- Không có loại vắc-xin nào an toàn 100%” và với vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem, nếu tiêm mũi 1 có phản ứng mạnh thì nên thận trọng, thậm chí không nên tiêm mũi 2-3 để đảm bảo an toàn.

Trước thông tin về các trẻ em liên tiếp tử vong sau tiêm chủng mới đây, PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia Nguyễn Trần Hiển.

Mỗi năm VN sử dụng 4,5 triệu liều

Ông Nguyễn Trần Hiển
 
Xin ông cho biết, trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), đối với loại vắc-xin 5 trong 1, ngoài Quinvaxem, Việt Nam có sử dụng loại vắc-xin nào khác nữa không?

- Chương trình TCMR quốc gia ở Việt Nam chỉ dùng một loại vắc-xin 5 trong 1. Đó là vắc-xin Quinvaxem, được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2010 do Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) viện trợ thông qua UNICEF. Đây là vắc xin được Tổ chức Y tế thế giới tiền kiểm định về chất lượng.

Theo nhà sản xuất tại Hàn Quốc cho biết, Quinvaxem được cung cấp cho 91 quốc gia sử dụng từ năm 2006 với 427 triệu liều.

Từ khi đưa vào sử dụng loại vắc-xin này ở Việt Nam đã có bao nhiêu trẻ được tiêm? Tỷ lệ tai biến là bao nhiêu? Tỷ lệ này có thuộc phạm vi cho phép không, thưa ông?

- Mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 4,5 triệu liều vắc-xin Quivaxem tiêm miễn phí cho trẻ từ 2 - 4 tháng tuổi.

Theo thống kê, tính từ khi đưa vào sử dụng đến nay, Quinvaxem có phản ứng nặng là 0,69/1 triệu liều và tỉ lệ tử vong là 0,17/1 triệu liều. Trong khi tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm vắc xin bạch hầu-ho gà- uốn ván theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới là 20/1 triệu liều.

4 nguyên nhân

Xin ông nói rõ, trẻ tử vong sau khi tiêm chủng thường có những nguyên nhân nào?

- Phản ứng nặng gây tử vong sau tiêm có thể do 4 nguyên nhân: Phản ứng với vắc-xin, trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh tật có sẵn của trẻ, sai sót trong tiêm chủng, phản ứng do tiêm.

Tiêm chủng có cả lợi ích lẫn nguy cơ

Các kết quả điều tra ở VN và trên thế giới cho thấy, đa số các trường hợp tử vong sau tiêm chủng là do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh khác của trẻ mắc gây tử vong tại thời điểm tiêm chủng.

Thời gian qua, liên tiếp có trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem (9 trẻ gặp phản ứng, 6 trẻ tử vong), xin ông cho biết, việc xác định nguyên nhân đang diễn ra như thế nào?

- Kết quả kiểm nghiệm lô vắc-xin tiêm cho 3 trẻ ở Quỳ Hợp, Nghệ An cho thấy, vắc-xin này đạt các tiêu chuẩn về độ an toàn chung và an toàn đặc hiệu ho gà trên động vật thí nghiệm theo dược điển Việt Nam và tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới.

Tiêm chủng có lợi ích rõ rệt

Ông Hiển cho biết, lợi ích của tiêm chủng là rất lớn, nó dự phòng cho hàng triệu trẻ em khỏi mắc bệnh và tử vong. Trong khi đó nguy cơ tai biến sau tiêm là rất thấp, thường có liên quan đến cơ địa của trẻ.

Nếu các cán bộ y tế thực hiện đúng quy định và các bà mẹ thực hiện tốt tư vấn của cán bộ y tế thì chúng ta có thể giảm được nguy cơ này.

Thực tế, ở VN trong hơn 25 năm qua cho thấy, tỷ lệ mắc ho gà ở Việt Nam đã giảm 410 lần năm 2011 so với năm 1984. Từ năm 2006 đến nay không có báo cáo trường hợp tử vong nào do ho gà.
 

Lô vắc-xin này gồm 400.000 liều và đã được sử dụng gần 300.000 liều tại các tỉnh phía Bắc từ Hà Tĩnh trở ra và đều bình thường.

