- Trong nhiều lĩnh vực Hà Nội yêu cầu xã hội hóa, có cả vấn đề nghĩa trang. Những cái tên mới như Công viên Vĩnh Hằng, Lạc Hồng Viên… dù mới bắt đầu xuất hiện một vài năm gần đây nhưng đã nhanh chóng trở thành những địa chỉ nhiều người quan tâm. Trong số đó, có cả những thanh niên cũng bắt đầu… lo xa tìm chỗ cho việc hậu sự.

“Quy hoạch xôi đỗ!”

Hà Nội hiện có 7 nghĩa trang tập trung và gần như đã lấp đầy từ rất lâu. Những nghĩa trang này phần lớn được xây dựng từ những năm 40- 50 của thế kỷ trước.

Trong 7 nghĩa trang, chỉ có duy nhất nghĩa trang Thanh Tước (Mê Linh – Hà Nội) là có hệ thống xử lý nước rỉ.

Nghĩa trang Thanh Tước đã... hết chỗ và sẽ được đóng cửa vào năm 2012.
 

Ngoài ra, Hà Nội còn có hàng ngàn nghĩa trang nhỏ lẻ khác nằm ở 29 quận huyện thị xã.

Sau khi Quy hoạch chung nghĩa trang HN được Thủ tướng phê duyệt, viện QHXD được giao lập quy hoạch vùng và trình Thủ tướng phê duyệt vào quý 2/2012.

Theo đánh giá, chưa bao giờ vấn đề quy hoạch nghĩa trang được thực hiện bài bản như lần này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu đến hết 2012 các nghĩa trang trong nội thành Hà Nội sẽ phải ngừng hung táng để đảm bảo vấn đề môi trường và mỹ quan thành phố.

Tuy nhiên, nghĩa trang nào sẽ phải di dời, nghĩa trang nào sẽ phải đóng cửa và thành công viên sẽ phải nghiên cứu.

Cùng với nghĩa trang Thanh Tước, nghĩa trang Yên Kỳ cũng có chung thực trạng quá tải.

Ông Lê Vinh, Phó Viện trưởng Viện QHXD Hà Nội – đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng quy hoạch vùng nghĩa trang trên địa bàn Thủ đô cho biết: “Trong các khu đô thị, chúng ta khẳng định không thể tồn tại nghĩa trang, đặc biệt là nghĩa trang hung táng vì nó không đảm bảo vấn đề mỹ quan môi trường. Tuy nhiên, di chuyển ngay, đóng ngay cũng phải có lộ trình”.

Theo Quy hoạch chung đến năm 2030, Hà Nội sẽ cải tạo và xây mới, mở rộng thêm 14 nghĩa trang tập trung, trong đó quy mô nhất là nghĩa trang Yên Kỳ 2 nằm tại huyện Ba Vì với 150ha – 383ha.

Dự kiến, sẽ có 6 nghĩa trang đóng cửa cải táng và hung táng trong vòng 2 năm tới, gồm các nghĩa trang: Mai Dịch 1 (Quận cầu Giấy: 5,5ha); Mai dịch 2 (huyện Thạch Thất): 57 – 200ha; Vạn Phúc (Hà Đông): 5ha; Xuân Đỉnh (Từ Liêm): 5,5ha; Thanh Tước (Mê Linh): 14ha; Minh Phú (Sóc Sơn): 60 – 130ha; Thụy Lâm (Đông Anh): 8ha.

Theo yêu cầu quy hoạch, mỗi huyện thị ngoại thành sẽ phải dành quỹ đất cho ít nhất một nghĩa trang quy mô lớn.

Tất cả các nghĩa trang cũ, quy mô nhỏ, phân tán, tự phát sẽ di chuyển đến nghĩa trang tập trung.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét: quy hoạch nghĩa trang của Thủ đô Hà Nội cơ bản là tự phát và ở dạng “xôi đỗ”, không theo quy củ và không có bài bản.

Cũng chính vì sự tự phát đó, khi quy hoạch chung Thủ đô được lập, rất nhiều nghĩa trang nhân dân, nghĩa trang tự phát này đều nằm trong diện di dời vì  nằm trong quy hoạch chung, có dự án đi qua.

Đó là thực tế khách quan không thể không tránh khỏi.

“Tôi đi công tác nhiều ở nước ngoài, tôi thấy nghĩa trang của họ thực sự là những công viên. Đấy không chỉ là nơi yên nghỉ chỉ dành cho những người đã chết, nó còn là không gian công cộng cho cả người sống đến thư giãn. Điều đó còn có ý nghĩa quan trọng trong sự gắn kết giữa người sống và những người đã mất” – sử gia Dương Trung Quốc nói.

