- Đứng đầu “Tứ đại giang hồ” là “thành tích” lớn nhất của Đại Cathay khiến y trở nên kiêu ngạo, “xem trời bằng vung”. Đại Cathay và bọn quân sư, đàn em không biết rằng, đó là con đường dẫn đến cửa tử sớm nhất.
Hùng “đầu bò”, một đàn em thuộc loại “có chữ” của Đại Cathy vô cùng cảm phục uy danh, đi đâu cũng hay xưng tụng đại ca.
Nhà văn Duyên Anh (tên thật là Vũ Mộng Long) từ Bắc di cư vào Nam, lúc này đã nổi tiếng với nhiều tác phẩm cho thanh thiếu niên, đang là chủ bút tờ Tuổi Ngọc, quen Hùng “đầu bò”, nghe kể, tỏ ra thích thú.
Hùng “đầu bò” xin ý kiến Đại Cathay. Để tỏ ra là người biết trọng nghệ thuật, Đại cho mời nhà văn Duyên Anh đến đàm đạo trong tiệm hút thuốc phiện Đông Kinh trên đường Ngô Tùng Châu, nay là đường Tôn Thất Tùng, quận 1.
Nhà văn Duyên Anh vốn “kết” với đề tài giang hồ
nên nghe Đại Cathay kể lại cuộc đời giang hồ, những trận thư hùng đẫm máu trên
đường phố, nhà văn ứng tác bài thơ tặng cho Đại Cathay. Bài thơ có đoạn:
Mái tóc nâu vương niềm đau thương
Quần Blue Jean chung thủy bạc thời gian
Bastos xanh gắn chặt ngón tay vàng
Mái tóc bồng rối loạn nét hồn hoang
... Hè đại lộ Paso dồn dập overnight
Lê gót giày nghiến trầy lưng phố xá...
Đại nghe xong, khoái chí, nhảy tưng lên, ôm chầm lấy nhà văn xiết chặt. Nhà văn Duyên Anh cũng cảm động không kém, phán tiếp: “Anh giống như nhân vật bước ra từ trang sách của Francoise Sagan!”. Nghe đến đây, dù chẳng biết nhà văn Francoise Sagan là ai nhưng cũng khiến Đại Cathay sung sướng muốn rụng rời chân tay.
Hắn quay lại hỏi đàn em một câu khiến ông nhà văn cụt hứng: “Sagan …là ông nào vậy?”. Lâm chín ngón phải kề tai nói nhỏ là nữ văn sĩ Pháp, chuyện viết về bụi đời, được giải Nobel… Đại càng thích hơn, mời nhà văn nhậu mấy chập.
Một thời gian sau Duyên Anh cho xuất bản tiểu thuyết “Điệu ru nước mắt” rất nổi tiếng. Nhân vật chính là Trần Đại, lấy nguyên mẫu từ Đại Cathay.
Có khác chăng nhân vật Trần Đại trong “Điệu ru nước mắt” xuất thân là con nhà giàu, học giỏi nhưng chán ghét thời cuộc, bỏ nhà theo tiếng gọi giang hồ, làm đại ca nhưng vô cùng nghĩa hiệp, cứu giúp kẻ thân cô thế cô, dám đánh cảnh sát ăn hối lộ.
Cuối cùng, vì chung thủy với mối tình vô cùng lãng mạn, đã chết trên hàng rào kẽm gai một cách lâm li bi tráng.
Đại Cathay (ảnh trái) và Tướng Nguyễn Ngọc Loan - người đã tìm cách tiêu diệt tên giang hồ khét tiếng. |
Hùng “đầu bò” tìm mua quyển tiểu thuyết, mừng lắm, đem về cho đại ca. Những phần đầu Đại Cathay đọc sướng lịm ngất ngây, lim dim thưởng thức.
Tuy nhiên, ở phần kết, Đại Cathay nổi khùng lên khi đọc tới đoạn nhân vật Trần Đại nằm vắt trên hàng rào mà chết.
Hắn thét lên: “Thằng Duyên Anh đáng chết, dám
chơi xỏ tao. Tao thế này mà phải lụy đàn bà đến khô cả xác à? Tụi bay tìm cắt
gân chân cho tao!”.
Mấy tên đàn em “có chữ” như Hùng “đầu bò”, Hoàng ghi ta xúm lại can ngăn, rằng
đó là hư cấu, “chết rất đẹp” chứ không phải “lụy đàn bà”, Đại nhất quyết phải
“luộc” Duyên Anh cho bằng được.
