- Kịch bản thêm khá nhiều tình tiết mới như đoạn Nhà Vua gảy đàn ghita biểu diễn ca khúc Billie Jean của Michael Jackson, đoạn nữ ngôi sao màn bạc nhảy một vũ điệu thật bốc lửa... để làm nền cho những cuộc gặp gỡ với Hoàng Tử Bé.

Vở diễn ít người (có diễn viên đảm nhận 2 vai) sân khấu bài trí đơn giản, nhưng hiệu quả cảm xúc mà Hoàng tử bé, do nhóm kịch Dragonfly dàn dựng, mang lại cho khán giả lại không hề nhỏ!


Vở kịch “Hoàng tử bé” có kịch bản dựa trên tác phẩm kinh điển của nhà văn Saint-Exupéry.

“Hiếm có đêm diễn nào lại mang đến cho tôi một cảm xúc đẹp đến thế”, một khán giả thốt lên sau khi vở kịch khép lại. Phải nói, riêng y tưởng chọn dựng tác phẩm kinh điển của nhà văn Pháp Antoine de Saint-Exupéry đã cho thấy khả năng của nhóm Dragonfly trong việc nắm bắt “gu” khán giả mà vẫn đảm bảo được yếu tố nghệ thuật: một câu chuyện vô cùng trong sáng, ngây thơ, dễ hiểu, mà thông điệp về tình yêu, tình bạn lại quá bao la.

Không thể phủ nhận vở diễn được bảo chứng một phần nhờ vào nội dung tác phẩm văn học đã quá nổi tiếng. Nhưng cách mà hai nhà biên kịch – đạo diễn Aaron Toronto và Jaime Zuniga hình ảnh hóa câu chuyện mới là điều đáng nói.

Không chỉ kể lại câu chuyện của Saint-Exupéry một cách đơn thuần, kịch bản thêm khá nhiều tình tiết mới mang tính giải trí, gắn với đời thường, như đoạn Nhà Vua gảy đàn ghita biểu diễn ca khúc nổi tiếng Billie Jean của Michael Jackson, đoạn nữ ngôi sao màn bạc nhảy một vũ điệu thật bốc lửa... để làm nền cho những cuộc gặp gỡ với Hoàng Tử Bé. Sáng tạo này khiến vở kịch trở nên gần gũi hơn và tạo hứng thú cho khán giả. 

Vở kịch dành cho thiếu nhi và cả người lớn này giản dị, hấp dẫn mà không cần viện đến hình thức màu mè, diêm dúa thường thấy ở sân khấu Việt.

Hình tượng bông hồng, người phi công, doanh nhân, con cáo, con rắn, những nhân vật mà Hoàng Tử Bé gặp trong chuyến hành trình tìm hiểu vũ trụ của mình cũng được xây dựng thật sinh động và hài hước. Một yếu tố không thể bỏ qua trong phần tạo hình ấn tượng cho họ chính là phần phục trang độc đáo của nhà thiết kế Thanh Hoa.

Sự tham gia của Lan Phương trong vai Hoàng Tử Bé có lẽ là một lựa chọn không thể tốt hơn. Với khả năng tiếng Anh lưu loát vốn có cộng với kinh nghiệm diễn xuất và một gương mặt thánh thiện, Lan Phương đã thể hiện được xuất sắc cái hồn của nhân vật, truyền tải được điều quan trọng nhất là tinh thần trong sáng của tác phẩm gốc.

Trong khi đó, các diễn viên khác (Thủy Bích vai bông hồng, Tú Trinh vai con rắn/nữ nghệ sĩ, Anh Minh vai nhà vua, Aaron Toronto vai phi công/doanh nhân, Jaime Zuniga vai con cáo/người thắp đèn...) lại chứng tỏ được sự đa năng của mình trong việc mỗi người hóa thân vào nhiều nhân vật khác nhau. Họ cũng cho thấy không chỉ tài năng trong diễn xuất mà cả ca hát, vũ đạo và đương nhiên là Anh ngữ.


Vở do nhóm kịch Dragonfly, gồm những người nước ngoài đang sống tại TP.HCM, dàn dựng.

Sẽ có một chút e ngại với những ai yêu thích Hoàng Tử Bé nhưng lại thiếu tiếng Anh. Vở diễn do một nhóm nghệ sĩ người nước ngoài thực hiện, hướng đến đối tượng khán giả nước ngoài tại TP.HCM nên đây việc chọn tiếng Anh cho vở kịch cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, chỉ cần biết Anh ngữ ở mức độ trung bình là khán giả đã có thể cảm nhận tác phẩm dễ dàng. Ngôn ngữ trong Hoàng Tử Bé rất đơn giản, dễ hiểu, bởi đó là ngôn ngữ của một cậu bé thật ngây thơ, chưa từng va chạm với cuộc sống và rất đỗi mong manh. Thêm vào đó, màn ảnh phụ đề đặt bên cạnh sân khấu sẽ giúp người xem nắm bắt diễn biến câu chuyện tốt hơn.

Nếu có điều gì đó đáng tiếc ở vở kịch thì đó chỉ là phần kỹ thuật. Màn hình phụ đề nhiều lúc gặp sự cố không hiện chữ, hoặc không khớp với diễn tiến vở kịch có thể gây khó khăn cho những ai hạn chế ngoại ngữ.

Khôi Nguyên
Ảnh: Gia Tiến