Sau vụ tai nạn kinh
hoàng tại cầu Ghềnh (Đồng Nai), PV VietNamNet đã trực tiếp ghi lại từ buồng
máy tàu hỏa (SE5) những hình ảnh, hiểm họa thực tế trong hành trình vào Nam cũng như đời lái tàu.
Ngồi cạnh tôi là tài phụ tên Dương Đình Kương. Sinh năm 1982, có 3 năm thâm niên làm lái phụ, trông Kương già dặn hơn nhiều so với cái tuổi 30 của mình.
Cái bắt tay thật chặt giữa 2 lái tàu Tuấn và Đại, mong cho đoạn hành trình tiếp theo được an toàn - Ảnh: Hoàng Sang |
Khác với tài phụ Vang trước đó, Dương Đình Kương nói chuyện rất nhiều. Mắt thì đăm đăm quan sát đường, miệng thì liến thoắng kể chuyện. Vừa dứt chuyện nọ, Kương đã kể sang chuyện khác. Mà lạ, bất cứ chuyện gì Kương cũng kể rất say sưa. Kương bảo: “Đi trong đêm khuya thế này, chỉ có kể chuyện, chuyện gì cũng được, bốc phét cũng chả sao thì mới đỡ buồn ngủ”.
Tốt nghiệp cơ khí, đã từng có một thời gian làm việc tại Nhật, nhưng rút cuộc, chẳng hiểu duyên nợ thế nào, cuối cùng, anh lại chọn cái nghề này. Lúc đầu, cũng chỉ là thỏa chí “tang bồng”, muốn được ngao du, đi đây đó. Kương bảo rằng, hồi nhỏ, cứ hễ nghe tiếng tàu thở phì phò rồi lướt qua trong đêm là anh đã mê mẩn rồi. Nhiều bận, anh cùng lũ bạn đêm đêm trăng sáng lại chạy đến một chốt chắn gần nhất, để ngắm nhìn đoàn tàu lung linh ánh sáng lướt qua. Có lần, anh còn bị mẹ đánh toe đít khi rủ đám bạn đưa chiếu ra một bãi cỏ gần đường sắt để ngủ. Sáng bảnh mắt, cả hội mới lũ lượt kéo về nhà.
Kương có một cô bạn gái, nghe đâu làm kế toán cho một doanh nghiệp. Lúc đầu, mới quen, tán tỉnh thế nào, cô gái cũng lắc đầu nguầy nguậy, bảo: “Đời lái tàu, suốt ngày chạy nhông nhông, thời gian đâu nữa mà chăm sóc vợ con”. Thấy cô gái từ chối thẳng thừng, Kương "cú" lắm, bèn lên kế hoạch “trả thù”. Đêm đêm, tranh thủ lúc tàu đang chạy, anh lại lôi máy điện thoại ra nháy máy, nhắn tin rồi tự bảo: “Không yêu ông, ông làm cho mất ngủ cả đêm”. Sau bận ấy, cô gái cắt hẳn số điện thoại...
Trong màn đêm dày đặc, những hiểm họa vẫn luôn rình rập đoàn tàu. Nhất là khi đi qua đoạn đường ray bị lũ cuốn đang được phục hồi. |
Cô gái thay số được một hôm thì ngay hôm sau, Kương lại tìm được số nhờ có “nội ứng” là cô em gái làm cùng cơ quan với co gái này. Mãi sau này, "cực chẳng đã", cô gái đành nhận lời yêu để khỏi bị… làm phiền.
Thế nhưng, chẳng mấy ai may mắn được như anh. Các tài phụ khác mà tôi gặp, tuổi đời ngót nghét nghét ngoài 30 nhưng vẫn “vườn không, nhà trống”. Có người, sau một thời gian yêu nhau, cô bạn gái không chịu được cảnh người yêu suốt ngày đi xa, ngày lễ chẳng có một bó hoa, món quà nên đã nói lời chia tay. Có cô người yêu còn ra “tối hậu thư”: “Hoặc là em, hoặc là công việc, anh chọn đi”.
Kương bảo, cũng là nghề, nhưng chẳng có cái nghề nào cực như nghề tài xế tàu hỏa. Áp lực công việc quá lớn, thu nhập thấp, đã đành. Nhưng những ngày Tết, nhất là đêm giao thừa, trong khi mọi người quây quần bên gia đình thì cánh tài xế vẫn một mình làm bạn với con tàu, với chi chít hệ thống đèn báo trên ca bin, với màn đêm đông đặc.
Bữa "cơm lắc" đáng nhớ trên tàu
12 giờ đêm, tàu chuyển vào một con đường phụ để tránh đoàn tàu ngược chiều. Kương tranh thủ bóc mấy gói cơm hộp mua từ lúc chiều ăn cho đỡ đói. Bữa cơm đầu tiên trên tàu có một ít lạc rang, mấy miếng đậu phụ và một khoanh cá.
Đối với những đoạn đường này, tàu chỉ được phép chạy 5km/h. Người lái tàu phải căng mắt tập trung cao độ để điều khiển. |
Chưa kịp ăn miếng nào thì đèn tín hiệu chuyển sang màu xanh, đoàn tàu lại lăn bánh. Tài xế Đại mắt mở căng đét nhìn phía trước. Tiếng thở dài như tuột vào màn đêm.
