Màn ảnh nhỏ ngày càng vắng dần những bộ phim có sức sống trẻ trung, tươi sáng, thay vào đó là những câu chuyện đầy bi kịch, đẫm nước mắt, hận thù và những lọc lừa, giả trá. Đến mức có khán giả đã thốt lên: “Xem phim Việt sao thấy con người ngày càng ác quá!”.

Cảnh trong phim "Ngôi nhà hạnh phúc" (phiên bản VIệt).

Khán giả L.H.T (kế toán, quận Tân Bình - TPHCM) than: “Gia đình tôi vẫn thường xem phim Việt vào buổi tối nhưng những hôm mệt mỏi, căng thẳng, chỉ muốn xem cái gì vui vui, giải trí mà bật tivi lên thì bị dội bởi những tiếng khóc, kịch tính căng thẳng, đấm đá, toan tính, tranh giành của các nhân vật. Nhiều quá thành mệt mỏi”. Đây không phải là ý kiến cá biệt, nhận xét này cũng được sự đồng tình của số đông khi chúng tôi thực hiện cuộc khảo sát bỏ túi với khán giả ở nhiều lứa tuổi, đối tượng về nội dung phim Việt hiện nay.

Một cô gái trẻ đang có công việc thành đạt, người yêu lý tưởng nhưng chấp nhận phá hoại tất cả để trả thù người đã vô tình gây ra cái chết của mẹ trong tai nạn giao thông năm xưa; vì tình yêu không được đáp lại mà sinh lòng thù hận, quyết “trả thù đời” bằng cách hủy hoại hạnh phúc, mạng sống của người khác; thậm chí chỉ vì một chút ganh ghét, đố kỵ cũng có thể ra tay tàn độc với những người thân yêu… Nhan nhản những tình tiết, thân phận như thế đang được xây dựng trên các phim truyền hình để có được “đường dây bi kịch” với những tuyến nhân vật đối kháng.

Đạo diễn Trương Dũng nói: “Phim bi kịch dễ làm, cũng dễ thu hút người xem. Nếu chuyện mà cứ đều đều không có kịch tính gì sẽ rất kén khán giả”. Một nhà biên kịch cũng từng dặn dò các cây bút trẻ: Phải cố tìm những tình huống gay cấn trong mỗi tập phim, mỗi bước ngoặt của nhân vật luôn cần có những biến cố lớn”.
 
Cũng chính vì “nguyên tắc tối ưu” này mà kịch bản nào cũng phải cố tạo cho được bi kịch cho nhân vật. Thậm chí, có nhà sản xuất còn yêu cầu xem phim Hàn, Trung rồi bắt chước theo đó mà xây dựng nhân vật. Đó cũng chính là lý do một phần phim truyền hình thời gian qua đầy kiểu “phim Việt hồn ngoại” với những chuyện phim bi kịch na ná Hàn Quốc, Trung Quốc. Cuộc sống của các nhân vật trên phim cũng dần trở nên xa lạ.

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng nói: “Nhiều người nói với tôi xem phim Việt sao thấy nhân vật ác quá. Cuộc sống trên phim lúc nào cũng đầy rẫy cạm bẫy, giả dối, đầy những thủ đoạn để hãm hại nhau. Không thấy cuộc sống tươi sáng chút nào”.

Thường thì người tốt sẽ tốt toàn diện, kẻ ác thì vô cùng thủ đoạn, nhẫn tâm. Kịch bản phim vốn cần điều đó để tôn thêm nét đẹp của nhân vật chính “nhân hậu, nghị lực” và phục vụ cho thông điệp phim. Nhưng chính những yếu tố khập khiễng, cố tình tạo bi kịch cho nhân vật khiến chuyện phim không còn thuyết phục. Bi kịch trên phim cần là lát cắt thời cuộc, gần gũi với đời sống và tìm thấy sự đồng cảm, tiếng nói chung của người xem. Còn cố tạo bi kịch nhưng không đủ sức thuyết phục thì dù có kịch tính đến mấy vẫn sẽ nhạt.

Theo NLĐ