- Không có thần tượng cuộc sống có bình yên hơn? Làm thế nào để vẫn có thần tượng nhưng chống được sốc tâm lý? Hãy lên tiếng về thần tượng của bạn và nhận món quà tri thức đầu năm.

Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương và tình cảm yêu mến của vô cùng đông đảo công chúng (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Thăng giáng lung tung vì thần tượng

Không chỉ giới trẻ yêu ca hát, tôi biết nhiều anh chị năm nay đã ngoài ba nhăm, nghĩa là không còn trẻ nữa, thành phần xã hội là trí thức công chức, trước nay chưa thần tượng một ai, “bỗng dưng lên đồng” vì cô ca sĩ trẻ Uyên Linh, mới thành công trong cuộc thi Idol 2010.

Nói là “lên đồng” cho vui, nhưng thực sự là tâm trạng của các anh các chị cứ bay bổng lên như bong bóng mỗi khi nghĩ đến thần tượng. Rủ nhau nhắn tin hàng loạt để ủng hộ thần tượng, bỏ việc ra quán nước cổng cơ quan cãi nhau cả buổi về từng chi tiết nhỏ của thần tượng, lập tức nổi xung nếu bắt gặp ai đụng chạm đến thần tượng, chúc mừng nhau rối rít khi thần tượng chính thức lên ngôi Idol… 

Bỗng dưng có được niềm vui như thế, kể cũng là điều tốt. Nhưng, vừa nghe đâu đó những thông tin có vẻ trái chiều về thần tượng, các anh chị nói trên đều nhảy lên chửi bới bằng những lời lẽ cực kỳ thô tục, thiếu văn hóa, chưa cần đong đếm xem thực hư ra sao, phía cung cấp thông tin nhằm mang lại thông điệp gì?

Liệu đó có phải là sự “mờ mắt” của những người một mực tôn sùng thần tượng? Với một số ít người, thần tượng còn thực sự trở thành biểu tượng tâm linh hay tín ngưỡng. Và một số ít khác nữa, thì thậm chí có thể tự tử vì quá yêu thần tượng, quá thất vọng về thần tượng, vì thần tượng của họ vừa… tự tử.

Đâu là thuốc chống sốc tâm lý?

Dù thần tượng của bạn gần gũi thân thiết đến mức là chính bố mẹ mình, cao vời xa cách như tổng thống hay ngôi sao, cũng đều có điểm chung là bạn ngưỡng mộ những thành tựu đã đạt được của thần tượng và hướng cố gắng phấn đấu của bạn có phần giống như thần tượng, mong muốn đạt được ít nhiều thành tựu như tấm gương soi là thần tượng.

Mỹ Linh (áo đỏ) được phong danh hiệu Diva từ lâu, còn Uyên Linh (áo xanh) thắng cuộc ở Vietnam Idol 2010 (ảnh minh họa)

Những lúc thành công, bạn khiêm tốn cho rằng so với thần tượng thì điều mình đạt được vẫn còn quá nhỏ. Những lúc thất bại, bạn có chỗ an ủi tốt nhất - nghĩ đến thần tượng và vui vẻ tự động viên mình cứng cỏi hơn để tiến bước. Đó là những mặt tích cực của tâm lý thần tượng.

Nhưng, trong thế giới của chúng ta không tồn tại bất cứ cái gì chỉ có một chiều. Sẽ ra sao khi các fan cuồng nổi cơn bức xúc vì những bí mật bị tiết lộ từ đời tư thần tượng? Và chợt hiểu ra rằng đằng sau ánh sáng chói lòa của hào quang, địa vị và danh vọng, nhiều khi các thần tượng có cuộc sống không hề màu hồng, thậm chí đối lập với điều mà công chúng vẫn nghĩ/tưởng là/hy vọng thế.

Thần tượng cũng là con người thực thể, cũng có nỗi khổ riêng. Thất vọng về thần tượng phải chăng là do giữa thần tượng và ảo tưởng có ranh giới quá mong manh? Hay ngược lại, do chính sự tích lũy văn hóa trong công chúng còn chưa đủ để có thể kiểm soát, điều chỉnh được tình cảm của mình?

Phẩm chất đáng yêu nhất của thần tượng của bạn là gì? Theo bạn, giá trị văn hóa nào của thần tượng đáng được tôn vinh nhất? Thần tượng là vấn đề riêng tư với mỗi cá nhân hay đã trở thành mối băn khoăn “của chung” cộng đồng, xã hội? Không có thần tượng cuộc sống có bình yên hơn? Làm thế nào để vẫn có thần tượng nhưng chống được sốc tâm lý?

Sự yêu mến của công chúng là áp lực không nhỏ lên thần tượng

Bạn đọc hãy lên tiếng về thần tượng của mình. Tòa soạn sẽ lựa chọn đăng tải các ý kiến hay nhất phản hồi về chủ đề này. Mười bạn đọc có bài viết tốt nhất sẽ được trao tặng cuốn sách bổ ích “Bài học từ người quét rác”. "Nói theo một cách nào đó thì người quét rác kia chính là thần tượng, người thầy của tôi - tác giả Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ - Gần chục năm đã trôi qua, nếu không gặp Allen - người quét rác đó - thì giờ đây chắc tôi vẫn đang quay cuồng trong vòng quay vô tận của đồng tiền..."

Sách do NXB Thời đại ấn hành, đã gây được dư luận rất tốt thời gian qua, gồm các bài viết của chủ tịch Hội đồng quản trị Thaihabooks. “Bài học từ người quét rác” là những kinh nghiệm đúc rút từ thực tế kinh doanh tại Việt Nam, qua đó chia sẻ với bạn đọc, đặc biệt là giới trẻ quyết tâm vươn lên trở thành người giàu có thành đạt, góp phần vào sự phồn vinh của xã hội.

Bạn đọc có thể gửi ý kiến phản hồi đính kèm dưới bài viết này hoặc gửi thư về địa chỉ Banvanhoa@vietnamnet.vn.

Minh Tuệ