Trong thời gian qua, nhiều người dân thấy lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát (TTKS) và xử lý trên đường đeo biển hiệu màu xanh, trên có ghi đầy đủ những thông tin liên quan như họ tên, hình ảnh, đơn vị làm việc, cấp bậc… thay cho số hiệu cũ. Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.

TIN BÀI KHÁC


- PV: Đồng chí có thể cho biết lý do của sự thay đổi biển hiệu này của lực lượng CSGT?


- Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên: Ngày 27-7-2012, Bộ Công an ban hành Thông tư 45 quy định về biển hiệu và giấy chứng nhận cảnh sát TTKS giao thông đường bộ cho lực lượng CSGT. Theo đó, những CBCS CSGT được phép TTKS và xử lý giao thông sẽ phải qua một kỳ sát hạch để được cấp biển hiệu và giấy chứng nhận cảnh sát TTKS giao thông đường bộ. 

Điều kiện, tiêu chuẩn của CSGT được cấp biển hiệu và giấy chứng nhận được chia ra làm 2 loại. Thứ nhất, đối với CSGT đã được đào tạo chuyên ngành CSGT phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về sức khỏe, phẩm chất đạo đức. Riêng đối với các trường hợp không được đào tạo chuyên ngành CSGT, yêu cầu phải có trình độ từ trung cấp CAND hoặc tương đương trở lên.

Những CBCS CSGT được tuyển từ ngành khác vào phải trải qua lớp bồi dưỡng CAND và được tập huấn về TTKS giao thông đường bộ. Những CBCS trên cũng phải đáp ứng đầy đủ những quy định về sức khỏe, phẩm chất đạo đức và có thời gian công tác trong lực lượng CSGT từ 1 năm trở lên. Tất cả CBCS này đều phải qua kỳ sát hạch nếu đạt yêu cầu mới được cấp biển hiệu và giấy chứng nhận cảnh sát TTKS giao thông đường bộ.

Việc cấp biển hiệu và giấy chứng nhận cảnh sát TTKS giao thông đường bộ theo Thông tư 45 không chỉ có ý nghĩa tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước mà còn có tác dụng đảm bảo tính công khai, minh bạch, nâng cao sự giám sát của người dân đối với lực lượng CSGT. Bên cạnh đó, quy định mới cũng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm hoạt động trên tuyến, các đối tượng mạo danh CSGT.

CSGT được cấp biển hiệu và giấy chứng nhận tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ mới được phép dừng xe xử lý vi phạm

- Những điểm khác nhau của biển hiệu TTKS giao thông đường bộ mới với số hiệu cũ như thế nào, thưa Thiếu tướng?


- Thay vì số hiệu trước chỉ có họ tên, số hiệu CAND thì nay biển hiệu TTKS giao thông đường bộ có hình chữ nhật, được làm bằng chất liệu Polymer có khả năng chống được sự ăn mòn của thời tiết. Nền biển hiệu màu xanh da trời. Hình Công an hiệu được in chìm ở khoảng giữa phần ghi các thông tin cá nhân. Trên biển hiệu được ghi đầy đủ các thông tin như họ tên, cấp bậc, số hiệu, ảnh và đơn vị công tác của CSGT. Các biển hiệu này đều được dán tem chống làm giả.

- Vậy có thể được hiểu, từ nay chỉ có những CSGT được cấp biển hiệu, giấy chứng nhận mới có quyền TTKS, dừng phương tiện xử lý vi phạm?


- Đúng vậy! Từ 1-1-2013, Thông tư 45 có hiệu lực. Những CBCS CSGT ra đường làm nhiệm vụ TTKS phải có biển hiệu và giấy chứng nhận cảnh sát TTKS đường bộ. Riêng đối với CSGT chưa được cấp biển hiệu mới chỉ được làm nhiệm vụ phân luồng, điều tiết giao thông, tham gia hỗ trợ cho lực lượng TTKS trên đường chứ không được phép dừng xe xử lý vi phạm.

Nếu người dân nào nhìn thấy CSGT dừng phương tiện kiểm tra, xử phạt mà không đeo biển hiệu thì có quyền phản ánh lên Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt hoặc những cơ quan có thẩm quyền khác.

- Hiện nay, ngoài CSGT được phép TTKS và xử lý vi phạm giao thông vẫn còn nhiều lực lượng khác xử lý vi phạm. Những lực lượng này không có biển hiệu, giấy chứng nhận được quy định tại Thông tư 45, như vậy việc xử phạt có đúng không?


- Thông tư 45 chỉ áp dụng cho riêng lực lượng CSGT đường bộ. Hơn nữa, theo khoản 3, điều 87 của Luật Giao thông đường bộ, Chính phủ quy định các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp với lực lượng CSGT đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát TTATGT đường bộ trong trường hợp cần thiết.

Ngoài ra, các Nghị định, Thông tư khác có liên quan như Thông tư 65… cũng đã quy định rất rõ nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của các lực lượng có liên quan. Do vậy, các lực lượng cảnh sát khác như CS113, Công an phường… chỉ được tổ chức xử phạt trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình.

- Cảm ơn Thiếu tướng!

Trao đổi với PV, Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP Hà Nội cho biết: Phòng CSGT đã thực hiện nghiêm Thông tư 45 do Bộ Công an ban hành. Trước khi Thông tư có hiệu lực, đơn vị đã tổ chức tập huấn, thi sát hạch cho các CBCS nằm trong diện quy định.

Chỉ có CBCS nào đạt tiêu chuẩn mới được cấp biển hiệu và giấy chứng nhận cảnh sát tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ. Số CBCS này được phép tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm giao thông tại địa bàn đơn vị quản lý theo đúng quy định. Riêng những chiến sỹ chưa được cấp thẻ sẽ thực hiện theo Thông tư 28.

Cũng theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, quy định mới này không chỉ giúp CBCS CSGT ý thức hơn về nhiệm vụ, trách nhiệm của mình mà còn nhắc nhở lực lượng làm nhiệm vụ phải thực hiện nghiêm quy trình, điều lệnh công tác; xử lý linh hoạt, nghiêm các hành vi vi phạm đồng thời tránh trường hợp lạm quyền, chặn xe xử lý tràn lan trên đường.

(Theo An ninh thủ đô)