- Ngày 22/2, Công an TP Cần Thơ đã tổ chức họp báo, công bố kết luận điều tra lại từ đầu vụ án “Lập quỹ trái phép” tại Nông trường Sông Hậu (NTSH). Theo nội dung kết luận của Cơ quan điều tra (CQĐT), số tiền lập quỹ trái phép được xác lập theo điều tra lần này là hơn 10 tỷ đồng, số tiền gây thiệt hại là hơn 5,03 tỷ đồng, cao hơn kết luận điều tra cũ (4,7 tỷ đồng)!

Kết tội “nặng” hơn?

Trước đó, Tòa án Nhân dân huyện Cờ Đỏ và Tòa án Nhân dân TP Cần Thơ đã mở phiên sơ thẩm và phúc thẩm xét xử, tuyên cùng mức án 8 nằm tù giam đối với bị cáo chính của vụ án là bà Trần Ngọc Sương (Anh hùng Lao động, Nguyên GĐ NTSH). Cả 2 bản án đều chung nhận định và tuyên bà Sương 8 năm tù giam với tội danh “lập quỹ trái phép” và gây thiệt hại 4,7 tỷ đồng (trong thời điểm được xác định từ 2000-2007, khi giữ chức vụ Giám đốc NTSH).

Ngoài ra, ra toà trong vụ án này còn có 4 bị cáo khác (cũng là các CB-CNVC của NTSH) có liên quan trong vụ án, cũng nhận các mức án tù giam và tù treo khác nhau.

Sau đó, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao đã có văn bản kháng nghị toàn bộ 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm vụ án Lập quỹ trái phép tại NTSH; đồng thời trả hồ sơ, yêu cầu Cơ quan điều tra (CQĐT) tiền hành điều tra – xét xử lại theo thủ tục chung. Sau đó, Tòa án Nhân dân Tối cao cũng đã giám đốc thẩm vụ án và tuyên bác toàn bộ 2 bản án nói trên.

Buổi họp báo chiều 22/2
Sau nhiều tháng điều tra lại, chiều ngày 22/2, đại diện CQĐT công an Cần Thơ thông báo: “Trong quá trình quản lý NTSH, Trần Ngọc Sương và các đồng phạm đã thu các nguồn đưa vào lập quỹ trái phép, để ngoài sổ sách kế toán, không báo cáo tài chính theo quy định… Chi tiêu sử dụng trái nguyên tắc nhiều lần với tổng số tiền lập quỹ 10.135.277.366 đồng; gây thiệt hại 5.053.585.445 đồng…”.

Từ nhận định đó, CQĐT khẳng định: Bà Trần Ngọc Sương chịu trách nhiệm với vai trò đứng đầu, chủ mưu điều hành việc chỉ đạo cấp dưới lập quỹ trái phép và sử dụng gây thiệt hại trên 5 tỷ đồng là “đặc biệt nghiêm trọng”.

Vị đại diện CQĐT còn nhấn mạnh: “Đề nghị khi xét xử, cần phải có bản án thật nghiêm khắc để răn đe,phòng ngừa chung”.

Các bị cáo khác gồm: Bà Trương Hồng Nhung (Nguyên Phó GĐ NTSH) và ông Đặng Thế Quốc Hưng (Quyền Kế toán trưởng NTSH) được xác định là trực tiếp điều hành, thu chi trái phép và có vai trò “người trực tiếp cùng Sương chỉ huy thực hiện hành vi tội phạm…”.

Riêng các bị cáo: Nguyễn Văn Sơn (Thủ quỹ NTSH) và Hoàng Thị Bình (Kế toán NTSH) được CQĐT nhận xét “đã thành khẩn khai báo” nên đều được CQĐT đề nghị “áp dụng các tình tiết giảm nhẹ…”.

Trước đó, vào lúc 08h sáng ngày 22/2, kết luận điều tra nói trên (số công văn 08/KLĐT-PC46, ký ngày 21-02-2011) cũng đã được tống đạt đến 5 bị can trong vụ án. Ngay trong chiều ngày 22/02, hồ sơ vụ án cũng đã được CQĐT chuyển sang Viện KSND TP Cần Thơ để ra cáo trạng truy tố các bị can trong vụ án này.

Quá nhiều câu hỏi từ các cơ quan báo chí…

Đại tá Lê Việt Hùng – Phó GĐ Công an TP Cần Thơ – Thủ trưởng CQĐT, cho biết: Qua quá trình điều tra, chúng tôi đã 4 lần thông qua nội dung này với khối Nội chính TW; trong đó có cả đ/c Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tham dự.

Lần sau cùng, Thủ tướng ủy quyền đoàn công tác cùng Tòa án ND tối cao và VKSND tối cao cử đại diện vào tham dự, giám sát việc điều tra lại này có khách quan, đúng pháp luật hay không…

Tại cuộc họp báo, các cơ quan báo chí truyền thông tiếp tục đặt ra rất nhiều câu hỏi “hóc búa” trong quá trình điều tra lại vụ việc. VietNamNet trích đăng những nội dung chính của phần hỏi và trả lời giữa báo chí và CQĐT:

* Đại diện báo Tiền Phong:

- Bà Sương và luật sư nhiều lần khiếu nại và đề nghị giám định lại “bảng giám định tài chính” – căn cứ đi đến khởi tố vụ án. Tại sao CQĐT không tiến hành giám định lại?

