"Sợ mẹ khó chờ"
Trở lại thăm mẹ liệt sĩ Phạm Thị Vượng (89 tuổi) sống trong túp lều tranh ở xã Thạch Lâm sau hơn 4 tháng khi VietNamNet có loạt bài phản ánh về tình cảnh tội nghiệp này, mọi thứ dường như chẳng có gì thay đổi.
Có chăng, là sức khỏe của mẹ đã yếu đi rất nhiều, mắt mờ, tai nặng, tay chân run rẩy khi đã gần bước sang tuổi 90, sống thêm ngày nào biết ngày đó.
Và một điều thay đổi dễ nhận biết nhất là bên trong túp lều tranh của mẹ đã dột nát nhiều hơn sau một mùa mưa, gió. Bốn bức vách đất đã xiêu vẹo, ngả nghiêng.
Lều tranh dột nát, vách đất xiêu vẹo nơi mẹ liệt sĩ sống hàng ngày |
"Cái đêm của đợt mưa to trước, gió mạnh đã xô vách đất, nghiêng hẳn như rứa đó. May mà không đổ sập hẳn xuống, nếu không mẹ đã không còn nữa rồi" - cụ Vượng rưng rưng nước mắt kể lại.
Cũng theo cụ Vượng, như những năm trước thì cụ không dám hi vọng gì. Cứ đến trước mùa mưa là đi xin tranh, tre về sửa soạn, dắm dói lại nhà.
Nhưng năm nay, có báo chí đăng bài, được "cấp trên quan tâm hứa sẽ làm cho mẹ vài gian nhà ngói" khiến mẹ vui mừng lắm. Nên không dắm dói nữa, để chờ nhà mới luôn.
Thế rồi, vẫn cứ phải chờ cho đến... bây giờ, và còn chờ chưa biết đến bao giờ nữa.
"Bữa nghe con dâu nói, cán bộ đã chỉ đạo, sẽ làm nhà cho mẹ trước mùa mưa, mẹ mừng lắm. Đã thắp nén hương khấn trước linh hồn thằng con liệt sĩ nói với nó, cuối cùng thì ước nguyện có gian nhà ngói để thờ tự con đã sắp thành. Ngày có nhà mới, mẹ lập bàn thờ thắp cho con nén hương là có chết, mẹ cũng yên lòng. Rứa mà...sợ mẹ khó chờ rồi..." - cụ Vượng nước mắt chảy dài.
Trước đó, khi VietNemNet có loạt bài đăng tải thông tin việc mẹ liệt sĩ sống trong túp lều tranh, nguyên nhân được chính quyền xã Thạch Lâm giải thích do đất mẹ liệt sĩ đang có tranh chấp với ông Phạm Xuân Đôi, ngày 14/9/2012, UBND huyện Thạch Hà đã có Công văn số 779 trả lời về việc ông Đôi đòi lại đất tranh chấp với mẹ liệt sĩ Phạm Thị Vượng là không đúng quy định.
Phía gia đình ông Đôi đến can thiệp, không cho gia đình mẹ liệt sĩ san ủi đất làm nhà. |
"Căn cứ hồ sơ địa chính Nhà nước quản lý và thực tế sử dụng đất của bà Phạm Thị Vượng và hộ ông Nguyễn Văn Mạo thì việc ông Phạm Xuân Đôi đòi lại đất là không đúng theo quy định của pháp luật. Vậy UBND huyện Thạch Hà trả lời để UBND xã Thạch Lâm biết để đồng thời trả lời cho ông Phạm Xuân Đôi được rõ" - nội dung công văn ghi.
Với công văn đó, Phòng LĐTBXH huyện Thạch Hà sắp sửa cho khởi công, xóa nhà tranh tre dột nát cho mẹ liệt sĩ, nhưng phía gia đình ông Đôi lại gửi đơn khiếu nại tranh chấp đất ra TAND huyện Can Lộc.
Chờ đợi mãi vẫn không thấy được làm nhà, mẹ liệt sĩ nhờ con dâu đi hỏi, thì được TAND huyện Can Lộc cho biết, đơn khởi kiện của ông Đôi là không đúng pháp luật, nên đã trả hồ sơ từ ngày 28/12.
Đừng để mẹ liệt sỹ sống mãi trong lều tranh!
Sau thời gian "dài cổ" chờ đợi, thấy lều tranh, vách đất xiêu vẹo, sợ đổ sập đè chết mẹ và việc gia đình ông Đôi đòi đất là trái pháp luật, nên sáng ngày 13/1, vợ chồng anh Nguyễn Văn Mạo thuê máy xúc về để san ủi đất, chuẩn bị dỡ bỏ lều tranh làm nhà cho mẹ, thì người nhà của ông Phạm Xuân Đôi đã kéo đến gây gổ, can thiệp không cho thợ máy làm việc.
"Họ quá ngang ngược, coi thường pháp luật. Xã cũng không dám ra mặt bảo vệ lợi ích hợp pháp của mẹ liệt sĩ" - anh Nguyễn Văn Mạo bức xúc.
Ước nguyện có gian nhà ngói thờ con liệt sĩ sợ không kịp khi sức khỏe của mẹ đang yếu dần từng ngày. |
Trước việc người nhà ông Đôi kéo người đến can thiệp, không cho máy múc, san ủi đất, chính quyền xã Thạch Lâm thì không dám đứng ra giải quyết, nên gia đình mẹ liệt sĩ đành phải ngậm ngùi trả tiền phí xăng dầu cho chủ máy xúc đánh máy đến mà không được làm việc.
"Lẽ nào một gia đình chính sách, làm việc đúng luật mà không được bảo vệ? Thế này thì có ngày lều tranh xiêu vẹo đè chết mẹ tôi mất..." - anh Mạo uất ức.
Quá buồn, người mẹ liệt sĩ đã lủi thủi đi vào bên trong túp lều tranh xiêu vẹo, nước mắt chảy dài.
Theo Chủ tịch UBND xã Thạch Lâm Bùi Đức Tịnh, hiện phía gia đình ông Đôi vẫn đang tiếp tục có ý kiến khiếu nại nại, họ không chấp nhận quyết định của UBND huyện.
"Nếu như có một cuộc làm việc giữa các ban ngành của huyện với xã và hai bên gia đình để thống nhất đưa ra kết luận cuối cùng đất thuộc về nhà bà Lý (bà Vượng - P.V) hay ông Đôi, không chấp nhận khiếu nại nào nữa thì khi đó chúng tôi sẻ bảo vệ bên hợp pháp. Chứ chưa có quyết định cuối cùng đó, chúng tôi rất khó" - ông Tịnh nói.
Hi vọng cơ quan chức năng sớm có quyết định, việc làm cụ thể dành cho mẹ liệt sĩ gần 90 tuổi đang sống trong túp lều tranh, vách đất xiêu vẹo.
Trần Văn - Duy Tuấn