- "Thông tư 27 của Bộ Công an bắt phải ghi tên cha, mẹ lên CMND, nhưng đối với một số trường đặc biệt, “nhạy cảm” như người đó không có hoặc không rõ tên cha, mẹ như con ngoài giá thú, con nuôi… thì nghiễm nhiên bị khuyết phần thông tin này. Vậy thử hỏi khi cầm CMND đó, những người này sẽ nghĩ gì, họ có tự ti, mặc cảm mỗi khi cầm xem CMND của mình không?".

Sau thời gian hơn 2 tháng thí điểm tại 3 quận, huyện của Hà Nội bao gồm Hoàng Mai, Từ Liêm, Tây Hồ, mới đây Bộ Công an thông báo trong năm 2013 sẽ tiến hành cấp, đổi CMND mẫu mới có ghi tên cha mẹ trên toàn thành phố và tại nhiều tỉnh thành phía Bắc.

Quy định này đến nay không nhận được sự đồng thuận của phần lớn người dân.

Thông tin nhạy cảm

Bên cạnh một số ưu điểm nổi bật như độ bền cao, người làm CMND không bị dính mực lem nhem... phần lớn dư luận đều cho rằng việc đưa tên cha mẹ lên mẫu CMND mới là chưa hợp lý khi đụng chạm đến đời tư của người khác.

Độc giả Ngọc Sáng nhận định việc Bộ Công an kiên quyết triển khai đại trà CMND mẫu mới là chưa tính đến những hiệu ứng ngược của việc làm này.

Ngoài phần thông tin họ tên, quê quán, năm sinh ở mặt trước, mặt sau CMND mẫu mới có thêm phần thông tin họ tên cha, mẹ. Ảnh: Phạm Hải
 

 

"Thông tư 27 của Bộ Công an bắt phải ghi tên cha, mẹ lên CMND, nhưng đối với một số trường đặc biệt, “nhạy cảm” như người đó không có hoặc không rõ tên cha, mẹ như con ngoài giá thú, con nuôi… thì nghiễm nhiên bị khuyết phần thông tin này.

Vậy thử hỏi khi cầm CMND đó, những người này sẽ nghĩ gì, họ có tự ti, mặc cảm mỗi khi cầm xem CMND của mình không? Khi mọi người biết thông tin phía sau bị trống phần cha, mẹ thì có đảm bảo rằng họ có suy nghĩ, thái độ bình đẳng không,... Sẽ rất khó có chuyện đó".

Trên báo NLĐ, Luật gia Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, cho rằng việc đưa thêm họ tên cha mẹ lên CMND rõ ràng không cần thiết bởi từ trước tới nay, các thông tin trên CMND đã khá đầy đủ.

“Điều cần thiết ở CMND mới là kỹ thuật in ấn, công nghệ hiện đại, bảo mật và bền đẹp hơn trước. Khi đi làm các thủ tục, kèm CMND, người dân vẫn phải xuất trình một số giấy tờ khác, công an đã có thể nắm rõ lý lịch tư pháp của họ thì đâu cần thiết phải đưa tên cha mẹ họ lên đó” - ông Quốc Anh bày tỏ.

Đối chiếu, có thể thấy, tại Điều 16 Công ước Quốc tế về quyền trẻ em viết: “Không trẻ em nào phải chịu sự can thiệp tùy tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín cũng như những sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em”.

Khoản 2 điều 759 Bộ Luật Dân sự quy định rõ: “Trong trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của bộ luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”.

Còn trong Điều 38 Bộ Luật Dân sự 2005 về quyền bí mật đời tư thì người mẹ có quyền giữ kín thông tin về người cha và nếu thủ tục hành chính yêu cầu ghi tên cha mẹ đứa bé thì sẽ xâm phạm quyền bí mật đời tư được quy định tại điều này.


Đồng quan điểm, bạn đọc ở địa chỉ tranminh@... cho rằng việc ghi tên cha mẹ lên CMND mới sẽ tạo ra sự kỳ thị, phân biệt trong xã hội - điều mà cả thế giới đang phấn đấu để xóa bỏ.

Ngoài ra theo ý kiến của hầu hết bạn đọc, lâu nay người Việt luôn coi trọng, gìn giữ tên cha mẹ mình, coi đó là báu vật phải nâng niu nên ít nói tên bậc sinh thành.

Giờ bỗng nhiên thông tin "bí mật" phải trình ra cho nhiều người cùng thấy sẽ khiến chủ sở hữu CMND cảm thấy không thoải mái, thậm chí khó chịu, nhất là khi tên cha mẹ họ 'đặc biệt" và bị người khác soi mói.

Đặc biệt, dư luận cho rằng nếu ghi tên cha mẹ lên CMND sẽ vi phạm Luật Dân sự về bí mật đời tư và vi phạm Công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Từng đi nhiều nước trên thế giới, bạn đọc ở địa chỉ email xuanphu38@... cho biết ở các nước như Mỹ hay Châu Âu hầu như không nơi nào có CMND ghi cả tên cha, mẹ như Việt Nam. Quy định này khiến người làm có cảm giác như bị truy lý lịch.