CQĐT: Văn phòng BCĐ Phòng chống Tham nhũng TW đã có văn bản trả lời: trong vụ án này không cho thấy có sự nghi ngờ nào về giám định tài chính nên CQĐT không tiến hành giám định lại là đúng (?).

* Báo NTNN: Văn phòng BCĐ Phòng chống Tham nhũng TW không phải là cơ quan tố tụng, tại sao lại trả lời một vụ việc trong quá trình tố tụng? Văn bản trả lời số mấy, ký ngày nào và do ai ký?

CQĐT: Cái này là trả lời cho Luật sư Phan Trung Hoài. Vì Luật sư của bị cáo khiếu nại lên cơ quan đó. Các anh có thể liên lạc với luật sư Phan Trung Hoài (luật sư bảo vệ cho bà Sương) để biết chi tiết.

* Báo NTNN: Vì sao CQĐT lại không trả lời chính thức khiếu nại nói trên của các bị cáo và luật sư trong khi Luật Tố tụng Hình sự quy định đây là trách nhiệm của các cơ quan tố tụng?

CQĐT: Từ khi điều tra xét xử lại chưa thấy có khiếu nại vấn đề này.

* Báo Tuổi trẻ: Đề nghị CQĐT có so sánh, kết luận hôm nay so với trước đây có những điểm gì khác nhau? Những điểm gì chung còn giữ lại?

CQĐT: Chúng tôi đã có kết luận tóm tắt. Yêu cầu các báo chí liên lạc với CQĐT để có văn bản chính thức có nội dung cụ thể.

* Báo Đại Đoàn kết: Kết luận điều tra này không đề cập đến 7 vấn đề nêu trong kháng nghị của VKSND Tối cao. Vậy CQĐT đã xử lý 7 kháng nghị nói trên như thế nào?

CQĐT: Qua làm việc với các ngành thuộc khối nội chính TW, cả 7 vấn đề kháng nghị này chúng tôi đã thẩm tra – điều tra lại, không có gì sai sót so với kết luận điều tra lần trước. Việc này chúng tôi đã có báo cáo TW rồi!

* Báo Phụ nữ TP.HCM: Sau khi xét xử sơ thẩm ở Tòa án ND huyện Cờ Đỏ, gần 1 tháng sau VKSND huyện Cờ Đỏ đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Trần Ngọc Sương thêm tội danh “tham ô”. Nhưng đến nay chưa thấy đưa ra xét xử. Vậy tội danh này có điều tra không và có xét xử không?

CQĐT: Sau khi VKSND Tối cao kháng nghị, Tòa án ND Tối cao giám đốc thẩm đã tuyên hủy 2 bảng án sơ thẩm, phúc thẩm và hủy luôn nội dung khởi tố tội danh “tham ô” nói trên. Nên vụ việc này muốn xét xử phải ra quyết định khởi tố và điều tra – xét xử lại.

* Báo Tiền Phong: NTSH là cơ quan trực thuộc Sở NN&PTNT Cần Thơ. Trong suốt thời gian gần 10 năm trời bị cho là sai phạm, lập quỹ trái phép hơn 10 tỷ đồng… tại sao CQĐT không điều tra Sở NN&PTNT Cần Thơ cũng như những người đứng đầu sở này vì thiếu trách nhiệm trong quản lý, gây hậu quả nghiêm trọng?

CQĐT: Chúng tôi đã có báo cáo việc này sang UBND thành phố và UBND thành phố có trách nhiệm kiểm điểm từng ngành, từng cá nhân cụ thể về mặt quản lý.

VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin diễn biến vụ án này đến bạn đọc.

Bà Trần Ngọc Sương (Nguyên GĐ NTSH):
 Tôi hoàn toàn không đồng ý với kế luận điều tra!
 Trong ngày 22/02, PV đã liên lạc với bà Trần Ngọc Sương để hỏi quan điểm về bản KLĐT lần này của CQĐT, bà Sương cho biết:
 - Tôi hoàn toàn không đồng ý với toàn bộ nội dung kết luận điều tra của CQCSĐT - Công an TP.Cần Thơ. Kết luận này đã đánh giá sai lệch toàn bộ bản chất sự việc và hành vi của tôi trong vụ án NTSH. Việc đề nghị truy tố tôi về tội danh lập quỹ trái phép là không có căn cứ pháp lý, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng…
 Vì sao bà lại cho rằng kết luận này vi phạm thủ tục tố tụng?
 
- Trong quá trình điều tra lại, tôi vẫn tiếp tục nhiều lần yêu cầu đối chất đầy đủ với những người có liên quan vụ án nhưng CQĐT không thực hiện. Tôi và luật sư cũng nhiều lần khiếu nại bảng giám định tài chính NTSH. Luật sư cũng gửi văn bản yêu cầu giám định lại vì nghị ngờ tính khách quan của kết quả giám định nói trên… Nhưng CQĐT không trả lời và cũng không đáp ứng yêu cầu chính đáng của chúng tôi.
 Bà có dự định gì sau khi kết luận này chuyển sang VKSND TP.Cần Thơ?
 
