- “Các dự án giao thông, cầu vượt lắp ghép không phải là bảo bối để giảm ùn tắc. Có làm bao nhiêu cầu vượt đi chăng nữa thì cũng không thể giải quyết được ùn tắc khi phương tiện gia tăng nhanh chóng”.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết trong buổi làm việc về tình hình phối hợp quản lý và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải Hà Nội giữa Bộ GTVT và UBND TP. Hà Nội (22/1).
Bị nhà thầu nước ngoài “phạt” vì tiến độ mặt bằng
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, Bộ GTVT và Hà Nội đã thường xuyên phối hợp, làm việc có hiệu quả trong quản lý Nhà nước, phát triển kết cấu hạ tầng trong thời gian qua. Tuy nhiên, công tác GPMB vẫn chưa đạt kết quả thống nhất. Việc bố trí các khu tái định cư cho dân còn chậm, nhiều nơi chưa hoàn thiện nên đã dẫn đến tình trạng nhiều dự án bị ảnh hưởng đến tiến độ.
Dự án Cầu Nhật Tân có nguy cơ chậm tiến độ vì chậm GPMB
Cụ thể, tại đường nối cầu Nhật Tân – sân bay Nội Bài, cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, Lào Cai, Hà Nội vẫn chưa giải phóng mặt bằng 328 hộ dân đất thổ cư trên địa bàn huyện Sóc Sơn, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật…
Ông trường cũng cho rằng: Công tác GPMB các dự án giao thông trên địa bàn là rất khó khăn, phức tạp liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân, do vậy đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trường cũng thẳng thắn chỉ rõ, các dự án chậm tiến độ do Bộ GTVT làm chủ đầu tư đã phải đến bù cho nhà thầu nước ngoài.
“Dự án cầu Nhật Tân đã phải đền bù 200 tỷ đồng cho nhà thầu Tokyu do chậm tiến độ 1,5 năm mà nguyên nhân chính là chậm trễ trong công GPMB. Dự án đường nối Nhật Tân – Nội Bài nếu chậm tiến độ và GPMB rất có thể cũng lâm vào tính trạng này”, thứ trưởng Trường nói.
Ông Trường cũng cho biết thêm, ba công trình dự án cầu Nhật Tân, dự án đường nối cầu Nhật Tân - sân bay Nội Bài và dự án nhà ga T2 Nội Bài sẽ được khánh thành đúng vào ngày 10/10/2014.Tuy nhiên, đến nay, dự án đường nối Nhật Tân - Nội Bài tiến độ giải ngân giải phóng mặt bằng còn quá chậm.
Trong năm 2012, dự án đường nối Nhật Tân - Nội Bài được bố trí 647 tỷ đồng để GPMB, trong đó vốn trái phiếu Chính phủ bố trí 147 tỷ đồng và 500 tỷ đồng do Bộ GTVT bổ sung từ nguồn ngân sách Nhà nước ứng trước kế hoạch 2013. Tuy nhiên, đến nay, nguồn vốn này vẫn chưa có kế hoạch sử dụng.
“Đến tháng 6/2013 mà chưa thực hiện giải ngân hết số vốn GPMB được bố trí trên thì Bộ GTVT sẽ thu hồi vốn”, Thứ trưởng Trường cho biết.
Đẩy mạnh quy hoạch, huy động nguồn vốn
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ GTVT và TP. Hà Nội đã chỉ đạo các chủ đầu tư cần phải phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các Sở, ban ngành Thành phố, các quận huyện ngay từ khâu xác định chỉ giới, lập quy hoạch, thu hồi đất, giao đất cho đến việc tái định cư…
“Các dự án giao thông nếu đảm bảo đầy đủ các yếu tố về mặt bằng, bố trí đủ nguồn vốn đều có thể rút ngắn thời gian thi công từ 3 – 6 tháng, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an toàn giao thông,” Thứ trưởng Trường khẳng định.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng cho biết cần phải đẩy nhanh công tác quy hoạch giao thông thủ đô mà cụ thể là GPMB và huy động nguồn vốn đối với các dự án.
Theo ôngThảo, các dự án cầu vượt lắp ghép, đường vành đai 3 trên cao tiến độ được rút ngắn đã góp phần giải quyết ùn tắc giao thông làm thay đổi bộ mặt cảnh quan Thành phố. Mặc dù vậy, Hà Nội cần tăng cường công tác quản lý an toàn giao thông trước sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện cá nhân.
“Các dự án giao thông, cầu vượt lắp ghép không phải là bảo bối để giảm ùn tắc. Có làm bao nhiêu cầu vượt đi chăng nữa thì cũng không thể giải quyết được ùn tắc khi phương tiện gia tăng nhanh chóng,” Chủ tịch Hà Nội thừa nhận.
Đối với các dự án trọng điểm quốc gia, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu cần đẩy nhanh công tác GPMB bố trí vốn để cải tạo, nâng cấp mở rộng các tuyến Quốc lộ trên địa bàn Thủ đô nhằm tạo sự gắn kết với các trục, tuyến cảng, hàng không…
Vũ Điệp