Hùng “đầu bò” vốn quen biết nhà văn Duyên Anh, lại hiểu rõ tại đại ca “dốt” chữ
chứ không phải nhà văn chơi xỏ nên lo cho nhà văn, mật báo tin dữ.
Duyên Anh nghe tin báo, rụng rời chân tay, không
kịp lấy quần áo, vội vàng dông thẳng lên Đà Lạt trốn đòn thù. May cho Duyên Anh
là cuối năm ấy (1966), Đại Cathay bị cảnh sát tống ra đảo Phú Quốc, mới dám trở
về Sài Gòn.
Tiếc cho cuộc đời Đại Catay, y không kịp sống để xem bộ phim “Điệu ru nước mắt”
do 2 diễn viên nổi tiếng thời bấy giờ là Trần Quang và Thanh Nga đóng.
Cái chết của Trần Đại trong phim và giọt nước mắt của người yêu tên Loan đã làm xúc động thế hệ khán giả thời bấy giờ vì đẹp như cái chết của Romeo và Juliet!
“Giang hồ không có vua”
Giai đoạn 1965 – 1966 là thời cực thịnh của băng Đại Cathay. Mỗi khi ra đường Đại Cathay ngồi trên chiếc xe mà Sài Gòn lúc ấy chỉ có 3 chiếc.
Bọn đàn em phóng mô tô ầm ầm theo sau. Chúng đi
đến đâu, náo loạn đến đấy. Chính quyền ngụy xem đám này chẳng khác gì cái gai
đâm vô mắt mà chẳng làm gì được.
Tướng râu kẽm cao bồi Nguyễn Cao Kỳ từng cho gọi Đại đến, dụ dỗ làm vệ sĩ cho
ông ta, nhưng Đại Cathay từ chối thẳng thừng, lấy cớ mình không làm đại ca nữa,
đàn em…thất nghiệp nhìn cảnh ấy không cầm lòng được !
Tướng Kỳ giận lắm, nhưng vẫn cố dụ thêm lần nữa: “Làm cho tôi, anh thành nhân
viên công lực của quốc gia, có danh có giá, sao lại không nhận? Tôi rất quý anh
nên mới bảo thế!”.
Đại nghe vậy, càng ngổ ngáo, nhất quyết từ chối: “Xin lỗi, tôi không hầu
thiếu tướng được!”.
Ngay sau đó, chính quyền ra tay. Tướng Nguyễn Ngọc Loan, kẻ nổi tiếng trong bức
ảnh cầm súng bắn chết một chiến sĩ biệt động thành, giám đốc Nha cảnh sát Đô
thành tuyên bố công khai trên báo, đài “Đặt giang hồ ra ngoài vòng pháp luật”.
Một “Trung tâm bài trừ du đãng” ra đời, trụ sở
đặt tại quận Thủ Đức, sát cầu Bình Triệu. Tướng Loan ra lệnh cho “biệt đội hình
cảnh” được phép bắn bỏ bất cứ tên giang hồ nào gây án và chống lại cảnh sát.
Lực lượng chuyên trách “Bài trừ du đãng” của tướng Loan hoạt động rầm rộ song
chỉ bắt được vài tên giang hồ tép riu. Kẻ đầu sỏ Đại Cathay vẫn nhơn nhơn ra đó
mà chẳng làm gì được.
Bị chê bai, tướng Loan thấy không thể diệt tên
tướng cướp sừng sỏ nên hạ mình, cho mời Đại đến gặp. Tướng Loan ra giá thẳng: “Tôi
sẽ cho anh chức đại úy, phó ty cảnh sát quận 7. Anh được toàn quyền nhưng phải
giúp tôi tiêu diệt hết bọn lưu manh, du đãng”.
Đại Cathay cũng từ chối thẳng: “Tôi xuất thân du đãng, sao có thể quay lưng
diệt du đãng được? Nếu tôi nhận lời, tôi chẳng mặt mũi nào nhìn đời nữa”.
Tướng Loan tức lắm, hạ giá: “Anh không nhận, tôi cũng không dám ép, nhưng anh
phải giải tán băng nhóm, đừng lộng hành nữa”.
Đại Cathay cũng ngã giá sẽ “không lộng hành nữa” với điều kiện để cho y và đàn
em toàn quyền làm ăn và cai quản khu cảng Sài Gòn, Khánh Hội, khu vực chợ vựa
Cầu Muối, và hai bên bờ Kinh Tẻ.