- Tôi đã có văn bản khiếu nại kế luận điều tra này. Sắp tới tôi và luật sư đại diện sẽ có văn bản kiến nghị các cơ quan như Viện KSND Tối cao và VKSND TP.Cần Thơ, các cơ quan tiến hành tố tụng TW, xem xét lại để đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với tôi.
 Xin cảm ơn bà!
 

Luật sư Nguyễn Trường Thành – Trưởng Văn phòng Luật sư Vạn Lý, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Tr ần Ngọc Sương:
Không có căn cứ xác định tội danh “lập quỹ trái phép”

LS Nguyễn Trường Thành
Trao đổi với PV về Kết luận điều tra vừa công bố về vụ án NTSH, Luật sư Thành nhận xét:
- Nói chung kết luận này không có gì khác so với kết luận cũ. Chỉ khác chăng là số liệu về quỹ trái phép được đưa ra lớn hơn, lên đến trên 10 tỷ đồng. Do đó số tiền thiệt hại quy trách nhiệm cho các bị can cũng nặng hơn, là trên 5 tỷ đồng…
Nhưng điểm đáng chú ý nhất của kết luận lần này là CQĐT đã bác bỏ hầu như toàn bộ nội dung kháng nghị của Viện KSND Tối cao. Do đó, kết luận này vẫn tiếp tục vấp phải một số thiếu sót...
PV: Theo luật sư, những thiếu sót đó là gì?
- Về cơ sở lý luận của tội danh “lập quỹ trái phép”, tội danh này chỉ sử dụng để kết tội người có chức vụ và quyền hạn và sử dụng chức vụ quyền hạn ấy để lập ra quỹ. Tuy nhiên, người thành lập quỹ này là ông Trần Ngọc Hoằng (nguyên Giám đốc NTSH, cha ruột của bà Sương - PV) đã qua đời. Bà Sương chỉ duy trì quỹ chứ không thành lập ra quỹ. Mà cho đến nay, pháp luật vẫn chưa có điều khoản nào quy định xét xử hành vi “duy trì”...
PV: Nhưng việc quỹ này bị thất thoát tiền tỷ và thiệt hại từ chi thu sai nguyên tắc là có thật. Vậy nếu không phải là các bị cáo thì ai sẽ chịu trách nhiệm, thưa luật sư?
- Nói về tham ô – tham nhũng, tôi nhớ Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần phát biểu chỉ đạo: nơi nào để xảy ra vụ việc tham ô – tham nhũng, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Vụ việc ở NTSH được xác định là kéo dài từ năm 2000 đến 2007, nhưng cơ quan chủ quản NTSH là Sở NN&PTNT Cần Thơ lại không một lần thanh tra – kiểm tra để phát hiện cái quỹ này, rồi đi đến nhắc nhở, chấn chỉnh hay xử lý…
Quản lý nhà nước một đơn vị mà để xảy ra thiệt hại trên 5 tỷ đồng như kết luận điều tra, thì là sự việc “rất nghêm trọng” rồi. Vậy, trách nhiệm quản lý của Sở này đến đâu? Ai chịu trách nhiệm trên số tiền thiệt hại thất thoát đó? Lý do gì CQĐT không điều tra cơ quan chủ quản này?
Một vấn đề khác đặt ra là nếu không tiến hành điều tra cơ quan chủ quản, liệu có bỏ “sót người, lọt tội” không?
PV: Nhưng trên thực tế CQĐT đã đưa ra được con số thiệt hại thất thoát từ việc chi thu quỹ này. Ông nghĩ sao?
Trên thực tế CQĐT chưa chứng minh được hậu quả thiệt hại là bao nhiêu (?). Bằng chứng là hai bảng kết luận điều tra cũ và mới rất mâu thuẫn nhau. Cả hai đều cùng dựa vào một kết quả giám định tài chính, trong khi đó lại đưa ra những con số thiệt hại hoàn toàn khác nhau. Vậy con số nào là có giá trị pháp lý?
Tôi cũng nói thêm, kết quả giám định tài chính ấy là căn cứ tiến hành điều tra xét xử vụ việc tại NTSH. Nhưng bị can và luật sư đã nhiều lần khiếu nại tính khách quan của giám định và yêu cầu giám định lại. Tuy nhiên, CQĐT không cho tiến hành giám định lại. Điều đó là vi phạm Bộ luật Tố tụng Hình sự.
PV: Vì sao việc không tiến hành giám định lại tình hình tài chính được cho là vi phạm Bộ luật Tố tụng Hình sự, thưa luật sư?
- Bộ luật này nêu rõ: Trong 1 vụ án hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm trả lời và giải quyết khiếu nại của bị can, bị cáo và các thành phần khác tham gia tố tụng...
Xin cảm ơn luật sư!

  

Trường Minh - Quốc Huy – Huy Bình