Tài phụ nhíu lông mày, liếc mắt qua tài chính, cười khẽ: “Nhà bếp nó "chơi đểu" anh em mình hay sao mà cho ăn cá. Mà lại cá bé, toàn xương là xương”. Anh Đại chỉ cười: Thôi, nhường cho cánh phóng viên vậy. Mình pha thêm ít mỳ ăn lót dạ.
Kương lúi húi đun nước sôi cho vào mỳ rồi đưa cho tài xế Đại. Mắt vẫn nhìn thẳng về phía trước, 2 chân đạp còi, tay liến thoắng bấm các hệ thống điều khiển trước mắt, lúc nào rảnh mới cầm đũa, gắp gắp từng sợi mỳ.
“Ăn mỳ trên tàu, phải có bí quyết. Nó là cả một nghệ thuật đấy” - tài chính vừa nhộm nhoạm nhai, vừa bảo. Hóa ra, cái bí quyết đó thật đơn giản và nghe đắng lòng: phải húp hết sạch nước rồi sau đó mới dùng đũa lùa sợi mỳ vào miệng. Không cẩn thận, cả tô mỳ sẽ úp ngay giữa mặt khi có phanh gấp.
Bữa "cơm lắc" theo sự di chuyển của đoàn tàu thật đáng nhớ! |
2 giờ sáng, tàu đi qua một quả đồi. Tài xế Kương mở cửa sổ. Từng đợt gió núi tốc thẳng vào mặt. Xa xa, ánh trăng tỏa sáng, soi rõ những những ngọn đồi. Trăng cuối đông đẹp như một tiên nữ giáng trần. Đoàn tàu cứ thế lao đi chầm chậm trong ánh trăng bàng bạc.
Tài chính Đại bảo rằng: lái tàu thích nhất là vào những hôm trăng sáng như thế này. “Có những đêm trăng, trai gái ôm nhau ra đứng tự tình giữa những bãi đồi vắng. Thấy tiếng còi, cô gái xấu hổ úp mặt vào người yêu. Có đôi còn đưa nhau ra đứng gần đường ray, hôn nhau say đắm. Lúc tàu gần đến mới chạy dạt sang một bên. Những lúc đấy, thay vì nhăn nhó, chửi đổng, cánh tài xế chỉ biết cười xòa, không nỡ lòng trách móc những phút lơ đễnh của đôi trai gái đang say đắm trong men tình.
Lái phụ Kương kể về một chuyên tình giữa cánh tài xế với nữ nhân viên gác chắn. Chuyện rằng, mỗi khi đi qua gác chắn có một nữ nhân viên tuổi độ 18, 20 mới vào nghề, cánh tài xế thường xé một miếng giấy nhỏ, ghi rõ họ tên, địa chỉ và số điện thoại kèm theo một lời tỏ tình. Những tưởng chỉ là trêu đùa cho vui, ai ngờ sau đó lúc tàu vừa cập ga, đang loay hoay chuẩn bị đi ngủ thì điện thoại đổ chuông, một số điện thoại lạ hoắc gọi đến. Bấm phím nghe, đầu máy bên kia là một giọng nữ thỏ thẻ: Em làm ở gác chắn, lúc nãy anh để lại số nên em gọi lại...
Chuyện tình của họ, dẫu cuối cùng chẳng đi đến hồi kết có hậu, nhưng cũng là một kỷ niệm đi suốt cuộc đời anh tài xế lém lỉnh.
Cầu chung Hương Phố (Hương Khê, Hà Tĩnh), một trong 10 cầu chung giữa đường bộ và đường sắt trên toàn quốc vẫn đang tồn tại. Ảnh: Duy Tuấn |
Lại có chuyện, vào một đêm trăng sao vằng vặc, đoàn tàu buộc phải dừng lại ít nhất 1 tiếng đồng hồ trên một quả đồi. Nhác thấy một ngôi nhà đang đỏ điện, tài phụ nhảy xuống tàu xin nước uống. Cô gái thấy khách lạ, mặt đỏ ửng, luống cuống rót nước mời khách. Sau lần ấy, chẳng hiểu thế nào mà ít lâu sau, đã thấy cô gái ra tận Hà Nội để tìm gặp người yêu…
Tài xế Đại bảo rằng, chính vì có những đêm trăng lãng mạn như vậy, cánh lái tàu mới thêm yêu nghề, gắn bó với nghề. Và cũng chính điều đó, giúp họ vượt qua những khốn khó của đời thường, tạm quên đi những ám ảnh trên đường ray để sống.
3 giờ sáng, tàu đến ga Đồng Hới, kết thúc một cung đường. Tài xế Đại vội vàng đi nhanh đến khu nhà nghỉ giành cho nhân viên lái tàu. Chỉ một lúc sau, tiếng thở anh đã đều đều. Thi thoảng, trong mơ anh còn gọi ú ớ: Ga Giáp Bát, Phủ Lý, chú ý có người….
Ngày mai, anh lại tiếp tục một hành trình mới...
Hoàng Sang – Duy Tuấn
(còn nữa)
Những pha thắt tim trong buồng lái tàu hỏa
Cùng lái tàu vượt 'cung đường chết'