- Nhiều người đang khỏe mạnh bình thường nhưng không biết bên trong cơ thể mầm bệnh đã xuất hiện và âm thầm phát triển. Chỉ đến khi có biểu hiện đau đớn, khó chịu và đi khám, họ mới phát hiện mình bị ung thư. Phần nhiều trong số này đã ở giai đoạn muộn.
Đang khỏe mạnh, có cuộc sống bình thường nên bỗng dưng phát hiện mình bị ung thư, nhiều bệnh nhân rất sốc, khó chấp nhận được sự thực, nhất là những bệnh nhân còn trẻ tuổi.
Thậm chí, có người chưa ở tình trạng xấu nhưng vì tâm lý bi quan, cực đoan nên đã tìm đến cái chết trước. Đó là câu chuyện của những người “chết vì tâm bệnh” trước khi chết vì bệnh.
“Bỗng dưng” mắc ung thư
Bệnh nhân Đoàn Phương Thảo (9 tuổi, quê Lạng Giang, Bắc Giang) đang đến trường như bao bạn bè khác thì bỗng dưng có dấu hiệu mỏi tay.
Nghĩ con đi học nhiều, viết bài nhiều nên mới mỏi tay nên chị Tân (mẹ cháu Thảo) nghĩ con cần nghỉ ngơi là khỏe. Nhưng sự thực là mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Bệnh nhân Nguyễn Văn Phác (12 tuổi) bị ung thư phần mềm, đã di căn vào xương |
Chuyển con xuống bệnh viện huyện chụp chiếu, vị bác sỹ lớn tuổi khám cho Thảo cũng kết luận cháu bị viêm khớp. Nhưng cậu kỹ thuật viên chụp thì lại thấy có dấu hiệu “bất thường”, không đơn giản là viêm khớp, đã khuyên chị Tân nên đưa con xuống bệnh viện tuyến Trung ương ở Hà Nội để khám cho chính xác.
Được chỉ dẫn, chị Tân mang con đến bệnh viện 108. Tại đây, sau khi khám, chụp chiếu, xét nghiệm, sinh thiết, cháu Thảo được kết luận là ung thư xương.
Từ lúc có dấu hiệu đau mỏi tay đến khi được xuống viện 108 đã 2 năm. Lúc phát hiện ra chính xác căn bệnh, tay phải cháu Thảo đã buông thõng vì tế bào ung thư đã “ăn” đứt phần xương trên cánh tay, khiến tay cháu giờ đây không còn hoạt động được nữa.
“Chẳng ai ngờ cháu mắc căn bệnh này. Vì gia đình không ai bị, cháu cũng đang khỏe mạnh bình thường. Vì thế mới để đến 2 năm rồi mới xuống Hà Nội khám, nếu mà nghi cháu bị ung thư thì gia đình đã đưa ngay cháu xuống từ lúc cháu mới đau”, chị Tân ngậm ngùi nói về căn bệnh quái ác của cô con gái.
Bệnh nhân ung thư chờ đến lượt xạ trị tại bệnh viện K |
Tại bệnh viện K (Hà Nội), chuyện những người đang
khỏe mạnh, chỉ vì chút đau đớn nên đi khám rồi phát hiện mắc bệnh ung thư (giai
đoạn muộn) không phải là hiếm.
TS.BS Trần Văn Công, Trưởng khoa Nhi (bệnh viện K, Hà Nội) cho biết hầu hết bệnh nhi vào viện đã ở giai đoạn muộn, do đã điều trị ở các tuyến trước trong thời gian dài. Các bệnh phổ biến ở Nhi là ung thư xương, phần mềm, hạch,… Lứa tuổi mắc bệnh rất rộng, từ 2 tháng tuổi đến 16 tuổi, thậm chí có trường hợp trong thời kỳ mẹ mang thai đã phát hiện thai nhi có khối u và 1 tháng sau sinh đã phải tiến hành phẫu thuật. Trong số các bệnh nhân mắc bệnh ung thư thì có khoảng 15-20% có yếu tố di truyền, còn lại do các yếu tố môi trường. |
Nghĩ do “nóng trong người” nên nhiều bệnh nhân chỉ ăn đồ mát, uống thảo dược. Nhưng thực tế, bệnh nhân đã bị ung thư khoang miệng vì vết loét đó kéo dài nhiều ngày, ăn uống gìn giữ vệ sinh thế nào cũng không thể tự khỏi.
