- Bên lề vụ kiện 55 triệu USD gây xôn xao dư luận, một số ý kiến cho rằng vụ án còn những tình tiết đáng quan tâm nhưng chưa được làm rõ. Một trong những vấn đề dư luận còn lấn cấn ở đây là việc xác định thẩm quyền xét xử của tòa án đã đúng hay chưa, có cần thiết triệu tập thêm nhà sản xuất máy đánh bạc vào tham gia tố tụng hay không?

Người nói đúng, kẻ bảo sai

Ngày 7/1/2013, TAND quận 1 ra phán quyết cho vụ tranh chấp “vô tiền khoáng hậu” chưa từng có trong lịch sử tố tụng Việt Nam khi tuyên ông Ly Sam (Việt kiều Mỹ) thắng kiện Công ty liên doanh Đại Dương, buộc công ty này phải trả thưởng cho ông Ly Sam tổng cộng 55.542.291,7 USD (tương đương 1.154,7 tỷ đồng) khi tham gia trò chơi có thưởng tại máy số 13 tại Câu lạc bộ Palazzo tại khách sạn Sheraton Sài Gòn.

Ngay sau khi tòa đưa ra phán quyết, dư luận đã có những quan điểm trái chiều. Liệu vị Việt kiều Mỹ có nhận được khoản tiền “khủng” theo phán quyết của tòa hay không ? Nhiều ý kiến cho rằng việc ông Ly Sam được tuyên thắng kiện là hoàn toàn hợp lý vì phía bị đơn đã không đưa ra được những lý lẽ thuyết phục chứng minh cho quan điểm của mình.

Các máy chơi bạc bên trong CLB Palazzo. (Ảnh: theo Thanh Niên)

Quan điểm khác lại nhìn nhận việc tòa tuyên nguyên đơn thắng kiện là có phần vội vàng, chưa hợp lý vì chẳng có máy trò chơi nào được lập trình mà chỉ với 10 cent có thể thắng được 55,5 triệu USD. Muốn đưa ra phán quyết Tòa cần triệu tập thêm nhà sản xuất máy đánh bạc số 13 vào tham gia tố tụng.

Sau hàng loạt thông tin trên, có ý kiến lại cho rằng sẽ quá vội vàng khi đưa ra nhận xét về phán quyết của tòa, vấn đề cần quan tâm trước tiên là việc xem xét lại thẩm quyền xét xử vụ án. Liệu việc TAND quận 1 thụ lý giải quyết vụ án đã đúng thẩm quyền hay chưa?

Trao đổi về vấn đề trên, luật sư Trần Công Li Tao – Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng: tại khoản 3 Điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định những tranh chấp mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.

Từ quy định, luật sư Li Tao phân tích vụ án trên nguyên đơn (đương sự) ở nước ngoài nên việc TAND quận 1 thụ lý giải quyết vụ án là chưa đúng thẩm quyền.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng trong trường hợp trên có thể hiểu rằng “đương sự ở nước ngoài” ở đây có nghĩa là đương sự không có mặt tại Việt Nam tại thời điểm tòa thụ lý vụ kiện. Trong trường hợp này, ông Ly Sam có mặt tại Việt Nam tại thời điểm tòa thụ lý vụ kiện nên không phải là “đương sự ở nước ngoài”.

Trước đó, tại tòa, khi phát biểu quan điểm về vụ án, đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận 1 đã thẳng thắng đề nghị TAND quận 1 rút kinh nghiệm khi để quá trình thụ lý giải quyết vụ án kéo dài, quá hạn. Tuy nhiên, Viện cũng nhận định: việc thụ lý và xác định quan hệ tranh chấp là tranh chấp hợp đồng hứa thưởng của TAND quận 1 là đúng thẩm quyền, còn thời hiệu theo quy định tại Điều 25, Điều 33, Điều 35, Điều 159 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Trách nhiệm của nhà sản xuất?

Bên cạnh đó, một vấn đề khác cũng được dư luận đặt ra là liệu có cần thiết triệu tập thêm nhà sản xuất máy trò chơi số 13 tham gia tố tụng, bởi một trong những vấn đề quan trọng là việc xác định xem loại máy trò chơi trên có quy định mức thưởng tối đa hay không? Nếu có, con số này là bao nhiêu? Việc máy báo con số trúng thưởng lên tới 55,5 triệu USD có phải là sự cố? Trách nhiệm của nhà sản xuất ra sao?

Màn hình máy đánh bạc số 13 và con số báo trúng thưởng 55,5 triệu USD

Trước đó, trong phần trả lời thẩm vấn của Viện kiểm sát tại tòa, đại diện phía bị đơn cho biết máy số 13 được sản xuất tại Malaysia rồi nhập khẩu vào Việt Nam từ Singapore. Máy được Câu lạc bộ đưa vào hoạt động từ tháng 9/2009, hơn một tháng sau thì xảy ra vụ việc ông Ly Sam được báo trúng thưởng 55,5 triệu USD.

Trả lời câu hỏi của Viện kiểm sát về việc bảo trì, bảo hành máy, bị đơn cho biết thông thường thì công tác bảo trì, bảo hành máy do nhân viên kỹ thuật tiến hành, nếu có sự cố bất thường thì mới liên hệ với nhà sản xuất để nhà sản xuất cử người sang Việt Nam bảo hành. Viện hỏi: “vậy đối với tất cả sự cố, trách nhiệm của nhà sản xuất như thế nào?”, bị đơn cho biết: “theo một nguyên tắc chung nếu sự cố thì tất cả vô hiệu”.

Như vậy, theo giải thích của phía bị đơn, nếu máy đánh bạc trên có lỗi do quá trình lập trình dẫn đến sự cố thì nhà sản xuất vẫn vô can? Quá trình theo đuổi vụ kiện, nếu bị đơn không chứng minh được máy gặp sự cố hay một lý do nào khác thì coi như phải “ôm trọn” trách nhiệm với khoản tiền thua kiện lên tới hàng ngàn tỷ đồng?

M.Phượng