Thấy tên giang hồ cứng đầu, Nguyễn Ngọc Loan nổi
khùng: “Tôi lệnh cho anh giải tán hết, nếu không giang hồ, du đãng sẽ không
còn đất sống!”.
Đại Cathay không hề run sợ, trả lời: “Giang hồ không có vua, tôi đâu có ra
lệnh cho các băng khác được!”.
Tiếng tăm Đại Cathay đã nổi như cồn trong giới giang hồ, nay càng nổi hơn nữa.
Các tên giang hồ ở các băng nhóm khác nô nức về phủ phục dưới chân Đại Cathay
xin làm đàn em.
Cái chết của trùm giang hồ Sài Gòn
Tưởng rằng, chẳng còn ai trị được, Đại Cathay ngày càng lộng hành hơn. Vũ trường Olympic là chốn riêng tư của tướng Loan vì ông tướng này có cô bồ là một vũ nữ xinh đẹp ở đây. Mỗi lần đến “thăm” bồ, tướng Loan kéo theo hàng chục lính bảo vệ có máu cô hồn.
Băng của Đại chẳng ngán ngại gì, cậy nhiều tiền, vào đây giành sạch em út khiến đám vệ sĩ của tướng Loan nổi khùng. Hai bên choảng nhau, súng nổ, Đại Cathay bị một viên đạn găm vào chân, may mà đàn em dìu chạy ra ngoài thoát thân.
Sau đó, một chiến dịch lớn truy bắt du đãng diễn
ra quyết liệt. Lúc này đại úy Trần Kim Chi là khắc tinh của đám giang hồ Sài
Gòn, nhiều đàn em của Đại Cathay bị tóm.
Một hôm đại úy Chi đang lái xe Jeep trên đường bỗng một chiếc xe tải to đùng ầm
ầm lao tới, cán lên khiến đại úy Chi và xe bẹp dính vào nhau.
Giọt nước đã tràn ly, dù không có bằng chứng, Đại Cathay bị tóm cổ với tội danh
“du đãng đặc biệt” vào tháng 8 năm 1966. Ngày 28/11/1966, Đại Cathay cùng nhiều
tên du đãng khác bị tống lên máy bay C47 đưa ra giam ở nhà lao Phú Quốc.
Những ngày tháng bị giam trên đảo cùng nhiều đàn em khiến Đại Cathay không khỏi
bứt rứt, nhớ Sài Gòn. Y bí mật lệnh cho vợ và đàn em đang ở ngoài tuồn vào 60
cây vàng lo lót cho bọn cai ngục để trốn trại.
Mọi việc diễn ra đúng như kế hoạch vượt ngục của
Đại và đồng bọn. Song Đại Cathay mãi mãi không biết rằng, mọi toan tính của hắn
lúc này đều bị tướng Loan ngồi tận Sài Gòn theo dõi sát sao.
Đêm vượt trại, Đại khuyên như lời trăng trối với tên đàn em tin cẩn nhất là Lâm
"chín ngón" hãy bỏ thuốc phiện để chờ ngày trở về “dựng lại cơ đồ” nếu chuyến đi
không trót lọt. Sau đó, Đại cùng mấy tên đàn em khác đào thoát, trốn ra ngoài.
Phần này đúng như kế hoạch vạch ra. Cả bọn chui
ra khỏi hàng rào, nhằm hướng biển chạy tới. Theo kế hoạch, có một chiếc tàu chờ
sẵn sẽ đưa cả bọn vào đất liền. Nhưng bỗng lúc ấy súng nổ vang trời…
Sáng hôm sau báo chí Sài Gòn đăng tải ầm ĩ rằng Đại Cathay vượt ngục, trốn trại
trên đảo Phú Quốc, 'bị Việt cộng bắn chết'. Năm ấy, Đại Cathay vừa tròn 26 tuổi!
Mãi sau năm 1975, đại úy Thanh, người của tướng Loan phái ra đảo Phú Quốc đêm
Đại vượt ngục tiết lộ rằng, Đại đã bị lực lượng đặc biệt của tướng Loan bắn chết
sau khi ra khỏi trại. Đội hành quyết đặc biệt của tướng Loan được máy bay trực
thăng chở đến phục kích sẵn, mặc bộ đồ bà ba, sử dụng súng AK…
Duy Chiến