Vắc-xin được bảo quản đúng quy trình, chỉ thị nhiệt độ trên lọ vắc-xin vẫn tốt, cán bộ tiêm chủng cũng thực hiện đúng quy định.

Hiện khó xác định nguyên nhân tai biến do trùng hợp ngẫu nhiên vì các bé đều tử vong tại nhà, không có hồ sơ theo dõi sức khỏe sau tiêm ở cơ quan y tế, và cũng không có mổ tử thi nên không có bằng chứng để kết luận hay loại trừ nguyên nhân này.

Không vắc xin nào an toàn 100%

Trả lời báo chí, ông cho biết “Không một loại vắc-xin nào an toàn 100%”, xin ông giải thích rõ hơn về điều này?

Đó là do luôn có một tỷ lệ rất nhỏ bị phản ứng nặng sau tiêm.

Tiêm vắc-xin là đưa vào cơ thể một kháng nguyên để kích thích sản sinh miễn dịch chủ động phòng bệnh.

Điều này cũng gần giống như việc sử dụng thuốc hay thực phẩm hay một tác nhân gây dị ứng nào đó, tùy theo cơ địa của từng trẻ có thể xảy ra một số phản ứng sau tiêm vắc xin.

Phản ứng này có thể là nhẹ hay nặng tùy từng trường hợp và tùy loại vắc-xin. Những trường hợp phản ứng thông thường như sốt nhẹ, sưng, đau là những biểu hiện hay gặp phải.

Tỉ lệ phản ứng nặng, gây nguy hiểm cho tính mạng, phải nhập viện thường rất thấp, ít xảy ra. Phản ứng sốc nặng cũng có thể qua khỏi nếu được điều trị kịp thời.

Hàn Quốc là nước sản xuất ra vắc-xin Quinvaxem nhưng không dùng vắc-xin này. Trong khi đó, Việt Nam vẫn sử dụng rộng rãi. Theo ông, điều này có gì đáng lo ngại không? Chúng ta có lựa chọn nào khác an toàn hơn không?

Quinvaxem là vắc-xin chứa thành phần ho gà toàn tế bào (dùng vi khuẩn ho gà đã được bất hoạt bằng nhiệt độ) nên có thể gây một số phản ứng sau tiêm, đa phần phản ứng tại chỗ và có sốt.

Tuy vậy, Tổ chức Y tế thế giới vẫn khuyến cáo sử dụng vắc-xin ho gà toàn tế bào vì có hiệu quả cao trong phòng bệnh, có độ an toàn cao, giá thành thấp hơn nhiều so với vắc-xin có chứa thành phần ho gà vô bào.

Việc lựa chọn loại vắc-xin có chứa thành phần ho gà toàn tế bào hay vô bào là tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi một nước.

Khi sử dụng ở Việt Nam, vắc-xin Quinvaxem đã tuân thủ đầy đủ các quy định thẩm định về an toàn, chất lượng, hiệu quả thông qua các thử nghiệm lâm sàng trên người và kiểm định chât lượng trong phòng thí nghiệm.
 

Nên ngừng tiêm nếu mũi 1 bị phản ứng mạnh

Theo ông Hiển, tỷ lệ tai biến nặng sau tiêm là có, và ở tỷ lệ thấp.

Để giảm bớt các rủi ro này, các bà mẹ cần phối hợp với cán bộ y tế, khai báo về tiền sử sinh (nhẹ cân, thiếu tháng), tiền sử bệnh tật và tình hình sức khỏe của con trước khi tiêm chủng, đặc biệt lưu ý đối với các trường hợp trẻ bị bệnh trong thời gian tiêm chủng, tiền sử phản ứng với lần tiêm vắc-xin trước.

Do vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem cần tiêm 3 lần, nếu mũi 1 có phản ứng mạnh thì nên thận trọng, thậm chí không nên tiêm mũi 2-3.

Khi trẻ có biểu hiện như sốt cao kéo dài, bỏ bú, tím tái, khóc thét, co giật..… thì phải mang trẻ ngay đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.


Cẩm Quyên (Thực hiện)