Cho rằng việc ghi tên cha mẹ không mang lại nhiều lợi ích mà chỉ gây rắc rối thêm cho người dân, thành viên trinhthu75 trên diễn đàn dành cho cha mẹ nhận định: "Nếu CMND mẫu mới được cấp, đổi đại trà thì dân nghèo sẽ là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất. Việc ghi tên cha mẹ lên CMND chỉ có lợi cho con của những người có chức quyền sau này đi xin việc cũng như giải quyết các thủ tục, vấn đề khác. Như vậy là vô tình tạo ra 'cửa sau' cho nhiều người".

Độc giả Nguyễn Thức nói vui thêm rằng có lẽ CMND nên ghi thêm cả tên vợ (chồng) nếu có để sau này nếu cần đến có thể chứng minh xe chính chủ luôn!

"CMND đơn giản là cái thẻ để chứng minh ông A, bà B là công dân hợp pháp của một đất nước, chứ không phải là cái hồ sơ lý lịch tổng hợp để ghi đủ mọi thông tin lên đó. Hơn nữa, các thông tin về công dân đã được công an quản lý trong hồ sơ khi làm CMND rồi", độc giả này đưa ra lý lẽ.

Lãng phí và rắc rối

Dự án cấp và quản lý CMND mẫu mới đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2004.

Chỉ tính riêng tại Hà Nội, việc cấp thí điểm CMND mẫu mới tại 3 quận, huyện thời gian quan đã tiêu tốn nhiều tỷ đồng.

Theo ý kiến phần đông độc giả, việc triển khai cấp CMND mới trong thời điểm hiện tại là chưa phù hợp, nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn, hiệu quả chưa rõ ràng và chưa nhận được sự đồng thuận của người dân.

"Thay vì triển khai cấp CMND mới thì có thể dùng số tiền đó vào việc tin học hóa hệ thống quản lý con người, tội phạm hình sự... như nhiều nước vẫn đang áp dụng. Nhiều năm nay, dù CMND không có tên cha mẹ nhưng cơ quan công an đâu có gặp khó khăn gì nhiều trong công tác quản lý", độc giả Hoàng Nguyên Giáp đặt vấn đề.

Bạn đọc Lê Hữu Khánh cũng cho rằng Bộ Công an nên cân nhắc trước khi thực hiện. "Kinh phí lấy từ Ngân sách Nhà nước, tức tiền thuế của dân, do vậy số tiền này cần phải được chi vào những việc cần thiết trước".

Ngoài ra, trong trường hợp CMND mẫu mới không được áp dụng đại trà, gần 7.500 trường hợp vừa được cấp, đổi lại sẽ phải thu hồi để cấp lại, gây lãng phí, phiền toái cho người dân.

Trên thực tế, CMND mẫu mới sau khi được cấp thí điểm đã gây không ít rắc rối cho người dân, phía ngân hàng cũng như các văn phòng công chứng khi tiến hành các giao dịch hay thực hiện các hoạt động mua bán, ủy quyền tài sản...

Nhiều trường hợp phải chạy đi chạy lại nhiều lần để xin xác nhận, công chứng do CMND mới có 12 số thay vì 9 số như trước đây.

Độc giả Phạm Thành Nam dẫn chứng một ví dụ cụ thể: "Một khách hàng trước đó khai thông tin CMND gồm 9 số. Sau khi cấp sang CMND 12 số, muốn thực hiện giao dịch, bắt buộc họ phải đính chính thông tin CMND.

Sau đó văn phòng công chứng mới thực hiện hợp đồng, nếu không sẽ không đăng ký được giao dịch bảo đảm. Hợp đồng sang tên đổi chủ hay bất kỳ hợp đồng gì khác sẽ không được tiến hành. Nếu người dân dùng CMND 9 số để ký kết hợp đồng mà giờ CMND của họ thay đổi thì bắt buộc sẽ phải sửa đổi hợp đồng, bổ sung thêm phần phụ lục".

Để tránh rắc rối và lãng phí, nhiều độc giả đề xuất trong trường hợp đổi CMND sang 12 số, Bộ Công an nên kế thừa 9 số cũ trước đây, chỉ cần thêm 3 số đầu hoặc 3 số cuối là mã tỉnh của người cấp.

Trong trường hợp dãy 12 số mới hoàn toàn, thì khi cấp có thể cho thêm một dòng phía dưới ghi số CMND 9 số cũ hoặc đồng thời khi cấp CMND mới thì cấp luôn cho người dân giấy chứng nhận số CMND mẫu cũ. Như vậy sẽ tiết kiệm và ít gây phiền phức cho người dân.

M.Anh (tổng hợp)