- Gió to, sóng lớn, thân thể lạnh ngắt, những ngư dân bị nạn vẫn cố gắng bám lấy từng mảnh xốp và giữ quả tim đập trong hàng mấy tiếng đồng hồ giữa đại dương. Và rồi, điều thần kỳ nhất chỉ đến khi tất cả đã sắp kiệt sức.

6 giờ ngâm mình trong biển

Khoảng 10 giờ trưa 7/1, tôi cùng 3 anh em thuyền viên trực canh tàu, 4 người khác đang ngủ sau 1 đêm thức trắng câu mực. Đột nhiên gió rất mạnh, sóng cao ập vào lưng tàu và phút chốc nước đã tràn vào xối xả. Chúng tôi nháo nhào gọi anh em dậy cứu tàu nhưng không kịp.

Chưa đầy 10 phút, tàu đã ngập rồi chìm xuống, 8 anh em không còn cách nào khác đành lao xuống biển và bơi hỗn loạn
” – anh Hoàng Mạnh Hùng (SN 1968, Quỳnh Thọ, Quỳnh Lưu, Nghệ An), thuyền viên may mắn sống sót trên chiếc tàu định mệnh NA – 93051TS, nhớ lại phút kinh hoàng.


3 thuyền viên: Nguyễn Ngọc Nguyên, Hồ Trọng Thương, Trần Văn Thượng thoát chết trở về.

Chiều mùa đông rét mướt, chúng tôi tìm về thôn Thọ Đồng, xã Quỳnh Thọ, nơi có 8 ngư dân nghèo vừa trải qua đại nạn trên biển, 1 người bỏ mạng vì kiệt sức, 7 người khác may mắn trở về từ cõi chết.

Lẫn trong tiếng khóc chồng ai oán của người đàn bà 3 con, là những khuôn mặt thất thần, giọt nước mắt mặn chát của những người đàn ông miền biển, đang vén nén hương tiễn bằng hữu bỏ mạng giữa đại dương.

Thuyền chìm rồi, anh em ai nấy hốt hoảng...” - ông Hoàng Mạnh Hùng tiếp lời - “...cả 8 người cố gắng bấu chặt lấy nhau, nhưng những luồng sóng cao gần 2m đánh dạt từng người một. Chìm rồi nổi, anh em ai nấy lạnh tím tái, chuột rút đau các cơ chân. Chúng tôi hét lớn, động viên nhau giữ sức, quẫy đạp để làm ấm cơ thể. Gió Đông Bắc thổi từng đợt rát mặt khiến chúng tôi nhòe nước mắt”.

Chừng 10 phút sau, trên mặt biển nổi lên những chiếc hộp xốp vốn là thùng ướp cá trên tàu trước đó. Chúng tôi chẳng ai bảo ai, đều cố gắng bơi tới ôm choàng lấy. Cả đội chia thành từng nhóm, vin chắc vào thùng xốp và bấu chặt lấy nhau. Cứ như thế suốt 3 tiếng đồng hồ, anh em dầm mình trong nước” - ông Hùng kể lại với vẻ mặt mệt mỏi và chưa hết hoảng loạn.

Sau khi vớ lấy được những tấm “phao cứu sinh” mong manh, các thuyền viên vẫn chẳng biết mình có thể cầm cự được bao nhiêu do sóng đánh mạnh, trong khi nước biển cộng với gió mùa khiến cơ thể họ buốt cóng.

Em với Hồ Trọng Thương, Trần Văn Thượng cùng ôm lấy 1 cái thùng xốp. Nước biển ngập ngang cổ, 3 anh em nắm chặt tay nhau cho vững vàng. Thằng Thương nói, “cố gắng bấu chặt tay để lỡ nếu có chết, sau này vớt được xác 1 thằng là thấy cả 3 đứa” – thuyền viên Nguyễn Ngọc Nguyên (SN 1991) kể lại.

Sau khoảng 3 tiếng đồng hồ ngâm mình dưới nước, ai nấy đều mệt lả, người như muốn đóng băng, nhịp thở mỗi lúc một khó khăn. Chợt họ phát hiện trong tầm mắt phía trước có bóng dáng 1 chiếc tàu với khoảng cách chừng 2 hải lý. Sức đã kiệt, nhưng những hi vọng sống sót thúc họ liều mạng bơi tới.

Thêm 3 giờ đồng hồ nữa…

Thoát chết kỳ diệu

Tôi, thuyền trưởng Tuấn cùng với anh Tài là 3 người lớn tuổi nhất, cảm thấy còn chút sức lực nên quyết định bơi tới chỗ chiếc tàu. Trước lúc bơi đi tôi hét với mấy người còn lại: “Tụi bay phải cố gắng giữ chắc lấy cái thùng xốp, còn nó là còn có cơ hội sống. Choa bơi đến tàu rồi sẽ quay lại cứu tất cả. Nhớ đó!” – ông Hoàng Mạnh Hùng kể lại.
Thuyền viên Hoàng Mạnh Hùng, người bơi hơn 3 giờ đồng hồ trên biển để thông báo cho tàu cá đi cứu hộ các ngư dân.

