- Trước một tòa nhà nguy nga đồ sộ, trên thềm 4 người đàn ông đang chìm sâu vào giấc ngủ. Hai người khác vẫn còn ngồi trò chuyện với nhau. Bên ngoài, thời gian đã bước vào 0g ngày 30/12. Dường như đối với họ, không có một khái niệm nào về năm mới sắp đến…

Những mảnh đời nghiệt ngã

Hình ảnh đó chúng tôi bắt gặp tại góc giao lộ Tô Hiến Thành – Sư Vạn Hạnh (P15, Q.10, TP.HCM) vào nửa đêm của những ngày cuối năm dương lịch, khi cùng đi với một nhóm thanh niên thiện nguyện.

6 người cơ nhỡ trước tòa nhà góc Tô Hiến Thành – Sư Vạn Hạnh.
 

Những anh em này tiến đến gọi từng người thức dậy. Một anh trong nhóm thưa chuyện: “Chúng em có chút quà gửi tặng các anh, các chú vào dịp cuối năm. Chúc các anh các chú năm mới nhiều niềm vui và may mắn”.

Một gói quà nhỏ, một phong thư trong đó có một chút tiền ít ỏi nhưng khi trao tay, nét rạng ngời thể hiện trong ánh mắt người nhận. Một người trong nhóm nói: “Đang ngủ nhận được quà và tiền, có phải trong mơ không?”.

Thì ra cả 6 người là 6 hoàn cảnh, thân phận khác nhau. Tất cả đều gặp nhau ở một điểm, họ là những người cơ nhỡ không nơi nương tựa. Vỉa hè, hành lang, nơi nào ngã lưng, tìm được giấc ngủ đều là nhà của họ.

Một cụ già tóc bạc buồn rầu cho biết: “Tôi cũng có nhà cửa, ruộng vườn nhưng mãi tận Rạch Giá. Nhà neo đơn, cháu lại bị bệnh tim từ nhiều tháng qua, hiện vẫn đang điều trị tại viện Tim TP.HCM. Theo nuôi bệnh cho con, tiền bạc trong nhà “ra đi không trở lại”. Ban ngày tôi ở với cháu, ban đêm bệnh viện không cho ở, tôi phải ra đây”.

Hai người không ngủ là những người lỡ đường. Họ chỉ còn đủ tiền để mua vé xe về nhà nên không thể thuê một phòng trọ hoặc khách sạn nào để qua đêm. Họ ngồi như thế để mong đến trời sáng, thả bộ đến bến xe tìm cách về nhà.

Quà được trao tận tay. Cụ già tóc bạc là người nuôi con ở viện Tim
 

Đã 0h30 nhưng khu vực chợ Hòa Hưng vẫn còn nhộn nhịp. Trên lề đường, một phụ nữ và một người đàn ông trên chiếc xe lăn vẫn còn đon đả mời chào người qua đường mua vé số.

Cả hai người đều cùng quê Phú Yên. Người đàn ông tuổi đã quá 50, chân bị gãy được vợ đẩy xe.

Người phụ nữ đã ngoài 60 liệt nửa người do tai biến. Em trai bà, tóc hoa râm nắm càng xe, đẩy bà tiến về phía trước.

Bà nói không tròn chữ: “Ở quê không có ruộng đất, hai anh em phải vào Sài Gòn bán vé số kiếm tiền mưu sinh và chữa bệnh”.

Bà cho biết mỗi vé lãi 1.000đ. Hai chị em phải lê la khắp đường phố để làm sao bán được 200 vé. Số tiền lời này để chi dùng ăn uống, có thừa chút đỉnh gửi về quê giúp con cháu.

Em đẩy chị đi bán vé số trong đêm.
 

Đã qua nửa đêm nhưng cả hai người, đôi mắt vẫn còn ráo hoảnh. Một tí nữa đây, những người này sẽ ghé vào một mái hiên nào đó để chợp mắt qua đêm. Sài Gòn đang vào mùa khô. Giả sử như đêm nay trời mưa không biết rồi những mảnh đời này sẽ ra sao !?

Tiếp cận một nhóm 6 người khác, họ đang ngon giấc trên 4 chiếc xích lô và 2 chiếc xe gắn máy quây quần trên vỉa hè đường Võ Thị Sáu, bên hông viện Pasteur (Q.3).

Họ choàng tỉnh giấc khi nhóm thanh niên thiện nguyện ghé vào. Mỗi người một phần quà, một lời chúc tụng. Ai nấy cũng rạng ngời ánh mắt. Rời khỏi họ, chúng tôi nhìn lại, dường như niềm vui đến bất ngờ đã làm họ không thể ngủ tiếp…

Ấm áp một chút tình

Kim đồng hồ đã chỉ 1g sáng. Nhóm thanh niên thiện nguyên chưa ai có biểu hiện buồn ngủ. Có lẽ cái cảm giác mang lại cho nhiều người niềm vui và xúc động khiến họ lâng lâng, quên hết mệt mỏi… 

Hơn 100 phần quà được trao trong đêm đồng nghĩa với hơn 100 người có được cảm xúc cuối năm ấm áp, nghĩa tình.

Đây là sự đóng góp rất thầm lặng của những người trẻ hôm nay – họ là những công nhân, viên chức hay sinh viên ở các trường đại học – mong muốn làm một việc gì có ích vào những ngày năm tận, tháng cùng.

“Chị ơi, cho em gởi chị chút quà mừng năm mới”.
 

Công việc đó họ không mong ai biểu dương, không cần ai biết đến. Họ cũng chẳng có danh xưng, chỉ cần tìm được chút thanh thản trong lòng vì đã chia sẻ được với những người khốn khổ chút tình cảm yêu thương đồng bào.

Chúng tôi hết sức khâm phục cung cách trao quà của những cô gái trẻ. Bằng hai tay trân trọng, chiếc phong bì và túi quà được người nhận vô cùng cảm kích: “Bác ơi, chú ơi, anh ơi…chúng cháu, chúng em có chút quà gởi đến cô chú anh chị...”.

Một người chạy xe ba gác ngủ đêm trên đường Lý Thường Kiệt được đánh thức dậy để trao quà đã nói với chúng tôi: “Cả đời ngủ bờ ngủ bụi, đêm nay tôi vui lắm vì có các cháu ghé thăm”.

Ngủ bờ ngủ bụi bao năm nay, lần đầu tiên được quà.
 

Một chị nhặt phế liệu trên đường Phạm Văn Hai cũng bày tỏ: “Rời quê hương miền Bắc vào đây tìm kế mưu sinh đã nhiều năm rồi nhưng chỉ có năm nay gặp được các em. Món quà này đối với tôi rất ý nghĩa, rất lớn và tôi sẽ ghi nhận mãi như một kỷ niệm đẹp”.

2h sáng. Trên đường về vẫn còn văng vẳng bên tai tôi tiếng cười hồn nhiên của các thanh niên thiện nguyện, vẫn còn đó ánh mắt thiết tha của những mảnh đời bất hạnh.

Ấn tượng sâu sắc đó giúp chúng tôi nhận ra một điều rằng: chí ít trong những ngày cuối năm, giữa cuộc sống đầy bon chen, khó khăn này…vẫn còn những tâm hồn trong sáng luôn nghĩ đến những người cùng khổ, đến cộng đồng. Thật đáng quý trọng.

Trần Chánh Nghĩa