- Hàng loạt công trình trọng điểm, ngoài việc chậm tiến độ, ảnh hưởng đến khai thác hạ tầng chung còn xảy ra trường hợp nhà đầu tư “lâm bệnh” rút lui. Trong khi đó, việc hủy dự án dở dang là điều không thể bởi sẽ kéo theo nhiều hệ lụy tài chính khổng lồ.

Tối hậu thư?

Ngày 9/1, UBND TP.HCM đã yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Phát triển GS Sài Gòn khẩn trương hoàn thành xây dựng đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, từ nút giao Nguyễn Thái Sơn đến nút giao Bình Triệu để đưa vào sử dụng trước ngày 30/6/2013.

Yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh hàng loạt công trình trọng điểm thi công với tốc độ… “rùa bò”. 

Kinh tế khó khăn đẩy nhiều dự án lâm vào cảnh dở dang.

Tuyến đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi- Vành đai ngoài dài có tổng vốn đầu tư khoảng 340 triệu USD do Công ty GS E&C (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư theo hình thức BT (xây dựng và chuyển giao).

Tuyến đường dài 13,653 km bắt đầu từ sân bay Tân Sơn Nhất qua nút giao thông Nguyễn Thái Sơn, cầu Bình Lợi, đường Kha Vạn Cân và kết thúc tại ngã tư Linh Xuân.

Quy mô chính của tuyến có mặt cắt ngang rộng 60m, 12 làn xe, năng lực thông xe vào năm 2020 là trên 42.000 xe/ ngày đêm.

Với 4 cầu và 4 giao lộ, đây sẽ là đường nội đô đẹp nhất có khả năng giải tỏa một lượng lớn phương tiện của khu vực trung tâm thành phố về hướng Đông.

Tại buổi giám sát của Ban kinh tế ngân sách TP.HCM, ông Bùi Xuân Cường - Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết: “Dự án Tân Sơn Nhất- Bình Lợi-Vành đai ngoài đã hoàn thành 54% khối lượng công việc. Dự kiến đến năm 2014 sẽ hoàn thành toàn tuyến”.

Như vậy, tuyến đường này đã chính thức chậm tiến độ hai năm rưỡi so với dự kiến ban đầu.

Nhà đầu tư “lâm bệnh”, công trình “kẹt cứng”

Tại TP.HCM, hiện hàng loạt công trình giao thông trọng điểm đã bị chậm tiến độ do khó khăn từ phía nhà đầu tư.

Ngoài dự án Tân Sơn Nhất- Bình Lợi-Vành đai ngoài chậm tiến độ, GS E&C cũng từng rút lui khỏi một công trình trọng điểm khác là: đường trên cao số 1.

Đây là một trong số 4 đường trên cao tại TP.HCM đã quy hoạch đến năm 2020, chức năng kết nối khu vực phía Tây bắc và sân bay Tân Sơn Nhất với trung tâm hiện hữu và khu đô thị Thủ Thiêm. 

Dự án triệu đô đứt đoạn trên bản đồ.

Dự án có tổng vốn hơn 4.000 tỷ đồng này được UBND TP giao cho GS E&C làm chủ đầu tư và khởi động từ năm 2002.

Nhưng về sau, do chi phí giải phóng mặt bằng cao, chủ đầu tư này đã xin rút lui với lý do phải tập trung nguồn lực cho dự án xây dựng đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, dự án chậm tiến độ đã nêu trên.

Cùng tình cảnh với đường trên cao số 1, đường Vành đai 2 cũng đang “kẹt cứng” vì nhà đầu tư là Petroland đang “lâm bệnh”.

Theo quy hoạch, tuyến Vành đai 2 bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh, qua cầu Phú Mỹ xuống ngã tư Bình Thái, chạy đến ngã tư Gò Dưa nối vào Quốc lộ 1A, đi qua nút giao Tân Tạo, theo đường Hồ Học Lãm và Ba Tơ để khép vào đường Nguyễn Văn Linh.

Cho đến nay, tuyến đường Vành đai 2 vẫn còn "hở" đoạn từ cầu Rạch Chiếc 2 đến nút giao thông Gò Dưa (dài 9 km) và từ ngã ba An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh (dài 5,2 km).

Khi tham gia vào tuyến vành đai 2 đoạn từ ngã ba An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh, Petroland đã xin đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng- chuyển giao.

Vốn đầu tư dự kiến vào khoảng hơn 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2011 và 2012, Petroland gánh thêm khoản chi phí tài chính tăng cao gấp nhiều lần năm 2010 nên lợi nhuận sau thuế giảm mạnh.

Đến tháng 07/2012, Petroland báo cáo không tiếp tục triển khai dự án và kiến nghị chuyển cho công ty mẹ là Tổng Công ty xây lắp Dầu khí thực hiện.

Sau đó, văn bản đề nghị Tổng Công ty xây lắp Dầu khí trả lời cũng đã được phát đi nhưng kết quả là thời hạn khép kín tuyến đường xương sống của thành phố vẫn còn bỏ ngỏ.

Quốc Quang