Khi đến viện khám, bệnh nhân đã bị ung thư ở giai đoạn cuối!
Tại khoa Nhi (Bệnh viện K), có không ít cháu bé đang khỏe mạnh, dấu hiệu mắc bệnh ban đầu rất đơn giản, chỉ là những ụ mụn nhỏ hay ho sốt dài ngày không rõ nguyên nhân.
Đến khi đi khám, gia đình phát hiện con bị ung thư máu. Có nhiều cháu khi đến được bệnh viện K thì căn bệnh quái ác đã di căn vào xương …
Khó chấp nhận sự thực
Theo các bác sỹ điều trị ung thư, khi phát hiện đã mắc bệnh, bệnh nhân cũng như người nhà của họ thường rất sốc và khó chấp nhận sự thực này.
Điều bệnh nhân hay hỏi nhất khi mắc bệnh là: “Vì sao tôi mắc bệnh? Bệnh ở giai đoạn nào, có chữa trị được không? Tôi còn sống được bao lâu nữa?”.
Tuy nhiên, để trả lời những câu hỏi trên không
phải điều dễ dàng, bởi khó xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh cũng như thời
gian kéo dài sự sống. Điều này còn phụ thuộc giai đoạn phát hiện và mức độ đáp
ứng điều trị của người bệnh.
|
Bệnh ung thư có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm |
Bên cạnh lý do kinh tế (nhất là với bệnh nhân không có BHYT) thì lý do do tâm lý chán nản, bi quan, nghĩ mình không còn sống được bao lâu cũng khiến nhiều người bệnh không hợp tác với bác sỹ trong quá trình điều trị.
Tại bệnh viện K, đã có những bệnh nhân sau khi biết mình mắc bệnh đã chạy ra đường đâm vào xe taxi tự tử vì quá sốc. Nếu không có những biểu hiện cực đoan thái quá như trên thì người bệnh và gia đình người bệnh cũng sống với bầu không khí rất nặng nề.
Với người mắc bệnh ung thư, các bác sỹ thường rất “thận trọng” khi thông báo tình hình bệnh hoặc họ thường phải nói chuyện với người nhà bệnh nhân để “giảm sốc” (nhất là trong điều kiện hiện nay, người bệnh chưa được chăm sóc, chuẩn bị nhiều về mặt tâm lý để đối diện và chiến đấu với bệnh tật).
Chuyện “sốc” xảy ra càng nhiều và ở mức độ mạnh hơn khi đối tượng mắc bệnh là những người trẻ tuổi, cuộc sống còn dài, mơ ước còn nhiều…
Đối với trẻ em bị ung thư, người đau khổ nhất là bố mẹ, gia đình của các cháu.
“Lúc biết con bị bệnh, gia đình tôi hoang mang lắm. Vì cả nhà đều bình thường khỏe mạnh, có ai nghĩ đến chuyện con mắc bệnh hiểm nghèo thế này đâu”, mẹ bệnh nhân Nguyễn Quang Trường, 8 tuổi, bị ung thư hạch, đang điều trị tại bệnh viện K, cho biết.
Ung thư không loại trừ ai. Và dấu hiệu của bệnh nhiều khi bị nhầm lẫn với những bệnh khác. Vậy những đối tượng như thế nào nên nghĩ đến chuyện mình mắc bệnh hoặc cần đi khám sớm để phát hiện ung bướu? PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc bệnh viện K, Viện trưởng Viện nghiên cứu phòng chống ung thư cho biết các dấu hiệu báo động ung thư gồm: Có vết loét lâu liền; nổi u cục bất thường; ho kéo dài hơn 2 tuần, ho ra máu, điều trị không đỡ; ra máu hoặc có dịch bất thường ở âm đạo (nằm ngoài chu kỳ kinh); gầy sút, sốt kéo dài không rõ nguyên nhân; đau đầu, ù tai, thay đổi thói quen đi tiểu, thói quen của dạ dày, ruột (đi ngoài ra máu); … Nhiều người hiện vẫn quan niệm mắc bệnh ung thư là “án tử treo trên đầu” vì nghĩ đây là căn bệnh “vô phương cứu chữa”. Song hiện nay, có loại ung thư có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Bệnh ung thư chỉ thực sự là “án tử” khi bệnh nhân đã đến giai đoạn muộn, thậm chí di căn, mọi nỗ lực điều trị đều không mang lại hiệu quả như mong muốn. |
N.Anh