"Ai bảo anh là về đây dân quê không có tiền, chỉ có những người làm nông nghiệp, quanh năm cấy cày thì không có tiền, chứ ở quê vẫn nhiều đại gia lắm đấy".
"Mộng ước tan vỡ"
Thời gian 90 phút làm quen rồi trò chuyện với Mỹ Mỹ trôi nhanh. Khoảng thời gian ngắn ngủi không đủ để tôi thấu hiểu suy nghĩ cũng như cuộc sống của phận gái massage trong cái tổ “nhền nhện” này. Vì vậy, tôi quyết định đóng thêm 130.000 đồng để được gặp gỡ, trò chuyện với một cô gái "bán phấn buôn hương" khác.
Tuyết Lan, một cô gái có thân hình khá “hộ pháp” được gọi vào để "hầu chuyện" tôi. Theo lời giới thiệu của Tuyết Lan, năm nay cô bước sang tuổi 24, cái tuổi không còn ở phong độ đỉnh cao trong nghề, mà đang ở phía bên kia của “sự nghiệp”.
Trong khi tôi đang cố gắng lựa lời để tỏ rõ ý định chỉ muốn chuyện trò thì Tuyết Lan mau mắn sắp dụng cụ hành nghề ra giường. Lúc này, tôi có dịp quan sát kỹ hơn cô gái phải chôn chân ở chốn thị phi này. Trong chiếc giỏ xinh xinh rất "phụ nữ" là đầy đủ dụng cụ gồm khăn tắm, dầu làm nóng…Sau vài ba câu chuyện tào lao, cô gái trở nên thân thiện và cởi mở hơn.
"Không hiểu sao ba mẹ ở quê biết được việc em đang làm. Giờ em không còn đường về quê nữa". (Ảnh minh họa) |
Tuyết Lan tâm sự: “Em quê ở Cần Thơ, vào đây hơn 4 tháng rồi. Ngày trước học hết lớp 12, thi trượt đại học, em lên thành phố. Ban đầu, em cũng định tìm cho mình một việc gì đó làm tạm rồi sang năm thi tiếp, nhưng cái số em thi cử sao ấy, chắc không có duyên, toàn trượt thôi.
Thêm được một năm thì em quyết định đi làm. Qua mấy người bạn cùng quê, em bước chân vào làm ở một thẩm mỹ viện tại thành phố Hồ Chí Minh, sau đó qua Đà Nẵng, một vài nơi nữa và hiện tại là ở vùng quê hẻo lánh này”.
Theo Tuyết Lan, những cô gái miền Tây thì ra ngoài Bắc, còn gái miền Bắc thì lại vào trong Nam, đó là quy luật tất yếu của những cô gái massage.
"Chỉ như vậy họ mới có cơ hội để thể hiện hết trình độ tay nghề của mình. Làm cái nghề này chẳng ai gắn bó lâu dài ở một nơi cả. Chí ít thì cũng phải ra tỉnh khác, như vậy họ mới che giấu được thân phận, nghề nghiệp mình đang làm.
Đó còn là con đường lui để sau này còn có cơ hội kiếm tấm chồng khi về quê ở ẩn. Lúc đó với danh nghĩa đi làm ăn xa, không ai biết được mình đã làm việc gì", Tuyết Lan chua chát nói.
“Lâu rồi em không dám về quê, mà có về thì cũng còn quê đâu mà về. Từ ngày ba mẹ biết em làm nghề này, họ đã không còn coi em là con nữa, gửi tiền về cũng không còn nhận. Họ bảo mày đi đâu thì đi, chứ đừng bao giờ vác mặt về đây nữa, ở nhà mọi người coi mày như đã chết.
Đáng lẽ ra em về quê rồi đấy chứ, hơn một năm trước, khi đó gần tết rồi, em tính sẽ làm nốt năm rồi về quê ăn tết cùng gia đình. Khoản tiền em tiết kiệm được cũng đủ để em mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ rồi cố gắng kiếm lấy tấm chồng. Nhưng không hiểu sao ba mẹ ở quê biết được việc em đang làm và rồi em không còn đường về quê nữa”, Tuyết Lan cười ngượng kể tiếp.
