- Gần 10 chiếc thuyền gỗ cắm ở mũi chiếc cờ tang nhỏ bé. Đã hơn 2 ngày nay chúng xuôi ngược trên dòng sông Đồng Nai để mong tìm được thi thể hai mẹ con bị lật thuyền chết chìm vào lúc 22g ngày 14/1.

Tai nạn bất ngờ

Vị trí xảy ra tai nạn được ghi nhận tại giữa cầu tạm của công trường thuộc dự án đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây (xã Tam An, H. Long Thành, tỉnh Đồng Nai).

Sáng 16/1, những người tham gia tìm kiếm thuật lại: đêm hôm ấy trong lúc anh Trần Thanh Bình (24 tuổi ngụ Gò Công, Tiền Giang) đang ở trên chiếc xuồng nhỏ thả lưới, bất ngờ chiếc thuyền lớn nơi chị Võ Thị Ngọc Diệu (22 tuổi) và cháu Trần Võ Thanh Tuyền (7 tháng tuổi) là vợ và con anh đang ngon giấc…bị tuột giây neo trôi xuôi dòng.

Vị trí mũi tên nơi chiếc thuyền của anh Bình va vào và gặp nạn.

Chiếc thuyền cứ thế trôi đi khoảng 2km rồi va vào cầu tạm của công trường, lật úp. Hai mẹ con chìm xuống đáy sông. Hơn 30 phút sau anh Bình mới biết; đến hiện trường thì chẳng còn cơ may nào cứu được vợ con.

Tin tức được báo về quê nhà. Từ Gò Công, gần 10 chiếc ghe đưa người nhà của anh chị đến hiện trường tổ chức tìm kiếm. Hai ngày trôi qua, tin tức về chị Diệu và đứa con 7 tháng tuổi vẫn còn là ẩn số.

Chúng tôi lên ghe của anh Bình. Trước mũi thuyền, một bàn vong với khói nhang nghi ngút. Anh Bình không còn chút thần sắc. Đôi mắt lúc nào cũng nhìn về hướng xa xăm, với hi vọng rằng sẽ sớm tìm thấy vợ con.

Anh cho biết, sau khi sự cố xảy ra, chiếc ghe bị chìm, đã thuê người trục vớt. Tài sản trên ghe, vốn liếng cả một đời người trên sông nước không còn lại bao nhiêu.

Chiếc thuyền này được trục vớt sau khi bị chìm. Bàn vong và cờ tang ở mũi thuyền.

Anh kể: “Khi tôi lặn xuống nước vẫn thấy trong ghe còn chiếc mùng giăng cho cháu ngủ. Quần áo của hai mẹ con vương vãi khắp nơi...”.

Trên mui thuyền, mẹ anh đang cầm từng chiếc áo, chiếc quần nhỏ bé của đứa cháu nội chưa tròn tuổi, than khóc vật vã. Nhìn cảnh tượng ấy không ai không mủi lòng, xót xa…

Anh Bình buồn rầu nói, đúng ra hôm nay xác hai mẹ con sẽ nổi lên. Thế mà suốt đêm qua đến giờ vẫn chưa thấy gì...

Cái nghèo vây quanh

Anh Bình quanh năm sống bằng nghề bắt cá tôm trên sông nước. Chiếc thuyền chính là ngôi nhà.

Tâm sự, anh kể: “Gia đình tôi nghèo lắm, không có đất canh tác nên phải chọn mặt nước để kiếm cái ăn. Cha tôi hàng ngày cũng rong ruổi trên các dòng sông vận chuyển đất đá.

Mỗi ngày, tôi thả lưới 2 lần sáng và khuya. Sản phẩm thu hoạch cả 2 lần đó đem đến chợ Long Phước bán may lắm được 150.000đ. Số tiền này tôi dành dụm để vài ba tháng về quê một lần đưa cho vợ sinh sống". 

Anh Trần Thanh Bình trước nỗi đau cùng lúc mất cả vợ và con

Vợ anh là nông dân, không quen cảnh lênh đênh. Ăn ở với nhau được 2 năm thì cháu Tuyền ra đời. Cháu được 7 tháng tuổi, nhưng anh chỉ về được đôi lần thăm con.

"Lần này sẵn có ghe của cha tôi chở đá ngang qua đây, hai mẹ con bồng bế nhau lên thăm tôi, mới được 2 ngày thì gặp nạn...” - anh đau khổ.

Anh Bình thẫn thờ qua lại trên chiếc ghe chật hẹp. Cùng lúc mất cả vợ lẫn con, thử hỏi, mấy ai chịu nổi?

Xác vợ anh thì còn dễ phát hiện chứ con anh, một đứa bé còn quá nhỏ. Những đám lục bình, ngóc ngách ven bờ hay gốc cây có rễ ăn sâu dưới nước đều là những thứ có thể che mắt người tìm kiếm…

Rồi anh lại lo lắng. Nếu vớt được xác nên đưa về bằng thuyền hay xe. Thuyền thì mất thời gian khá lâu mới đến, trong khi thi thể nhiều ngày dưới nước có khả năng phân hủy.

Đi bằng xe là cả một vấn đề nan giải. Tài sản của anh hiện giờ chỉ đủ mua vài can dầu để phục vụ tìm kiếm. Lấy đâu ra tiền?
 

Mẹ anh Bình ôm quần áo cháu nội khóc than

Điều làm chúng tôi ngạc nhiên, một sự cố chết người nghiêm trọng như vậy mà không có sự can thiệp của lực lượng cứu hộ, cứu nạn?

Anh giải thích: “Cũng vì cái nghèo nên tôi không dám báo tin cho chính quyền, ngộ nhỡ sau khi xong việc họ tính chi phí thì lấy gì để trả?”.

Ra là vậy. Anh có biết đâu, việc tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ mà các cơ quan chức năng thực hiện, người dân không phải mất một đồng nào. Từ suy nghĩ ấy đã khiến công việc tìm kiếm ngày càng đi vào ngõ cụt.

Chúng tôi trở lại bờ. Anh Phạm Quốc Phong, một đội viên bảo vệ dân phố phường Long Phước (Q.9, TPHCM) – khu vực đối diện – đã đi vận động bà con nơi đây giúp đỡ gia đình anh Bình.

Bà con sốt sắng hưởng ứng. Tuy nhiên, với khả năng của những người lao động chạy ăn từng bữa, liệu có giúp được anh Bình 2 chiếc áo quan và một chuyến xe để đưa vợ con về đến quê nhà hay không?

Câu chuyện đau buồn và khốn khó đó cứ ám ảnh chúng tôi không nguôi...

Trần Chánh Nghĩa