự kiện lịch sử khác?

Đây là trận đánh xảy ra tại Hà Nội, các nhân chứng đều ở Hà Nội nên việc đi tìm tài liệu, thu thập thông tin và hình ảnh sẽ dễ hơn. 

- Các cuốn sách về Điện Biên Phủ dịch sang tiếng Pháp thường viết dưới dạng nhật ký như cuốn “Nhật ký” của Bác Võ Nguyên Giáp. Trong khi đó, các cuốn sách của chị lại sử dụng tư liệu, hình ảnh và phỏng vấn nhân chứng. Tại sao chị lại lựa chọn hình thức như thế để thể hiện tác phẩm?

Chúng tôi tiếp cận với lịch sử và hiểu lịch sử thông qua sách báo, đài…nên quá trình làm việc với nhân chứng nó không chỉ đơn thuần là những con số lạnh lùng, những tài liệu khô khan. Chúng tôi không quá coi trọng yếu tố đánh nhau như thế nào, bắn bao nhiêu quả bom, bao nhiêu người chết… Việc sử dụng nguồn nhân chứng sống để kể lại chuyện lịch sử nó sống động giống như ông bà, bố mẹ kể lại chuyện cho con cháu nghe.

Thời của các bạn bây giờ, việc thể hiện cái tôi là hết sức bình thường. Nhưng thời của tôi và các bác lớn hơn lúc đó thì sử dụng cái tôi nó là một cái gì đó quá kiêu căng nên mọi người thường nói nhiều về cái tập thể hơn là cái tôi. Vì vậy, để cho nhân chứng tự nói lên cái vốn sống, kinh nghiệm đã trải qua tạo nên được sự mới mẻ, hấp dẫn vào thời điểm lúc bấy giờ.
Hình ảnh người Hà Nội sơ tán khi Mỹ ném bom Hà Nội những ngày đêm 1972. Ảnh: NXB KĐ

- “Đối mặt với B-52  Hồi ức Hà Nội” được đánh giá là cuốn sách kén người đọc, vậy chị kỳ vọng gì khi nó ra mắt công chúng?

Quả thật đây là một cuốn sách kén độc giả. Trước khi viết cuốn sách này chúng tôi đã đi tìm hiểu và nghe nhiều người kể chuyện xoay quanh cuộc sống của người dân Hà Nội lúc bấy giờ. Trong quá trình biên tập, chúng tôi nhờ những người không phải là nhà báo, những người không biết gì về quân đội. Họ là độc giả đầu tiên của chúng tôi, đưa cho họ đọc để xem họ phản ứng và xem hiểu như thế nào, từ đó rút ra cách viết.

Chuyện kể lại chiến tranh ra sao, diễn ra như thế nào thì ai cũng có thể kể được, dù là bộ đội hay dân thường. Chúng tôi không nhấn mạnh quá vào yếu tố chiến tranh như thế nào, đau thương mất mát của chiến tranh ra sao mà ưu tiên cho việc những người Hà Nội đã sống qua 12 ngày đêm đó như thế nào. Hy vọng, cuốn sách là bằng chứng tái hiện lại những khoảnh khắc hào hùng của người Hà Nội.

- Chị có nghĩ sau khi xuất bản cuốn sách sẽ làm thay đổi cách nghĩ của giới trẻ về chiến tranh?

Chúng tôi nói đến đề tài chiến tranh, viết về lịch sử nhưng không có nghĩa là áp đặt vào giới trẻ phải nhìn lịch sử như thế nào. Những sự kiện chúng tôi viết đều là những sự kiện lịch sử có thật và đã xảy ra, được thế giới công nhận. Còn cách nghĩ của giới trẻ ra sao thì còn tùy vào cách tiếp cận của mỗi người.

Cảm ơn chị đã chia sẻ !

Hương Lê