- Sau khi hoàn thành thủ tục đăng kiểm và đóng phí sử dụng đường bộ, xe của anh Nam đã được nhân viên đăng kiểm dán tem lên kính trước...
Sáng 2/1, các hệ thống Trung tâm đăng kiểm trên cả nước đã đồng loạt triển khai thu phí, dán tem sử dụng đường bộ với ôtô. Tuy nhiên, tại Ủy ban Nhân dân phường, xã vẫn chưa thể tiến hành thu phí này đối với xe máy…Hạn ô tô đóng phí đường đến 30/6
1h chiều, tại trung tâm kiểm định 29.03S Ngọc Khánh (Ba Đình – Hà Nội) và trạm kiểm định Cầu Giấy (Hà Nội), xe ô tô xếp hàng nối đuôi nhau chờ đến lượt được “khám”.
Trong các xe đến “khám” và nộp phí, chủ yếu là xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi.
Các chủ xe ngồi chờ đến lượt không khỏi râm ran bàn tán. Nhiều người bối rối vì chỉ biết là nộp phí nhưng không hiểu thủ tục cụ thể thế nào nên đã phải hỏi nhân viên của Trung tâm đăng kiểm.
Ô tô xếp hàng đăng kiểm và nộp phí tại trung tâm kiểm định 29.03S Ngọc Khánh chiều ngày mùng 2/1. |
Anh Vũ Xuân Nam, nhà ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: Sợ chiều nay người đem xe đi đăng kiểm đông nên từ đầu giờ chiều tôi đã đến để kiểm định và nộp phí.
Sau một giờ đồng hồ được nhân viên đăng kiểm hướng dẫn, xe của anh Nam đã được kiểm định và đóng phí xong.
Sau khi hoàn thành thủ tục đăng kiểm và đóng phí, xe của anh Nam đã được dán tem (bao gồm tem đăng kiểm và tem đường bộ - PV).
Theo khung nộp phí quy định, xe anh phải đóng 130.000 đồng/tháng, tính tổng trung 1 năm là 1.560.000 đồng.
Anh Nam cho rằng, mức phí cả năm tính ra chỉ bằng một tháng gửi xe trong khi nếu nộp vào quỹ thì hệ thống đường sá sẽ được nâng cấp, bảo trì thường xuyên đảm bảo an toàn giao thông và thuận tiện cho việc đi lại.
“Chủ xe như chúng tôi đều đồng ý với mức phí đường này. Tuy nhiên, nguồn thu của quỹ sử dụng phương tiện cần phải được sử dụng minh bạch và công khai để những đồng tiền chúng tôi bỏ ra được sử dụng đúng mục đích và không gây lãng phí”, anh Nam nói.
Sau khi hoàn thành thủ tục đăng kiểm và đóng phí, xe của anh Nam đã được nhân viên đăng kiểm dán tem lên xe (tem đăng kiểm bên trái và tem đóng phí đường bên phải - theo ảnh) |
Ông Hoàng Xuân Thảo, Phó Trạm đăng kiểm 29.03S (Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Từ sáng đến 4h chiều, trạm đã có 70 xe tới kiểm định và nộp phí sử.
Theo ông Thảo, trong ngày đầu tiên thu phí đường, đối tượng đến kiểm định và đóng phí chủ yếu tập trung ở các cơ quan và doanh nghiệp, chỉ có lác đác vài trường hợp cá nhân.
Tại phòng làm thủ tục liên tục có người xếp hàng chờ đến lượt đăng kiểm và nộp phí đường. |
“Những ngày đầu ôtô đến chu kỳ đăng kiểm cùng với nộp phí sử dụng đường bộ nên có đông hơn mọi ngày. Tuy nhiên, chủ xe, người điều khiển phương tiện không phải đóng phí dồn dập trong những ngày này mà có thời gian đến hết ngày 30/6. Sau ngày 30/6 nếu chủ xe ô tô không đến nộp phí đường thì lực lượng chức năng mới xử phạt hành chính”, ông Trịnh Ngọc Giao - Cục trưởng Cục Đăng kiểm nhận định.
Ngoài ra, ông Giao cũng đánh giá chu kỳ kiểm định tùy thuộc vào độ tuổi của xe, với xe mới có thể lên tới vài năm, nhưng với xe càng cũ thì chu kỳ kiểm định càng ngắn, có thể là 3-6 tháng/lần.
Theo tiết lộ của ông Giao, việc thu phí sử dụng đường bộ sẽ được chi trả qua tài khoản hoặc thẻ để tiện lợi hơn cho các doanh nghiệp cũng như các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới.
Theo số liệu thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến hết ngày 2/1/2013, trên 108 Trung tâm đăng kiểm và chi nhánh đăng kiểm của cả nước đã có khoảng hơn 6.000 xe ôtô hoàn tất việc đăng kiểm và đóng phí sử dụng đường bộ, với số tiền phí thu được là hơn 11 tỷ đồng. |
Thu phí xe máy phải chờ hướng dẫn
Theo quy định, phí sử dụng đường bộ của xe máy sẽ do địa phương phụ trách và giao cho đơn vị phường, xã, tổ dân phố quản lý và thu. Tuy nhiên, đến nay, việc thu phí vẫn “án binh bất động”.
Chiều 2/1, ông Trần Ngọc Long - Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, bản thân ông có biết về chủ trương này qua thông tin đại chúng. Tuy nhiên, đến nay phường chưa nhận được hướng dẫn nào của TP và quận.
Theo ông Thảo, trong ngày đầu tiên thu phí đường, đối tượng đến kiểm định và đóng phí chủ yếu tập trung ở các cơ quan và doanh nghiệp, chỉ có lác đác vài trường hợp cá nhân đến “khám” và nộp phí… |
Tuy nhiên, ông Long cho rằng, để việc thu phí bảo trì thuận lợi, các đơn vị cần phải có điều tra cơ bản về số lượng, năm sản xuất xe ... tại từng hộ. Cùng với kết quả điều tra cơ bản, cần phải có nhân sự cho công tác thu phí...
“Phường Trần Hưng Đạo hiện có khoảng 12.000 nhân khẩu. Tuy nhiên, một nửa trong số này là đăng ký tạm trú dài hạn. Thế nên, để việc thu phí được triển khai tốt, phường cần phải có điều tra cơ bản, trên cơ sở đó mới tiến hành thu phí theo quy định”, ông Long kiến nghị.
Vũ Điệp