Bơi được một quãng thân thể tôi như bị tê liệt hoàn toàn. Lúc đó, tôi nghĩ về vợ tôi, 2 đứa con còn nhỏ, lúc ra khơi tôi dự định kiếm ít tiền về sắm tết cho chúng. Tôi cảm giác mình không thể chết nên cố gắng ôm chặt tấm xốp và bơi tiếp” - nước mắt ông Hùng đã rỉ khi cố gắng nhớ lại.

Chiếc tàu mà các ngư dân đang đặt hi vọng là của dân chài Thanh Hóa. Họ đang neo lại cho thuyền viên ngủ. Điều may mắn thần kỳ cho các ngư dân là chiếc tàu này chỉ neo thêm khoảng vài chục phút nữa là sẽ di chuyển đến vùng biển khác.

Khi ấy, một thuyền viên trên tàu thức dậy đi vệ sinh và sửa soạn nhổ neo, thì phát hiện từ dưới mặt biển, có 3 người đàn ông đang giơ những tấm xốp lên ra hiệu và kêu cứu.

Lập tức, toàn bộ thuyền viên trên tàu nhanh chóng cứu vớt 3 ngư dân lên, cho mặc áo ấm, pha mì tôm, uống nước nóng. Con tàu nhanh chóng rẽ sóng quay lại chỗ 5 thuyền viên khác đang chờ đợi.

Do sóng đánh mạnh, vả lại chúng tôi bơi suốt 3 tiếng đồng hồ nên khi quay lại không còn thấy bọn họ ở chỗ cũ. Thuyền trưởng Thanh Hóa đã cho tàu quần theo luồng biển để tìm kiếm” - anh Phạm Văn Tuấn, thuyền trưởng chiếc tàu bị chìm cho biết.

Thuyền viên Hồ Trọng Thương rùng mình nhớ lại: “Lúc bác Hùng và các anh bơi đi, bọn em ở lại càng thêm hoang mang. Nghĩ khoảng cách xa thế, sóng lại to nên không thể bơi tới nổi. Chờ lâu quá không thấy ai quay lại, bọn em cứ nghĩ họ đã chêt cả rồi. Riêng em bị chuột rút quắp 2 bắp chân, phải bám ghì vào thùng xốp.

Khi thấy tàu chạy tới, chúng em chẳng còn sức để vui mừng. Chỉ cần tàu chậm thêm chừng 10 phút nữa, cả 3 đứa đều chết cả
”.

2 thyền viên còn lại là Nguyễn Văn Bình (SN 1984) và Công Thế Tịnh (SN 1974) cùng bám vào một thùng xốp khác. Anh Tịnh do ngâm trong nước biển quá lâu đã không chịu nổi. Sóng đánh bay chiếc thùng khỏi tay 2 người, anh Tịnh kiệt sức không còn cử động được, do quần áo dày nên trôi nổi trên nước, anh Bình liều mạng bơi bộ giữa biển.

Cả 2 sau đó cũng được cứu vớt, tuy nhiên anh Công Thế Tịnh đã tử vong sau đó.

Sau khi cứu, vớt hết 8 thuyền viên, tàu cá của Thanh Hóa lập tức quay đầu chạy thẳng vào bờ. Rạng sáng 8/1, tàu cập cảng mới Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, khi ấy người thân, gia quyến của các thuyền viên bị nạn đã có mặt để đón họ trong nước mắt và cả khăn tang.

Ngày 7/1, tàu cá 90 CV số hiệu NA – 93051TS do anh Phạm Văn Tuấn (SN 1982, quê xóm Thọ Đồng, xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Lưu, Nghệ An) làm thuyền trưởng, đang hoạt động tại vùng biển có tọa độ 19’33 Vĩ độ bắc; 107’17 độ kinh Đông (thuộc Vịnh Bắc Bộ) thì bị sóng đánh chìm.

Tất cả 8 ngư dân trên tàu không kịp mang áo phao đã nhảy xuống biển, bám lấy các thùng xốp và lênh đênh khoảng 6 giờ đồng hồ, trước khi 3 người trong số họ tiếp cận được tàu câu mực số hiệu TH 90789TS, do ông Nguyễn Văn Tuy (41 tuổi, trú tại thôn Thành Lộc, xã Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) làm chủ tàu, để cầu cứu.

Tàu cá của ông Tuy sau đó đã cứu vớt được cả 8 ngư dân, trong đó anh Công Thế Tịnh (SN 1974) tử vong. Đến sáng 8/1, các ngư dân đã được đưa vào bờ.

Cao Nam – Duy Tuấn