Nghệ thuật vẽ lên thân thể (Body Painting) được xem như một hình thức của nghệ thuật thân thể (Body Art), một loại hình nghệ thuật được thực hiện trên/bằng/hoặc bao gồm thân thể, chẳng hạn như vẽ thân thể, xăm hình, trình diễn, đeo khuyên, khắc/đốt hình sẹo. Không giống như hình xăm hay các hình thức khác của nghệ thuật thân thể, tác phẩm Body Painting có tính ngắn hạn, thường chỉ kéo dài được vài giờ. Nó được gọi là nghệ thuật vẽ mặt (mặt nạ hoặc mặt người) nếu phạm vi của nó giới hạn ở khuôn mặt.
Một tác phẩm nghệ thuật body painting tại lễ hội “The World Body Painting Festival 2011” ở Áo.
Nghệ thuật thân thể cũng được xem như nhánh phụ của nghệ thuật trình diễn, loại hình mà nghệ sĩ thực hành sử dụng hay hành hạ cơ thể của chính mình để tạo ra ngôn ngữ biểu đạt đặc biệt của họ.
Người ta cũng thường chia nghệ thuật thân thể nói chung, vẽ cơ thể nói riêng, thành ba giai đoạn phát triển về mặt thị giác. Hình thái cổ xưa của nó có thể nhìn thấy qua cách người cổ đại vẽ lên cơ thể của mình trong các nghi lễ, thường là nghi lễ cưới hỏi, lễ trưởng thành, chuẩn bị cuộc săn, đám tang…Hầu hết các nền văn hóa đều có thực hành vẽ (hoặc trang điểm) cơ thể ở một hình thức nào đó.
Đến nay, vẽ cơ thể vẫn còn trong tập quán của thổ dân ở châu Úc, New Zealand, châu Phi hay các đảo quốc vùng Thái Bình Dương…Chất liệu được sử dụng thường là đất sét, các chất nhuộm màu có trong thiên nhiên. Người ta còn nhìn thấy tính biểu hiện quyền lực của Body Painting qua cách các băng đảng tội phạm Yakuza ở Nhật xăm các hình vẽ rồng, hoa, phong cảnh, các biểu tượng bí ẩn lên cơ thể.
Xưởng thực hành tác phẩm body painting tại “The World Body Painting Festival 2011.
Vào khoảng thập niên 60 của thế kỷ 20, trong bối cảnh xã hội bắt đầu cởi mở hơn với hình ảnh khỏa thân, các nghệ sĩ phương Tây bắt đầu tìm kiếm ở nghệ thuật vẽ cơ thể những cách biểu đạt mới, theo cách khiêu khích và gây sốc, để thông điệp của họ gây được chú ý. Nghệ thuật trình diễn và vẽ thân thể thời kỳ này được kích thích sáng tạo bởi nhóm Fluxus với các nghệ sĩ tiên phong như Joseph Beuys, Yoko Ono hay Nam June Paik…, đã tạo ra sự kiện Happenings với thông điệp tự do cho sáng tạo và tình dục.
Mặt khác, những nghệ sĩ như Verushka đã sáng tạo được những hình ảnh biến ảo kỳ diệu trên thân thể, khiến nó như thể tan biến vào thiên nhiên và trở thành một phần của môi trường. Mà ngày nay được quân đội và lực lượng an ninh ở nhiều nước sử dụng như một kỹ thuật nghiệp vụ giả trang hoặc giấu mình.
Từ khoảng thập niên 90 trở lại đây, nhiều thay đổi quan trọng của Body Painting đã giúp nó thích nghi với nhiều độ tuổi. Mà điển hình nhất là việc kết hợp với bộ môn nghệ thuật xăm mình Mehndi của Ấn Độ trong việc tạo những hình vẽ trên da bằng cách đắp thảo dược (cây lá móng, nguyên liệu được dùng trong thuốc nhuộm tóc). Hình vẽ để lại trên da kéo dài được từ một đến hai tuần và không gây đau đớn cho người mẫu.
Tác phẩm của nghệ sĩ Andy Golub.
Ở nhiều nước phương Tây, số người tham gia thực hành hay yêu thích nghệ thuật Body Painting đã đủ lớn để làm thành những lễ hội lên tới hàng ngàn người. Lớn nhất trong số này phải kể đến “The World Body Painting Festival”, tổ chức thường niên tại Áo từ năm 2008 đến nay. Lễ hội này kéo dài một tuần này thu hút hàng ngàn nghệ sĩ vẽ cơ thể chuyên nghiệp lẫn người mới thực hành đến thi tài. Và để có được một trải nghiệm độc đáo, nhiều người sẵn sàng làm tình nguyện viên để các nghệ sĩ vẽ lên cơ thể.
Điều dễ nhận thấy là các lễ hội Body Painting trên thế giới đều mở cửa cho công chúng rộng rãi, bao gồm cả trẻ em, nhưng chỉ trong phần trình diễn các tác phẩm, kết quả sau vài ngày làm việc của nghệ sĩ.
Dù cởi mở với các xưởng thực hành và triển lãm Body Painting, nhưng để nghệ thuật này bước xuống đường phố thì rất khó để các xã hội chấp nhận, ngay cả khi đó là thành phố New York rất hiện đại. Nghệ sĩ Andy Golub kể lại với tờ Huffington Post, ông và người mẫu bị cảnh sát ở đây bắt vì tội “gây mất trật tự” công cộng khi trình diễn vẽ cơ thể trên phố dù ông không cho rằng mình có gì sai.
Minh Khôi