- Ngày 16/1, kịch bản ứng phó với sự cố vỡ đập Sông Tranh 2 vừa chính thức được Quảng Nam thông qua. Kịch bản này sẽ sẽ sơ tán khẩn cấp hơn 62 nghìn dân tại trong khu vực hạ lưu hồ chứa thủy điện…
Ông Nguyễn Ngọc Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, kịch bản được thông qua sau khi có đóng góp ý kiến của các ngành chức năng và lãnh đạo địa phương.
Với kịch bản ứng phó này, khi sự cố đập chứa thủy điện Sông Tranh 2 bị vỡ, các địa phương sẽ sơ tán dân khẩn cấp sau khi có tín hiệu được phát ra.
Trước đó, có rất nhiều kịch bản được đưa ra. Tuy
nhiên, Quảng nam chú trọng kịch bản động đất với cường độ mạnh xuất hiện tại khu
vực nhà máy thủy điện Sông Tranh 2.
Hồ chứa Sông Tranh 2 |
Sức công phá của động đất 'gây vỡ đập Sông Tranh 2 có dung tích 730 triệu m3 nước', sinh lũ quét, ngập lụt vùng hạ lưu.
Tại mỗi thôn, tổ, khu phố sẽ có 1 đội tìm kiếm cứu nạn từ 25 đến 30 người. Ở cấp xã phường, thị trấn điều động một trung đội dân quân cơ động; cấp huyện, thành phố điều động 1 đại đội dự bị động viên, 1 trung đội dân quân cơ động cùng lực lượng cơ động của tỉnh để kịp thời ứng cứu sơ tán dân.
Lực lượng quân đội sẽ được huy động vào cuộc sau đó ít phút. Đoạn đường từ điểm sơ tán đến điểm tập kết có độ dài từ 0,5 km đến 4,5 km.
Lãnh đạo nhà máy thuỷ điện Sông Tranh 2 có trách nhiệm thông báo, báo động tình hình diễn biến động đất đến các địa phương. Chính quyền 8 huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn và Hội An thông báo bằng loa phóng thanh, còi hụ để người dân nhanh chóng ẩn nấp, hoặc chủ động sơ tán đến những nơi an toàn đã được chọn trước.
Ông Quang nhấn mạnh: Các địa phương cần tiếp tục rà soát lại các điểm sơ tán dân cũng như cách đưa dân lên điểm cao khi có sự cố, triển khai đến tận thôn, xóm để người dân nắm rõ.
UBND tỉnh Quảng Nam sẽ báo cáo với Trung ương, Quân khu V, Bộ Quốc Phòng… để tổ chức diễn tập thực binh, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai có thể gây ra.
Vũ Trung