Hà Nội sẽ có 32 nhà tang lễ vào năm 2020

Cách đây không lâu, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã ra Nghị quyết về quy hoạch nghĩa trang, nhà hỏa táng, nhà tang lễ thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Theo quy hoạch nghĩa trang, nhà hỏa táng, nhà tang lễ thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, Hà Nội xác định đến năm 2020, toàn thành phố có 32 nhà tang lễ, đến năm 2030 là 38 nhà tang lễ và đến năm 2050 là 44.

Trong quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ có 32 nhà tang lễ và nhiều nghĩa trang tập trung được mở rộng và xây mới.
 

Thành phố sẽ quy hoạch mở rộng các nghĩa trang Thanh Tước, Vĩnh Hằng, Yên Kỳ. Ở khu vực phía Bắc, sẽ xây mới các nghĩa trang thuộc huyện Đông Anh, với diện tích 20 ha, các nghĩa trang ở Minh Phú – Sóc Sơn, diện tích 100 ha để phục vụ nhu cầu của nhân dân các khu đô thị huyện Đông Anh, Sóc Sơn…

Trong khi đó, Khu đô thị Mê Linh sẽ sử dụng nghĩa trang Thanh Tước. Khu vực phía Đông xây mới nghĩa trang Trung Màu diện tích 53 ha phục vụ các khu đô thị Long Biên, Gia Lâm.

Khu vực phía Nam xây dựng nghĩa trang xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) diện tích 21 ha. Khu vực phía Tây xây dựng nghĩa trang tại xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ) diện tích 22 ha; nghĩa trang Mai Dịch 2 tại huyện Thạch Thất diện tích 100 ha.

Ngoài ra, một số nghĩa trang tập trung khác cũng sẽ được mở rộng hoặc xây mới, gồm có: Nghĩa trang Văn Điển - Thanh Trì 18,3ha; Yên Kỳ 1: 38,4ha; Yên Kỳ 2 (150- 383ha); Vĩnh Hằng - Ba Vì (18,3ha); Trung Sơn Trầm – Sơn Tây: 14ha; Sài Đồng – Gia Lâm: 0,6ha; Lệ Chi – Gia Lâm: 22 – 68ha. 

Lạc Hồng Viên (Kỳ Sơn, Hòa Bình) - một trong những dự án công viên nghĩa trang được Hà Nội kề gọi xã hội hóa.
 

Hà Nội cũng sẽ từng bước đóng cửa các nghĩa trang hiện có đã hết khả năng khai thác. Những nghĩa trang nằm trong diện đóng cửa hầu hết vì lý do, sau một thời gian rất dài kể từ khi có mặt, những nghĩa trang này đến thời điểm hiện tại đều đã quá tải, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị.

Sau hơn 50 năm hoạt động, nghĩa trang Văn Điển với diện tích 18 ha đã dừng tiếp nhận các trường hợp hung táng sau khi đã quá tải và gây ô nhiễm môi trường nặng nề.

Ông Hoàng Thành Thái - Trưởng Ban phục vụ tang lễ thành phố (thuộc Sở Lao động – Thương binh & Xã hội Hà Nội) cho biết, sau khi đóng cửa nghĩa trang Văn Điển, nay đến lượt 2 nghĩa trang Yên Kỳ (cũ), Thanh Tước cũng bắt đầu quá tải.

Nghĩa trang Thanh Tước gần hết chỗ địa táng, còn nghĩa Yên Kỳ (cũ) chỉ còn đủ năng lực tiếp nhận trong khoảng hơn chục tháng nữa.

Bên cạnh đó, các nghĩa trang mới sẽ được đầu tư đang gặp vướng mắc khâu mặt bằng và chưa thể đưa vào sử dụng như: Sóc Sơn, Yên Kỳ mở rộng…

Trong khi đó, tại các nghĩa trang tự phát ở Hà Nội cũng rất khó để mua được chỗ dù phải trải qua nhiều khâu trung gian, “cò đất” hoặc mượn chỗ nhưng chi phí cũng 50-90 triệu một ngôi.

Thực tế này đã phản ánh một thực trạng chung của nghĩa trang tại Thủ đô: chật chội, quá tải, quy hoạch lộn xộn, giá đắt đỏ, dịch vụ không có và… có thể bị di dời bất kỳ lúc nào.

Nỗi lo lắng về chuyện hậu sự không còn là “chuyện riêng” của mỗi gia đình, nó là vấn đề chung được quan tâm của toàn xã hội.

Vì thế, trong nhiều lĩnh vực Hà Nội yêu cầu xã hội hóa, có cả vấn đề nghĩa trang. Những cái tên mới như Công viên Vĩnh Hằng, Lạc Hồng Viên… dù mới bắt đầu xuất hiện một vài năm gần đây nhưng đã nhanh chóng trở thành những địa chỉ nhiều người quan tâm.

Trong số đó, có cả những người trẻ cũng bắt đầu… lo xa tìm chỗ cho việc hậu sự.

Kiên Trung