Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh vừa tiến hành gắp thành công dị vật là một con đỉa to gần bằng ngón tay đang di chuyển trong thanh quản của một bệnh nhân.

TIN BÀI KHÁC


Ngày 7/12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành nội soi, gắp thành công một con đỉa sống nhiều ngày trong thanh quản của bệnh nhân Lê Khắc Thái (SN 1976) ở xã Phú Gia, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Trước đó, bệnh nhân Thái nhập viện với triệu chứng ho khan lâu ngày, buồn nôn, cổ họng bị viêm, cơ thể gầy gò, mêt mỏi.

Được biết, vào khoảng tháng 11/2012, anh Thái đi làm cao su trong rừng và có dùng tay vốc nước ở dưới khe suối rửa mặt. Sau đó vài tuần thì anh thấy khó chịu ở trong thanh quản và có các triệu chứng trên.

Các bác sĩ tiến hành nội soi gắp con đỉa dài 6cm ra khỏi thanh quản bệnh nhân (Ảnh: Hà Tĩnh Online)

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, các bác sĩ đã nội soi phát hiện có một vật đen bám sâu trong thanh quản, nghi vấn là đỉa. Ngay sau đó, ekip đã tiến hành gắp dị vật là một con đỉa to gần bằng ngón tay, dài hơn 6cm, đường kính 0,3cm từ thanh quản của bệnh nhân.

Đã có nhiều trường hợp, bệnh nhân bị đỉa ký sinh trong cơ thể sau khi sử dụng nước trong các khe suối, vũng nước…trong mỗi chuyến đi rừng. Vào ngày 13/6/2011, bệnh viện Thái An ở TP Vinh, Nghệ An cũng đã tiến hành nội soi vòm họng, gắp 1 con đỉa dài 15cm ở trong thanh quản của bệnh nhân Ngân Văn Cáng (SN 1989, huyện Thanh Chương, Nghệ An).

Con đỉa được gắp ra khỏi thanh quản của bệnh nhân Cáng dài tới 15cm. Theo anh Cáng, cách đây khoảng một tháng rưỡi, trong thời gian đi rừng, bệnh nhân này có uống nước ở suối, khe. Bởi vậy, con đỉa đã có cơ hội để xâm nhập vào người bệnh nhân.

Trước đó, vào tối 23/2/2010, các bác sĩ cũng đã phẫu thuật, gắp thành công con đỉa dài 15 cm từ trong phổi chị Lương Thị D., trú tại huyện Tương Dương, Nghệ An. Hai tháng trước, khi đi làm rẫy, chị D. cũng xuống khe suối uống nước thì bị đỉa chui vào miệng, rồi xuống phổi.

Hầu hết, những trường hợp trên là do người dân sử dụng nguồn nước không đảm bảo ở các khe suối, vũng tù trên rừng để uống, sinh hoạt. Trong quá trình này, những con đỉa có kích thước nhỏ chỉ vài mm đã theo nguồn nước chui vào cơ thể bệnh nhân. Sau quá trình ký sinh chúng hút máu vật chủ lớn lên nhanh chóng và gây ra triệu chứng về đường hô hấp. Do vậy chính bệnh nhân cũng không biết mình bị đỉa ký sinh từ khi nào.

L.Lan (Tổng hợp)