- Khác thường bởi họa sĩ Vương Tử Lâm không vẽ thiên nhiên hay con người, cũng không vẽ tĩnh vật, ông "đánh bạn" với không gian, hình học và triết học.

Vương Tử Lâm có nhiều năm theo đuổi hội hoạ tối giản. Ông nghiên cứu các tác phẩm của Cezanne, Mondrian và Mark Rothko, nhận ra sự đóng góp của mỗi bậc thầy này trong cách tư duy không gian trên mặt phẳng.

Lâm phát triển một lối vẽ chú trọng vào hình thức hình học của tác phẩm, tìm đến sự liên hệ giữa bức tranh với nhận thức về các chiều không gian. Hội hoạ của ông chênh vênh giữa việc giải quyết các nhận thức lý tính và tính thẩm mỹ của bức hoạ. Đứng sau Cezanne, Mondrian như một học trò, ông vẫn còn khao khát tiếp nối và đi đến tận cùng của sự tối giản - thứ nghệ thuật chắt lọc và cô đọng về hình thức, ý niệm và bản chất.

“Quỹ đạo xoắn” của Vương Tử Lâm

Bạn bè hội họa gọi đùa triển lãm cá nhân của Vương Tử Lâm là sự kiện "xuống núi". Gần hai mươi kể từ lần triển lãm cuối cùng (năm 1994 tại Ngô Quyền - cũng là một triển lãm khôngtên), Vương Tử Lâm tiếp tục tổ chức một triển lãm không tên khác. Kì lạ so với giới hội họa, khai mạc triển lãm của Vương Tử Lâm  tối 9/11 tại Hà Nội còn có sự tham gia của những khách mời đặc biệt: hoa hậu Hà Kiều Anh, ca sĩ Hồng Nhung, dịch giả Dương Tường, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.



“Mê lộ IV” và chi tiết

Vương Tử Lâm nói chuyện nhỏ nhẹ, lúc ngập ngừng, lúc hào hứng; đôi khi ông diễn giải nửa chừng, không hết ý, có cảm giác khó hiểu nếu không tưởng tượng hết chiều dài câu chuyện. Hiếm thấy họa sĩ nào sử dụng nhiều ngôn từ triết học như Vương Tử Lâm. Những "quy luật", "tính tất yếu", "tính trừu tượng", "sự vận động", "bản chất".... được ông dùng để mô tả về quá trình làm việc và tư duy của mình.

Phỏng vấn Vương Tử Lâm

Ngoài sơn dầu trên toan, ông còn dùng chất liệu gì để tạo ra những bề mặt sần đa dạng như vậy?

- Tôi dùng mix media (đa chất liệu) với khá nhiều tranh: sỏi, đất, kim loại, chất đắp, arcrylic, cả cát nữa... sau đó phủ sơn dầu.

Mê lộ có gì hấp dẫn để ông vẽ cả một seri về nó?

- Từ niềm ham thích của những đứa trẻ về mê cung, mê lộ trong những cuốn sách chúng đọc, tôi liên tưởng đến nhiều vấn đề trong đời sống xã hội về giao thông, quy hoạch, đô thị. Trong một chừng mực nào đó, nó có vẻ đẹp của sự sống và sự vận động. Trong một khía cạnh khác, nó lại có ý nghĩa ngược. Bằng chứng là có những bức tối, những bức sáng, những bức màu trong, hoặc nhiều màu sắc hòa trộn như đêm Trung Thu. Thôi thì để người xem tự cảm nhận ý nghĩa của nó.

Mê lộ cũng gợi cho tôi nhiều ý tưởng về tạo hình, tạo ra nhiều nét, nhiều lớp; đặc biệt, nó cung cấp một cách nhìn không gian từ trên cao xuống - như từ một cửa sổ máy bay nhìn xuống, hay như một con chím. Đó là xây dựng topographic - không gian bản đồ.

Tại sao ông sử khung tranh hình tròn thay cho khung vuông, chữ nhật?

- Xuất phát từ hình thức giản lược đi các phương, chiều. Hình tròn là biểu hiện của 1 phương thẳng đứng với đường bán kính đồng đẳng.

Tôi thấy Kandinsky và nhiều họa sĩ khác nữa cũng sử dụng những hình tròn màu sắc như là tâm chú ý.

- Đó là do quan điểm. Có lẽ mọi người sử dụng những quan niệm khác nhau khi vẽ nó. Có nhiều cái giống nhau, nhưng sinh ra từ những quan niệm khác nhau

Nhiều người nói ông đi theo con đường tối giản. Trường phái tối giản dường như không phổ biến ở Việt Nam và thường được biết nhiều hơn với kiến trúc. Ông thể hiện quan điểm về trường phái này như thế nào?