"Ở quê vẫn nhiều đại gia lắm"
Kể đến đây, cô nhân viên im lặng hồi lâu. Để phá tan không khí nặng nề, tôi hỏi: “Sao em không làm ở ngoài thành phố mà lại về đây. Ở vùng quê hẻo lánh này, họ làm gì có tiền mà đến những chỗ như thế này ?”.
Tức thì, Tuyết Lan hào hứng kể: “Ai bảo anh là về đây dân quê không có tiền, chỉ có những người làm nông nghiệp, quanh năm cấy cày thì không có tiền, chứ ở quê vẫn nhiều đại gia lắm đấy. Không thế thì bọn em về đây húp cháo mà sống à”.
Nói về lý do rời bỏ chốn phồn hoa đô thị để về vùng quê hẻo lánh này, Tuyết Lan cười ngượng: "Làm ở thành phố em thấy mệt mỏi lắm. Ở ngoài đó gọi là đông khách nhưng dịch vụ massage thì nhan nhản ra đấy, đứa nào còn trẻ, có nhan sắc thì 'sống' ngon lành. Nhưng ở đó phải chịu nhiều áp lực lắm, ngay cả đến chi phí hàng ngày cũng gấp nhiều lần so với ở đây.
Đơn giản như mỗi tháng tiền ăn, tiền nhà rồi tiền bảo kê, bọn em mất 6 đến 7 triệu bạc rồi, còn tiền ăn tiêu... Chưa kể, khách ở thành phố, họ liều lĩnh lắm, nhiều lúc mình không cẩn thận một chút ăn đòn như chơi.
"Nghĩ về cái việc mình đang làm, bọn em cũng buồn, cũng tủi nhưng rồi lại tặc lưỡi: Việc ai người ấy làm, miễn là có tiền thôi" (Ảnh minh họa) |
Trong khi đó ở đây không khí trong lành. Mỗi buổi sáng thức dậy đứng nhìn cảnh vật rồi con sông này (sông Đáy - PV), em thấy thoải mái trong người. Công việc lại không phải chịu nhiều áp lực, ngay cả những vị khách gọi là dân ăn chơi ở đây thì họ vẫn có nét gì đó khác người thành phố, dễ chịu hơn.
Một tháng em chỉ phải đóng có 2 triệu, cả tiền ăn, tiền nhà rồi tiền chi cho quản lý mà khoản tiền mình kiếm được ít hơn ngoài thành phố không đáng kể”.
Tuyết Lan kể tiếp: "Còn một lý do, mà điều này em thấy mình luôn đúng khi quyết định về vùng quê này. Đó là về đây, những đứa như tụi em không có nơi tiêu tiền, cuộc sống chỉ loanh quanh ở đây. Có muốn mua một bộ quần áo mới, hàng hiệu một tí cũng phải đi hơn chục cây số.
Xe máy thì không có nên đành chịu thôi, khi nào bí bách quá thì nhảy xe bus lên thị trấn mua đồ. Ngoài ra, ở đây còn giữ được mình, nhiều đứa bạn em khi về đây đã bỏ được mấy trò ăn chơi thác loạn, đá đẩm đó (ma túy đá - PV), không vướng vào cuộc sống phức tạp như thành phố”.
Nói đến đây, mắt cô gái chợt ươn ướt: “Có điều là ở đây người dân họ miệt thị bọn em nhiều hơn. Họ coi bọn em như mấy đứa cave vậy. Trong mắt họ thì bọn em là những kẻ làm hư hỏng chồng và con họ. Bước chân ra đường là bọn em gặp ánh mắt khinh rẻ của người dân.
Giờ em cảm thấy sợ mỗi khi những ánh mắt đầy bí ẩn nhìn về mình. Đi ra đường, em không dám ăn mặc như ngoài thành phố đâu, lúc nào cũng phải đeo khẩu trang. Nhiều hôm đi lang thang còn bị mấy đứa trẻ chăn trâu chăn bò chọc ghẹo.
Ở đâu cũng có cái giá của nó anh ạ. Nhiều lúc ở đây nghĩ về cái việc mình đang làm, bọn em cũng buồn, cũng tủi nhưng rồi lại tặc lưỡi: Việc ai người ấy làm, miễn là có tiền thôi…”.
(Theo Giáo dục Việt Nam)