- Ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng các thành viên câu lạc bộ UNESCO Hà Nội vẫn đều đặn thực hiện những chuyến đạp xe đường dài và làm công tác từ thiện. Đến nay, câu lạc bộ đã có 470 chuyến đi thành công. Và chuyến đi nào cũng được đặt cho một cái tên.
Càng đi càng khỏe
Chuyến đi gần nhất vừa kết
thúc vào ngày 22/12, kéo dài 60 ngày, trải dài trên 4 nước Việt Nam, Lào,
Campuchia, Thái Lan và chỉ tiêu tốn của các thành viên 5 triệu đồng/người!
Khởi hành từ Hà Nội ngày 20/10, 12 cụ trong CLB đã đạp xe trên quãng đường dài
3.500 km, qua Hòa Bình - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh -Lào - Thái Lan - Lào -
Thừa Thiên Huế - Quảng Nam - Kon Tum - Campuchia - Kon Tum - Quảng Ngãi - Quảng
Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế - Quảng Trị - Quảng Bình - Hà Tĩnh - Thanh Hóa và
trở về Hà Nội ngày 22/12.
Đoàn đạp xe "xuyên Đông Dương" của CLB UNESCO Hà Nội do cụ Ngô Vi Thọ (thứ 2 từ phải sang) dẫn đầu. Chuyến đi kéo dài 2 tháng, vừa kết thúc vào ngày 22/12 vừa qua (Ảnh do đoàn cung cấp) |
Cụ Ngô Vi Thọ năm nay 77 tuổi, trú tại xã
Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội là người duy nhất trong số 151 thành viên của
câu lạc bộ đi đủ 470 chuyến và là người dẫn đầu đoàn. Cụ đã có 5 lần đạp xe vòng
quanh đất nước, 3 lần đạp xe sang Lào, Thái Lan.
Với vấn đề sức khỏe, cả đoàn “dắt túi” những kinh nghiệm dân gian để ứng phó khi
gặp sự cố.
Cụ Thọ cho biết: “Ai cũng lo các cụ già đi đạp xe xuyên Việt thì không ổn, đặc biệt là về sức khỏe. Nhưng đã đi nhiều lần rồi nên các cụ không còn thấy vất vả. Có cụ đang bị cao huyết áp, đi đạp xe đường dài vài lần về nhà chẳng thấy bệnh đâu nữa. Có cụ càng đi càng khỏe ra vì nó đã lấn lướt hết cả bệnh tật”.
Theo cụ Thọ, CLB UNESCO Hà Nội ra đời năm 1997
với 3 thành viên. Chuyến đi đầu tiên bằng xe đạp khởi hành từ Hà Nội về quê
hương Bác nhân dịp 19/5/1997 và được đặt tên là “Về thăm nguồn cội”.
Thấy chuyến đi suôn sẻ, đoàn đã lên kế hoạch đi thêm các tỉnh thành khác, rồi đi
xuyên Việt, đi vòng quanh đất nước và đi sang cả các nước láng giềng thân cận.
Tất cả những hành trình ấy đều được đi bằng xe đạp sẵn có của các thành viên
trong đoàn!
Cụ Thọ cho biết: “Trước mỗi chuyến đi, chúng tôi đều tính toán rất chi tiết
khoảng cách địa lý, thời gian và thực hiện lịch trình rất nghiêm túc để kiểm
soát mọi việc. Trước khi đi, chúng tôi cũng gửi thư cho chính quyền địa phương
nơi đến để được tạo điều kiện giúp đỡ”.
Trên đường đi, dẫu có chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu thì đoàn cũng không tránh khỏi những lúc có sự cố. Có lần cụ Thọ đã để quên máy ảnh, đi mấy chục cây số mới nhớ ra. Lại có cụ lúc gần bước sang đất Lào phải quay về vì ở nhà có việc quan trọng.
Còn sức thì còn đi
Bên cạnh việc đạp xe xuyên Việt để tìm hiểu, khám
phá đất nước, CLB còn làm công tác từ thiện. Với mỗi gia đình chính sách nơi
đoàn đi qua trong đợt đạp xe 2 tháng vừa qua, CLB sẽ tặng 200.000 đồng. Tổng
cộng đoàn đã tặng 22.200.000 đồng cho 110 gia đình chính sách.
“Để thực hiện chuyến đi kéo dài 60 ngày, mỗi người đóng góp 5 triệu đồng.
Tiền làm từ thiện cũng lấy từ đó mà ra. Đi 60 ngày mà chỉ hết có 5 triệu, trong
đó có 1,5 triệu được đổi để tiêu trên đất bạn Lào, quả là không tưởng. Đoàn đi
đến đâu cũng được người dân địa phương giúp đỡ chuyện ăn, ở, vì thế mà tiết kiệm
rất nhiều”, cụ Thọ cho hay.
Các cụ không gặp khó khăn nhiều về tài chính do hầu như ai cũng có lương hưu và chủ động được chi phí, không cần phải xin con cháu.
Các cụ trong đoàn đạp xe cho biết việc đi "xuyên Việt" thành công đã khiến các cụ vượt qua được những nỗi sợ hãi, cả về sức khỏe lẫn niềm tin. Chừng nào còn sức khỏe, các cụ sẽ cồn tiếp tục hành trình (Ảnh do đoàn cung cấp) |
Trên đường đi, đoàn gặp không ít khó khăn như phải chịu đựng nhiều địa hình với thời tiết phức tạp. Đó là chưa kể sang nước bạn Lào, Thái Lan, Campuchia thì không có điện thoại, bất đồng ngôn ngữ, liên lạc rất khó khăn…
Những lúc như vậy, đoàn cố gắng tự tìm cách khắc
phục hoặc nhờ đến Đại sứ quán Việt Nam để nhận được sự giúp đỡ.
Ban đầu khi mới tham gia vào hành trình, các cụ bị con cháu phản đối quyết liệt,
có cụ còn bị con cháu cho là bị “giời đày” mới đi như vậy, thậm chí còn có những
dư luận xấu, cho rằng các cụ muốn làm việc “khác người”, “vô công rỗi nghề”, có
“động cơ” gì đó trong việc này…
Tuy nhiên, bà Vương Nguyệt Anh (71 tuổi, trú tại xã Hữu Hòa, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết sau khi đi vài chuyến, những dư luận đó đã dần bị dập tắt, con cái cũng không còn can ngăn vì thấy cha mẹ khỏe mạnh hơn, làm nhiều việc có ích hơn.
“Ban đầu đi cũng mệt lắm chứ, nhưng được trải nghiệm những vùng đất mới, được bà con khắp đất nước đón chào thì mọi mệt mỏi tiêu tan. Sau những chuyến đi, tôi cảm thấy sung sướng, hạnh phúc vì mình đã chiến thắng được bản thân, cả về sức khỏe lẫn niềm tin”, bà Vương Nguyệt Anh cho hay.
N.Anh