- Tôi không định vẽ tối giản. Khi vẽ tôi không nghĩ đến quan niệm trước mà nhìn vào cấu trúc của vật thể và không gian. Tối giản là một cách nghĩ và có sự tất yếu nào đó. Khi anh giản lược các chiều không gian và 2 phương: thẳng đứng, nằm ngang, giản lược các hình trong bức tranh... tất yếu sẽ dẫn đến kết quả đó.

Đây là một câu chuyện dài trong lịch sử hội họa, nó xuất phát từ Cezanne - người ta gọi ông là cha đẻ của nghệ thuật hiện đại. Ông bắt đầu vẽ thiên nhiên, đưa cái nhìn chủ quan vào, vẽ các vật thể thiên nhiên như các hình khối; tạo phối, tạo diễn, đẽo gọt ... khiến chúng xuất hiện tính hình học.

Mondrian nhìn thấy điều đó, tiếp tục đẩy nó đi xa hơn, chiết giảm các yếu tố và lấy 2 phương (nằm ngang, thẳng đứng) để vẽ. Dần dần ông không còn vẽ vật thể nữa, mà vẽ không gian. Tất nhiên nó có tính hình học; rồi tính sơ đồ xuất hiện sau đó, và kèm theo nó là tính trừu tượng.

“Đơn sắc”

"Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng có nói cách vẽ của Lâm đơn giản, nhưng e từ đơn giản sẽ bị hiểu lầm. Tôi thấy ở triển lãm tính quan niệm và tính thuần khiết của nghệ thuật. Lâm sử dụng ít màu, tranh đơn sắc. Lâm cũng dùng hình tròn thay cho hình vuông hoặc hình chữ nhật truyền thống.

Những điều này rất khác với hội họa truyền thống - những khung vuông hoặc chữ nhật với đường thẳng và giá đỡ vốn cho phép tranh đỗ lại cố định trên tường. Hình tròn là để lăn. Những bức tranh của Lâm vô phương vô hướng, nó không định vị được cảm giác và khó để chốt lại, để cho nó mạch lạc và dễ hiểu. Nó luôn vận động toàn khối trong trí não.

Một trong những phẩm tính của Lâm, là sự kiên nhẫn theo đuổi con đường mình đi, dù rất chông gai. Người Việt và hội họa nói chung quen với hình sắc, sự cố định rõ ràng -  như đề tài đường cong của người phụ nữ chẳng hạn, rất nhiều người theo đuổi. Sự hấp dẫn thường đến trực tiếp, rõ ràng. Nhưng ở đây, sự hấp dẫn bị đánh rơi tất, chỉ để những quan niệm".

Nhà triết học Nguyễn Hoàng Đức, bạn của họa sĩ Vương Tư Lâm chia sẻ tại triển lãm.


Tại sao chủ nghĩa tối giản lại xuất hiện ở xã hội hiện đại, khi mà mọi thứ ngày càng được bổ sung và làm phức tạp hơn?

- Sự liên hệ của chủ nghĩa tối giản với xã hội tôi chưa thể trả lời được, nhưng chính trong bản thân hội họa có nhu cầu vận động, thay đổi. Đi bước này thì phải tiếp bước khác.

Thực ra chủ nghĩa tối giản chỉ là cách gọi của nhà phê bình; còn người làm muốn đuổi theo suy nghĩ về cấu trúc sự vật nên gặp chủ nghĩa tối giản. Chủ nghĩa tối giản ra đời cách đây đã 70 năm, nhưng tôi vẫn thấy còn điều gì đó để tiếp tục, dường như vẫn thể tối giản được nữa.

Trong cuộc sống bình thường, ông tư duy cầu kì hay giản dị?

- Tôi luôn cố gắng giản dị hóa mọi vấn đề trong cuộc sống. Về nghệ thuật, tôi muốn đi tìm bản chất của vấn đề. Trong hội họa, có rất nhiều cách thể hiện, nhiều quan điểm, tôi chọn con đường này, nhưng nó sẽ không phải là con đường duy nhất.

Nếu phải đặt một cái tên cho triển lãm của mình, ông sẽ gọi nó là gì?

- Có lẽ là "Vô hướng".

Xin cảm ơn họa sĩ!

Triển lãm cá nhân của Vương Tử Lâm diễn ra từ ngày mùng 9 đến 14 tháng 11 năm 2012 tại VietArt Center  42 Yết Kiêu, Hà Nội. Nghệ sĩ sẽ tọa đàm chia sẻ và trò chuyện nghệ thuật vào lúc 3 giờ chiều ngày 10 tháng 11 năm 2012.

Những hình ảnh tại triển lãm







Các tác phẩm nằm trong bộ “Mê lộ”



Các tác phẩm nằm trong bộ “Đơn sắc”


 Quang cảnh tại triển lãm

Hồ Hương Giang
Ảnh: Angellittlefire